Biểu hiện của mối quan hệ này, là hai nước đã ký nhiều văn bản quan trọng: Năm 1977 ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác; năm 2001 ký Hiệp định hợp tác 5 năm (2001-2005) và Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật giai đoạn 2001-2010; tháng 7/2001, ra Tuyên bố chung nêu đường hướng chỉ đạo cho quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Hai bên tăng cường cơ chế tiếp xúc trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước. Hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao và các cấp ngành, địa phương. Ngòai ra, hai bên đã phối hợp chặt chẽ ở các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là các hoạt động ASEAN, tiểu vùng MêKông, sông Hằng - MêKông và nhóm công tác phát triển 3 vùng biên giới và các hoạt động hợp tác đa phưong khác. Bộ Ngoại giao hai nước đã tiến hành nhiều cuộc giao lưu luân phiên hàng năm.
Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua đã đi vào chiều sâu và đạt chất lượng, hiệu quả tích cực trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, công nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính-viễn thông, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục-đào tạo, lao động, văn hoá-thông tin, y tế, khoa học-công nghệ-môi trường, khí tượng thuỷ văn, vẽ bản đồ, công tác biên giới, sưu tập mộ Liệt sĩ và hợp tác giữa các địa phương có cùng biên giới; và hợp tác Việt Nam-Lào trong khuôn khổ hợp tác kinh tế tiểu vùng sông MêKông....cùng nhiều lĩnh vực khác.
Quảng Trị là một trong số 13 tỉnh, thành trong cả nước có chung biên giới hoặc kết nghĩa với các tỉnh, thành của bạn Lào. Những năm qua, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng như các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể hai tỉnh đã có những cuộc thăm, trao đổi và làm việc thân tình. Và cùng với đường biên chung dài 179,2 km, 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay và vừa qua đã thống nhất mở cặp cửa khẩu phụ Cóc (xã Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) – A Xóc (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan), đã làm cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt của tỉnh ta với các tỉnh Sa Vẳn Na Khệt và Sa La Van cũng như một số tỉnh thuộc nước bạn Lào thêm keo sơn gắn bó. Trên tuyến biên giới hiện có 09 cặp bản/tổng số 27 bản đối diện làm lễ kết nghĩa nhằm nâng cao ý thức tự giác bảo vệ đường biên, cột mốc, lợi ích quốc gia, môi trường, sinh thái...thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt – Lào, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới, giải quyết các vụ việc liên quan hai bên biên giới tại cơ sở đúng hiệp định quy chế biên giới và phong tục tập quán của hai nước.
Trong giai đoạn cách mạng mới, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Lào vừa kế thừa phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp trong quá khứ, vừa tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung, cơ chế hợp tác phù hợp trên tất cả các lĩnh vực thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện hai nứơc lên tầm cao mới, trở thành mối quan hệ quốc tế mẫu mực, thuỷ chung trong sáng như Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã nói: "Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài toàn diện như vậy". Và để mãi mãi xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt -Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long". Trí Ánh