Lần trước, từ đầu năm 1965, hàng chục vạn quân thiện chiến của đế quốc đứng đầu thế giới rầm rộ đổ vào miền Nam Việt Nam tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ; cùng lúc đưa hải quân và không quân với những máy bay tiêm kích hiện đại khét tiếng Thần Sấm, Con Ma gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đạo quân xâm lược ấy ở miền Nam tăng từ 18 vạn (cuối năm 1965), lên 39 vạn (cuối năm 1966), rồi 48 vạn (cuối năm 1967) và 54 vạn (năm 1968); phối hợp cùng quân đội 5 nước đồng minh, hàng chục vạn quân Sài Gòn. Chúng ồ ạt phản công suốt 2 mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 hòng "tìm diệt" Quân giải phóng, “bình định” miền Nam, tiếp tục chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Lần sau, từ đầu năm 1979, cũng hơn 50 vạn quân cùng nhiều khí tài quân sự đồng loạt nổ súng tấn công suốt dọc biên giới phía bắc nước ta, muốn gây áp lực và "Dạy cho Việt Nam một bài học"; hòng phối hợp và “chia lửa” với mấy chục vạn quân của chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary đang phát động chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Việt Nam. Nhiệm vụ của đạo quân ấy có vẻ như chớp nhoáng và chỉ nhằm “thử sức”, nhưng thực tế dai dẳng đến 10 năm.
Cả 2 lần các nước lớn đều muốn dùng sức mạnh quân sự hòng đè bẹp Việt Nam để tạo áp lực về chính trị; đứng trước những đạo quân xâm lược ấy, Việt Nam bắt buộc phải tự vệ và độc đáo là lần nào cũng thực hiện bằng sức mạnh cả nước ra trận.
Những năm 1965-1968, dù đất nước bị chia cắt, hai miền Nam-Bắc vẫn phối hợp tiền tuyến-hậu phương; miền Nam gọi, miền Bắc trả lời; mỗi năm hàng vạn thanh niên từ miền Bắc vào Nam chiến đấu chống ngoại xâm. Năm 1979, đất nước hòa bình thống nhất, nghe tin biên giới phía bắc ngập tràn quân xâm lược, sát cánh với quân và dân trên 6 chiến tuyến biên giới phía bắc (Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh) có nhiều người con quê hương đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ, vẫn đủ Hà Nội – Huế – Sài Gòn như trước trong chiến đấu chống ngoại xâm. Lần trước từ hậu phương ra tiền tuyến trên hệ thống đường Trường Sơn, có “Chiếc gậy Trường Sơn” và hát vang “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”; lần sau là những chuyến bay, đoàn xe, đoàn tàu đặc biệt chuyển quân từ phía nam ra phía bắc, lên biên giới với lời ca thúc giục “Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca”.
Lần trước, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/7/1966, qua Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Thủ đô Hà Nội, cả dân tộc thấm sâu chân lý thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, các tỉnh, thành phía bắc, từ vùng căn cứ, từ các chiến khu, vùng giải phóng phía nam, thanh niên nô nức lên đường vào trận chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Lần sau, hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (ngày 5/3/1979), hàng triệu thanh niên ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phú, Hải Hưng, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đắk Lắk, Gia Lai-Kon Tum, Phú Khánh và Nam Bộ rầm rộ tòng quân ra mặt trận.
Cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam chứng minh tính chính nghĩa tất thắng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; phản ánh đúng hiệu quả của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời hiện đại.
Cuối cùng cả hai cuộc chiến cũng phải khép lại; đã đi vào lịch sử hai lần cả nước hành quân theo thế trận chiến tranh nhân dân. Đẹp và hào hùng!
Để có được hòa bình 40 năm nay, dân tộc và nhân dân Việt Nam phải trả bằng bao nhiêu xương máu, sức lực, trí tuệ và của cải, thật đắt và thật trân quý, các thế hệ tiếp nối phải ra sức giữ gìn và bảo vệ.
Hà Minh Hồng