Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật lịch sử 

(Chinhphu.vn) - Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật lịch sử, đề nghị phía Hàn Quốc tôn trọng sự thật lịch sử, khuyến khích các hành động thiết thực hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh.
Việt Nam đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tôn trọng sự thật lịch sử - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh - nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát của lính Hàn Quốc tại làng Phong Nhất và Phong Nhị ngày 12/2/1968

Trả lời phóng viên về việc Chính phủ Hàn Quốc kháng cáo phán quyết của tòa án về vụ kiện của bà Nguyễn Thị Thanh (nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát của lính Hàn Quốc tại làng Phong Nhất và Phong Nhị ngày 12/2/1968), chiều 9/3, Phó Phát ngôn Bộ ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc trước việc Chính phủ Hàn Quốc kháng cáo phán quyết của tòa án, điều này không phản ánh đúng sự thật khách quan đối với vấn đề này".

Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật lịch sử.

Trên tinh thần hợp tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị phía Hàn Quốc nhận thức đúng đắn và tôn trọng sự thật lịch sử, khuyến khích các hành động thiết thực hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần vào củng cố tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, cũng như là nhân dân hai nước.

Trước đó, theo TTXVN, Tòa án quận trung tâm Seoul, Hàn Quốc ngày 7/2 đã ra phán quyết sơ thẩm yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường hơn 30 triệu won (23.900 USD) cho bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên đơn trong vụ kiện liên quan tới vụ thảm sát năm 1968 tại làng Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà Nguyễn Thị Thanh, người sống sót sau vụ thảm sát đã đệ đơn kiện Chính phủ Hàn Quốc. Bà cho biết đã mất các thành viên trong gia đình và bản thân bị thương do bị đạn bắn.

Hội đồng xét xử thừa nhận rằng, ngày 12/2/1968, binh lính thuộc Đại đội 1, Lữ đoàn 2 Thủy quân lục chiến của quân đội Hàn Quốc đã sát hại trên 70 dân thường ở làng Phong Nhị, trong đó có người thân của nguyên đơn. Số tiền bồi thường mà Hội đồng xét xử đưa ra dựa theo tính chất vi phạm pháp luật của vụ việc, tuổi của nguyên đơn, mức độ thiệt hại, mức độ xâm phạm nhân quyền và mức bồi thường trong các vụ án tương tự được tòa án các cấp đưa ra trước đó.

Phán quyết của Tòa án quận trung tâm Seoul đánh dấu lần đầu tiên một tòa án Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với các nạn nhân của vụ thảm sát năm 1968 tại Quảng Nam.

Hoàng Tùng

346 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1062
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1062
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87200905