Phiên tọa đàm tại Diễn đàn. (Ảnh: K.D)
Ngày 13/7, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Đại sứ quán Australia và Dự án Investing in Women đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng".
Phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Nguyễn Phú Bình - Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận định, bình đẳng giới là cơ sở, là nền tảng và là điều kiện tiên quyết, quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Bất bình đẳng giới đã được xác định có mối liên quan đến những yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm và nhận thức của các chủ thể; do đó, can thiệp và cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới không phải là điều dễ dàng, mà nó đòi hỏi phải có cách tiếp cận phù hợp. Cũng theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, đang ngày càng tham gia sâu vào mọi hoạt động trong cộng đồng...
Nói về bình đẳng giới tại nơi làm việc, bà France-Massin, đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, lồng ghép các vấn đề về giới vào xúc tiến và tạo việc làm giúp nâng cao hiệu quả cho công tác tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế; phát triển nguồn nhân lực; phát triển bền vững; và giảm thiểu đói nghèo. Những tiến bộ về gia tăng sự tham gia lực lượng lao động của nữ giới và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ đã và đang được diễn ra trên toàn thế giới trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa bình đẳng giới trong lao động việc làm thành hiện thực.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ quyền năng phụ nữ (VBCWE) cũng cho biết, VBCWE được sáng lập bởi các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng với quy mô nhân sự lớn. Các doanh nghiệp này sẽ có những bước hành động thích hợp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới tại chính công ty của họ, từ đó tác động đến cộng đồng các doanh nghiệp khác cả trong và ngoài chuỗi cung ứng, góp phần xây dựng môi trường và điều kiện làm việc tốt hơn, bình đẳng hơn cho nữ giới.
Có thể thấy, dù được đánh giá là một trong những quốc gia đạt thành tựu cao về thực hiện bình đẳng giới, Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện chính sách cũng như hướng tới hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Đặc biệt, hướng tới sự tăng trưởng và phát triển bền vững của khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số bình đẳng giới (GII) năm 2014, Việt Nam xếp thứ 60/154 quốc gia trên thế giới. Còn theo Báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2013 (MDG 2013), mục tiêu bình đẳng nam, nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ là một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ đã được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015.
Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật ở trong nước./.
Kim Dung