|
Sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp là nền tảng quan trọng để duy trì kinh tế vĩ mô ổn định. (Ảnh: PV) |
3 tháng đầu 2023, kinh tế - xã hội của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Ngân hàng thế giới (WB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt đạt 6,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm. Mặc dầu vậy, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, cả hệ thống chính trị đã cùng nhau tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp là nền tảng quan trọng để duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Kinh tế – xã hội quý I năm 2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.
Thống kê số liệu của Tổng cục Thống kê về kết quả đạt được của cả nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương trong quý I/2023 là minh chứng rõ nét cho nhận định trên.
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Sản xuất nông nghiệp quý I/2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định; chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả.
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Ngược lại với sự thuận lợi ban đầu của sản xuất nông nghiệp, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ 2022. Tính chung quý I/2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, có một tín hiệu sáng là, trong tháng 3, cả nước có 14,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 145,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 92,6 nghìn lao động, tăng 60,9% về số doanh nghiệp, tăng 122,2% về vốn đăng ký và tăng 81,4% về số lao động so với tháng 02/2023.
Tuy nhiên, tính chung quý I/2023, cả nước có gần 34 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 310,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 212,3 nghìn lao động, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ 2022. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên gần 57 nghìn doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Điểm sáng ấn tượng nhất của quý I/2023 phải kể đến là hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15/3/2022 sau đại dịch COVID-19 cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua. Hoạt động vận tải duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước đạt 501,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ 2022. Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2022.
Vận tải hành khách quý I/2023 đạt 1.114,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 28,8% so với cùng kỳ 2022. Vận tải hàng hóa quý I/2023 đạt 549,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển.
Doanh thu hoạt động viễn thông quý I/2023 ước đạt 86,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ 2022.
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Cũng theo Tổng cục Thống kê, quý I/2023, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định; thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng nhất định trước những biến động của kinh tế toàn cầu. Tính đến thời điểm 20/3/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2023 ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/3/2023, chỉ số VNIndex đạt 1.050,24 điểm, tăng 2,49% so với cuối tháng trước và tăng 4,28% so với cuối năm 2022; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 28/02/2023) đạt 5.310 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2022. Tính chung quý I/2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022. Thị trường cổ phiếu hiện có 758 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 857 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.981 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với cuối năm 2022.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 3 đạt 4.870 tỷ đồng/phiên, giảm 13,3% so với tháng trước; bình quân quý I năm 2023 đạt 4.740 tỷ đồng/phiên, giảm 38,3% so với bình quân năm 2022. Thị trường trái phiếu hiện có 453 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.807 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính từ đầu năm đến 16/03/2023, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 304,965 hợp đồng/phiên, tăng 12% so với bình quân năm 2022; chứng quyền có bảo đảm đạt 20,87 triệu chứng quyền/phiên, giảm 36%.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I theo giá hiện hành tăng 3,7% so với cùng kỳ 2022 đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như lạm phát trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia. Tuy nhiên, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ 2022. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2023 có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 113,3 triệu USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ 2022; có 07 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 6,2 triệu USD, giảm 80,1%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 119,5 triệu USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ 2022.
Thu ngân sách Nhà nước quý I ước tăng 1,3% so với cùng kỳ 2022. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3 ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ 2022. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ 202.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương cùng với với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý I/2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê còn nêu rõ, tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 phục hồi tích cực, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ 2022. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.
Đáng chú ý, trong quý I, nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ, được tổ chức khắp nơi, tạo nên bức tranh đặc sắc, ấn tượng trên cả nước. Có 25 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các phong trào tập luyện thể dục thể thao được tổ chức rộng khắp, nhiều phong trào thể thao quần chúng được phát động…/..