Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nước ta có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch nhờ vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng vô số thắng cảnh từ Bắc chí Nam.
|
Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng (Ảnh: HNV) |
Ông Đính cũng dẫn lại Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ và chiến lược phát triển kinh tế du lịch, trong đó có nhiệm vụ tận dụng lợi thế địa lý, khai thác triệt để các tiềm năng. Ông tin định hướng năm 2025 cùng tầm nhìn 2030 sẽ thành công và Việt Nam lần lượt vào top 30 rồi Top 10 cường quốc có năng lực cạnh tranh kinh tế du lịch mạnh nhất toàn cầu.
Hiệp hội bất động sản Việt Nam thống kê có khoảng 216 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở 10 tỉnh thành trong năm 2020. Số lượng sản phẩm còn khiêm tốn, chưa đủ đáp ứng chỉ tiêu Chính phủ đặt ra. Theo tính toán, đến năm 2025 và 2030, Việt Nam phải đón trên 50 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng gần 200 triệu lượt khách nội địa. Để làm được điều này, cơ sở hạ tầng phải được đầu tư mạnh, điển hình là ở Quảng Ninh, Phú Quốc, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiên...
Ở góc nhìn của đơn vị tư vấn, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng dù có lợi thế địa lý, tự nhiên, du lịch Việt Nam vẫn không bằng các nước trong khu vực lẫn thế giới. Điểm yếu đầu tiên là sự đơn điệu về sản phẩm du lịch, thứ hai là tầm vĩ mô. Vì thế, theo ông này, nếu xác định du lịch là ngành công nghiệp không khói, đóng góp vào GDP thì các nhà làm luật, đơn vị đầu ngành cần cải thiện cơ chế, nới lỏng hàng lang pháp lý, từ đó mở rộng các dịch vụ liên quan du lịch. Có vậy mới tạo tiền đề để bất động sản nghỉ dưỡng thăng hoa, đạt được giá trị tương xứng tiềm năng.
Bài toán phát triển tiềm năng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chính sách; tầm vĩ mô - cơ quản chủ quản sẽ xử lý thế nào, làm gì để du lịch Việt Nam phát triển mạnh... Quan trọng nhất là bất động sản nghỉ dưỡng nên được hưởng lợi chứ không phải doanh nghiệp cứ xây resort, sau đó bán và thu hút du khách. Điều này sẽ khiến chủ đầu tư khó tạo ra giá trị gia tăng, đem lại cơ hội việc làm cho lao động địa phương...
Bên cạnh đó cần tính toán làm thế nào để thu hút du khách quay lại Việt Nam, chứ không để họ chỉ đến một lần rồi thôi. Vấn đề tần suất khách trở lại tham quan cũng là vấn đề nhiều cường quốc du lịch trăn trở. Chuyên gia nhấn mạnh phải có điều gì đó ấn tượng, du khách mới đến nhiều lần.
ThS. NCS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư trong thời gian gần đây có xu hướng tạo lập những bất động sản đa dạng hơn, tích hợp nhiều tính năng và mục đích hơn để phục vụ du khách. Bản thân bất động sản du lịch có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá. Cụ thể, về kinh tế, theo thống kê, tăng trưởng của bất động sản khách sạn, nhà hàng có tác động tốt tới ngành du lịch: 1% tăng trưởng của ngành này sẽ góp phần làm tăng 0,32% tăng trưởng cho ngành du lịch. Sự ra đời của các công trình bất động sản du lịch đẳng cấp sẽ là điểm thu hút, giúp gia tăng số lượng, chất lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh ý nghĩa là hạ tầng phục vụ du lịch, BĐS du lịch mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Ở góc độ an sinh xã hội, vận hành chuỗi bất động sản du lịch tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong quá trình xây dựng, vận hành dự án qua đó điều tiết dòng lao động, dòng tiền từ chỗ giàu đến chỗ nghèo hơn, bảo đảm an sinh xã hội.
Ở góc độ văn hóa xã hội, bất động sản du lịch phát triển là mắt xích quan trọng để phát triển đồng bộ hạ tầng, hình thành cấu trúc hệ sinh thái cộng sinh, đó là những dòng bất động sản đồng bộ, có chất lượng và có khả năng đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu của du khách, qua đó là chìa khóa để khai thác tiềm năng và thế mạnh của mỗi vùng, miền của đất nước. Một khía cạnh quan trọng khác cần được đề cập là tác động tích cực của bất động sản du lịch đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Từ những kinh nghiệm sẵn có cùng góc nhìn của cơ quan Nhà nước, tư vấn quốc tế, ông Christopher Khoo - Giám đốc điều hành Master Consult Services, Tổng cục Du lịch gợi ý cho Việt Nam, bối cảnh hậu COVID-19 sự cạnh tranh diễn ra rất gay gắt nên buộc các doanh nghiệp phải tạo ra sự đổi mới. Bản thân du lịch Việt Nam đã có sự phát triển theo hệ thống, cùng với đó kinh tế cũng đã ổn định. Trong khi đó, theo ông Rusmin Lawin, Chủ tịch Hội Công nghệ bất động sản Indonesia, Phó Chủ tịch Phụ trách Đối ngoại của Hiệp hội Bất động sản Indonesi qua kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch ở Indonesia, đã đề xuất, Việt Nam có thể tham khảo về phát triển du lịch theo những vùng đặc khu kinh tế và xây dựng chiến lược quốc gia phát triển du lịch hiệu quả.
TS. Sopon Pornchokchai, Chủ tịch Hội đồng định giá bất động sản Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn bất động sản Thái Lan nhấn mạnh, Việt Nam có những điểm tương đồng với Thái Lan, đó là du lịch bền vững hướng đến phát triển xanh. Những người có thu nhập cao rất muốn đầu tư vào các sản phẩm bất động sản xanh như vậy. Việt Nam cũng có thể xây dựng nhóm nhà đầu tư, du lịch tinh hoa. Đây là nhóm nhà đầu tư rất tiềm năng với thị trường bất động sản du lịch và bất động sản cao cấp.
Có thể thấy, Việt Nam hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển bất động sản du lịch. Hy vọng sẽ sớm có những đổi mới về chính sách, pháp luật, nhằm thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của bất động sản du lịch Việt Nam. Cơ chế, chính sách thông thoáng cần sớm được áp dụng, như một giải pháp cấp bách giúp thị trường hồi phục nhanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Đồng thời, đây cũng là giải pháp dài hạn để thúc đẩy thị trường phát triển tự do, minh bạch, lành mạnh, giúp khai thác tối đa lợi thế của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045./.