Việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm chè của Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa. (Ảnh: K.D)

Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, chè Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên các giá trị của ngành chè chưa được khai thác. Kim ngạch xuất khẩu chè vẫn chủ yếu thiên về số lượng. Vì vậy, cần phải thay đổi về cách làm chè hiện nay, từ chủ yếu thiên về số lượng sang thiên về chất lượng để tạo ra những sản phẩm chè cao cấp, vào được những thị trường cao cấp. Chỉ khi chất lượng chè được bảo đảm, khâu tiếp thị, quảng bá thương hiệu chè mới dễ dàng hơn. Một sản phẩm tốt sẽ luôn lấy lòng được người tiêu dùng. Từ đó, thương hiệu, hình ảnh chè Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn.

Đồng quan điểm đó, tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty chè Hà Thái, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tại Cuộc thi chè đặc sản quốc tế Bắc Mỹ, khách hàng Bắc Mỹ tỏ ra bất ngờ khi thưởng thức chè Việt Nam. Họ cho rằng, chè Việt Nam rất ngon, nhưng lại hoàn toàn chưa có thông tin gì nhiều tại thị trường này. Và giờ đây, khi họ đã biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của chè, biết được phương thức sản xuất chè an toàn thì họ rất yên tâm sử dụng sản phẩm. Điều này cho thấy, việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm chè của chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Wisal Hin, chuyên gia tư vấn quốc tế ngành chè xanh Hoa Kỳ khẳng định, khâu tiếp thị sản phẩm rất quan trọng. Việt Nam cần phải viết nên câu chuyện về chè với việc giới thiệu rõ nguồn gốc xuất xứ, phương thức trồng cũng như sản xuất chè, văn hóa uống chè tới người tiêu dùng. Muốn công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm đạt hiệu quả, ông Wisal Hin cho rằng, cần nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng. Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, người tiêu dùng có thị hiếu tiêu thụ lượng lớn chè ướp hương và chè có vị hoa quả. Việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng cũng sẽ giúp cho khâu tiếp thị đạt hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, chuyên gia Hoa Kỳ cũng cho rằng, để vào được các thị trường khó tính như châu Âu, chè của Việt Nam cần kiểm soát chặt tất cả các khâu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chè phải được trồng trên đất sạch, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Với việc trồng và sản xuất theo phương thức này, số lượng sản phẩm sẽ không thể đạt nhiều, tuy nhiên, thay vào đó, chất lượng sản phẩm được chứng thực, có thể thỏa mãn cả những thị trường khó tính nhất./.

Kim Dung