Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Đây là 1 trong 5 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - industry 4.0 summit 2019 do Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ liên quan chủ trì và chỉ đạo tổ chức.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo tài chính hiện nay đang tạo ra những sản phẩm dịch vụ hay quy trình mới vượt ra ngoài những phạm vi của pháp luật hiện hành. Tính chất phức tạp và sự phát triển quá nhanh của công nghệ tài chính cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho các nhà hoạch định chính sách không chỉ tại các nước đang phát triển mà ngay tại những nước phát triển. Những đổi mới mang tính cách mạng này là chưa có tiền lệ do đó chưa có một khung khổ thống nhất, chuẩn mực để ứng xử với những thay đổi này.

“Các quốc gia khác nhau có những cách phản ứng và ứng xử khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các nước trên thế giới đều đang đứng trước áp lực phải có khung pháp lý phù hợp cân bằng được cả hai mục tiêu: thứ nhất là kịp thời hỗ trợ đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng các đổi mới sáng tạo này vào cuộc sống; thứ hai là đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia trên thị trường đặc biệt là người tiêu dùng” – đồng chí Sơn nêu rõ.

Ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua đã tiên phong thực hiện tinh thần này. Những tiến bộ trong công nghệ tài chính (fintech) đều được các ngân hàng Việt Nam nhanh chóng phát triển ứng dụng như: thanh toán qua di động, qua mã QR chuẩn hóa, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ - Tokenization, thanh toán thẻ chíp đối với thẻ nội địa… . Những chuyển đổi mạnh mẽ này đã giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo

Hiện nay đã có khoảng 76 tổ chức tín dụng triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, 44 tổ chức tín dụng triển khai dịch vụ thanh toán qua di động, trong đó 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code. Toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Về xu hướng phát triển, có tới 92% ngân hàng xây dựng chiến lược phát triển về ứng dụng trên Internet và thiết bị di động, 64% quan tâm đến chiến lược công nghệ điện toán đám mây, 48% đề cập đến chiến lược tự động hóa lao động tri thức, 16% chú ý đến chiến lược Internet vạn vật.

 “Chúng ta có cơ hội, chúng ta có tiềm năng, chúng ta đã có định hướng phát triển của Đảng và nhà nước. Vấn đề là làm thế nào để biến các tiềm năng và cơ hội đó thành hiện thực?”- đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nêu vấn đề để các đại biểu thảo luận.

Tại Hội thảo, các đại biểu phân tích và nêu rõ, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã đặt ra những nền tảng quan trọng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này đang tạo ra sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh và quản trị. Các công nghệ kỹ thuật số như điện toán đám mây, internet vạn vật, robot hiện đại, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đã và đang làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, tiêu thụ và sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Những thay đổi này đòi hỏi tất cả các ngành, đặc biệt là ngành tài chính phải chuyển đổi nhanh chóng để có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngày càng phức tạp hơn, cá biệt hoá hơn, thân thiện với khách hàng hơn.

Hình ảnh tại Hội thảo

Các đại biểu cũng cho rằng, trong thời gian qua, trên khắp thế giới chúng ta chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng vào công nghệ tài chính Fintech và dựa trên các công nghệ Fintech nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hoá đã xuất hiện như ví điện tử (E-wallet), chuyển tiền ngang hàng (peer-to-peer transfer), thanh toán di động, ngân hàng di động, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng (equity-based crowdfunding), ngân hàng chuỗi khối, ngân hàng số…

Công nghệ số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả cung cấp các dịch vụ truyền thống như dịch vụ thanh toán, cho vay, huy động vốn v.v… mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới như sự ra đời của các đồng tiền kỹ thuật số, đồng tiền mã hoá (crypto currency), thanh toán không sử dụng đồng tiền pháp định, huy động vốn bằng đồng tiền mã hoá, và thậm chí ngân hàng trung ương nhiều nước cũng đang nghiên cứu khả năng phát hành tiền kỹ thuật số thay vì đồng tiền ký hiệu (token currency) như hiện nay.         

Việc số hoá hoạt động ngân hàng ở giai đoạn hiện nay không chỉ dừng lại ở việc nâng cao hiệu quả của quy trình xử lý mà còn tập trung vào nâng cao trải nghiệm, cho phép khách hàng tự phục vụ, theo thời gian thực, trên nhiều thiết bị khác nhau với các bối cảnh khác nhau phù hợp với nhu cầu trải nghiệm khác nhau của từng cá nhân.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, để có thể cạnh tranh và phát triển thì chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu. Trong khi đó, với số dân hơn 96 triệu người trong đó tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh chiếm hơn 55% dân số, và khoảng 45,8 triệu người có tài khoản ngân hàng thì tiềm năng để phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là rất lớn./.

Tin, ảnh: Tài Chính