Việt Nam: 1 trong 2 nước cải cách nhiều nhất 15 năm qua 

(Chinhphu.vn) – Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới ghi nhận Việt Nam có bước tiến vượt bậc về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc và cùng với Indonesia trở thành hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua trên toàn cầu.

Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) 2018 được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/10 đã ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực của Việt Nam.

Theo đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt số điểm 67,93 trên thang 100, xếp thứ 68 trên tổng số 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái.

Việt Nam có 8 trên 10 chỉ số tăng điểm, trừ các chỉ số đăng ký tài sản và bảo vệ cổ đông thiểu số không tăng.

Trước đó, với Doing Business 2017, Việt Nam đứng vị trí thứ 82/190, với số điểm 63,83 trên thang 100; tăng 9 bậc so với năm 2016.

Xếp hạng năm nay của Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN, sau Singapore (đứng thứ 2 toàn cầu), Malaysia (24), Thái Lan (26), Brunei (56).

Thứ hạng của Việt Nam cũng cao hơn Trung Quốc 10 bậc khi Trung Quốc xếp thứ 78/190.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới ghi nhận Việt Nam và Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách.

Trước đó, hồi cuối tháng 9, Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cũng ghi nhận bước nhảy vọt của hai quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia. Cụ thể, Việt Nam nhảy lên hạng 55, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm.

WEF đánh giá các nước trên thang điểm 7. Theo đó, điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam năm nay được 4,4 điểm so với 4,31 năm ngoái. 

"Hiện nay, doanh nhân tại TP. Hồ Chí Minh chỉ mất 22 ngày và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, so với 61 ngày và 31,9% năm 2003", Ngân hàng Thế giới nhận định.

Tiếp đến là Trung Quốc và Brunei, mỗi nước có 26 cải cách.

Trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, có hai nền kinh tế đứng trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng. Các nền kinh tế đứng hàng đầu là Singapore (xếp thứ 2) và đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc (thứ 5).

Các nền kinh tế có thứ hạng thấp nhất của khu vực là Myanmar (thứ 171) và Timor-Leste (thứ 178).

Báo cáo Môi trường kinh doanh nghiên cứu theo dõi mức độ thuận lợi kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới.

WB xếp hạng môi trường kinh doanh dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.

Trong thời gian qua và đặc biệt trong năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện hàng loạt chính sách thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Xếp hạng mới nhất của WB cho thấy các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã được triển khai hiệu quả.

Thành Đạt

522 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 663
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 663
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87237014