Ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN,
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Ảnh: KL)

Phóng viên (PV): Với tư cách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN, ông có thể chia sẻ một số thông tin cũng như quá trình phát triển của Ủy ban trong hai thập kỷ qua?

Ông Đôn Tuấn Phong: Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, kết hợp chặt chẽ công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân nhằm góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu biết sâu hơn về đất nước, con người Việt Nam, đồng thời góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã thu hút được ngày càng nhiều tổ chức PCPNN đến viện trợ nhân đạo, hỗ trợ trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức PCPNN đến Việt Nam để trợ giúp nhân đạo và hỗ trợ phát triển bền vững. Để giúp Thủ tướng Chính phủ trong công tác phi chính phủ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, ngày 24/5/1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phi chính phủ của Việt Nam và các tổ chức PCPNN. Năm 2001, trước yêu cầu và đặc thù của công tác phi chính phủ nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 59/2001/QĐ-TTg ngày 24/4/2001 về việc thành lập Uỷ ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Ủy ban).

Việc thành lập Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN vào năm 1996 và năm 2001 là một cơ chế liên ngành rất đặc thù và để giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN, tham mưu chính sách cho Thủ tướng và các cấp có liên quan đến công tác PCPNN. Có thể nói đây là một công việc quan trọng trong lĩnh vực này bởi lẽ trước năm 1996, mặc dù đã có một số tổ chức PCPNN đến hoạt động tại Việt Nam vì mục tiêu nhân đạo và phát triển nhưng gần như không có một khuôn khổ pháp lý và cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm về các hoạt động cũng như chưa được điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tại Việt Nam.

Với việc Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN ra đời năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế đầu tiên gọi là Quy chế hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam qua đó cấp giấy phép hoạt động, tạo điều kiện pháp lý cho các tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Kể từ đó, số lượng các tổ chức PCPNN đến Việt Nam ngày càng tăng, triển khai ngày càng nhiều các chương trình, dự án viện trợ nhân đạo và phát triển với quy mô ngày càng lớn. Chính vì vậy viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã đóng góp một phần hết sức có ý nghĩa cho quá trình giảm nghèo và phát triển của Việt Nam.

Đến năm 2001, cùng với việc thành lập Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN theo Quyết định số 59/2001/QĐ-TTg ngày 24/4/2001, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN. Quy chế này nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hợp tác với các tổ chức PCPNN mà trực tiếp là trong việc tiếp nhận và sử dụng nguồn viện trợ PCPNN; đảm bảo trách nhiệm của phía Việt Nam là nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN nhưng cũng đồng thời đảm bảo quản lý nguồn viện trợ này từ góc độ quản lý nhà nước. Tới năm 2009, Quy chế về quản lý và sử dụng viện trợ được thay bằng Quy chế ban hành kèm theo Nghị định hay nói cách khác được nâng cấp thành Nghị định để đảm bảo tính ràng buộc về mặt pháp lý cao hơn. Tới năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 12 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam thay thế cho Quy chế về hoạt động của các tổ chức PCPNN được ban hành kèm theo Quyết định 340 năm 1996. Đây một mặt là sự nâng cấp về khung pháp lý đảm bảo về tính ràng buộc cao hơn nhưng cũng đồng thời thể hiện sự đổi mới trong công tác PCPNN nhìn từ góc độ nhà nước.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 12 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN được ban hành năm 2012 có thể coi là một bước ngoặt, thể hiện sự đổi mới trong công tác PCPNN. Vậy ông đánh giá thế nào về nhận định trên?

Ông Đôn Tuấn Phong: Tôi cho rằng, Nghị định 12 đã thể hiện một sự cải tiến lớn trong nhận thức, trong quan điểm và trong công tác với các tổ chức PCPNN mà ở đó cách tiếp cận là tạo một hành lang pháp lý thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có thể triển khai các hoạt động viện trợ nhân đạo hiệu quả nhất nhưng cũng đồng thời đảm bảo trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quan hệ với các tổ chức PCPNN cũng như các mặt có liên quan.

Ví dụ, trước đây các tổ chức PCPNN đến Việt Nam phải xin phép hoạt động thì với Nghị định 12 các tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động dưới 3 hình thức giấy đăng ký: giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký lập Văn phòng dự án, giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, với những quy định thuận lợi hơn như thời hạn giấy đăng ký dài hơn để chúng ta khuyến khích các chương trình, dự án có quy mô lớn hơn và thời hạn dài hơn (trung hạn và dài hạn); đồng thời quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của các dự án PCPNN đến Việt Nam, quy định trách nhiệm của các cơ quan của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương trong hợp tác với các tổ chức PCPNN. Có thể nói, đến nay khung pháp lý cho các tổ chức PCPNN và hoạt động của họ tại Việt Nam kể cả viện trợ, hay nói cách khác viện trợ là nội dung cơ bản là tương đối toàn diện bao hàm cả quy định về hoạt động và quản lý về vận động viện trợ cũng như quy định về quản lý liên quan đến người nước ngoài, thuế…

Dự án hỗ trợ trong lĩnh vực y tế do tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc triển khai tại Phú Thọ
(Ảnh: KL)

PV: Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác PCPNN của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đạt được trong những năm qua?

Ông Đôn Tuấn Phong: Với vai trò là cơ quan đầu mối quan hệ, vận động viện trợ, trong những năm vừa qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã nỗ lực hết sức để tăng cường hợp tác với các tổ chức PCPNN, vận động tài chính từ các tổ chức PCPNN để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết về mặt chính sách, Liên hiệp đã liên tục đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức PCPNN đến Việt Nam. Liên hiệp kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia xúc tiến vận động PCPNN trong một số giai đoạn từ 2006 – 2010 và từ 2013 – 2017 và hiện nay đang đề xuất Thủ tướng xem xét và phê duyệt

Chương trình quốc gia xúc tiến vận động PCPNN cho giai đoạn tiếp theo. Chương trình quốc gia là văn bản có tính định hướng ưu tiên đối với hoạt động và viện trợ của các tổ chức PCPNN. Nói cách khác là chúng ta chủ động nêu rõ những ưu tiên, nhu cầu của Việt Nam ở các bộ, ngành, địa phương và khuyến khích các tổ chức PCPNN hỗ trợ và đầu tư trong các lĩnh vực đó để phối hợp với các nguồn lực của nhà nước từ Trung ương đến địa phương phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Thông qua Chương trình này cùng với các biện pháp vận động viện trợ như tăng cường chia sẻ thông tin, tăng cường hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động và viện trợ của các tổ chức PCPNN bằng các hoạt động vận động tại chỗ cũng như ở nước ngoài, công tác vận động viện trợ cũng đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt giá trị viện trợ trong những năm vừa qua đáng được ghi nhận.

Từ năm 1996 – 2017, tổng giá trị viện trợ PCPNN giải ngân giúp Việt Nam trực tiếp ước tính đạt 4,5 tỷ USD, đây là nguồn lực không lớn so với GDP song là một nguồn lực có ý nghĩa giúp giải quyết một phần khó khăn về kinh tế xã hội, giảm nghèo và phát triển bền vững ở các ngành, địa phương có dự án.

PV: Những kết quả trên cho thấy, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban trong những năm qua. Vậy xin ông cho biết, những thuận lợi và khó khăn của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong công tác PCPNN?

Ông Đôn Tuấn Phong: Trước khi Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN được thành lập thì Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng đã được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối trong quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhưng khi đó chưa có cơ quan quản lý thống nhất. Khi Ủy ban được thành lập thì có cơ quan liên ngành thống nhất quản lý các tổ chức PCPNN, thực sự tạo điều kiện rất lớn cho các tổ chức PCPNN, cho các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam trong quan hệ với các tổ chức PCPNN.

Trong khuôn khổ của Ủy ban, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực, giải quyết các vấn đề thường xuyên, hàng ngày liên quan đến các tổ chức PCPNN, là đầu mối trong quan hệ và vận động nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN, gắn bó chặt chẽ công tác PCPNN với công tác đối ngoại nhân dân, gắn chặt chẽ nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN với các mục tiêu hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

Nói về thuận lợi trong quá trình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác PCPNN, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Sự quan tâm đó là thường xuyên liên tục, đặc biệt là thông qua những chủ trương, chính sách cụ thể về công tác PCPNN có tính định hướng, dẫn dắt từ trung ương đến địa phương; sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác PCPNN từ quản lý cho đến vận động, quan hệ trong quá trình lập chính sách cũng như trong quá trình triển khai các hoạt động, kể cả các chương trình, dự án cụ thể. Ngoài ra, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam còn nhận sự hợp tác chặt chẽ, chân tình và hiệu quả của các tổ chức PCPNN khi đến Việt Nam. Chính yếu tố đó đã giúp chúng tôi hoàn thành công việc của mình cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác này qua các thời kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn nhất định. Trong một cơ chế Ủy ban liên ngành thì yêu cầu đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan là rất lớn. Trong khuôn khổ Ủy ban, ngoài các cơ quan các bộ, ngành chức năng thì Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội nên ở một mức độ nhất định còn có những hạn chế khi đề xuất chủ trương chính sách trực tiếp từ phía Liên hiệp. Thứ hai về mặt nguồn lực, Liên hiệp thực hiện nhiệm vụ này trong điều kiện khá eo hẹp về biên chế. Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài không có bộ máy, không có con người, kinh phí riêng mà sử dụng bộ máy của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Việc thiếu cán bộ, nguồn lực cũng ảnh hưởng nhất định trong việc triển khai nhiệm vụ mà đặc biệt là nhiệm vụ mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức PCPNN, tăng cường khả năng giám sát hoạt động của các tổ chức PCPNN cũng như quá trình hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Lễ ghi nhận những đóng góp
của tổ chức PCPNN trong giai đoạn 2013 - 2017 (Ảnh: KL)

PV: Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn viện trợ từ các tổ chức PCPNN sẽ ngày càng eo hẹp. Vậy với vai trò là cơ quan đầu mối quan hệ, vận động viện trợ PCPNN, trong thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có những giải pháp gì để huy động tối đa nguồn viện trợ này, thưa ông?

Ông Đôn Tuấn Phong: Khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp thì xu hướng chung các nhà tài trợ quốc tế sẽ giảm ưu tiên và bằng chứng rõ ràng là các nhà tài trợ ODA đã hoặc đang rút khỏi Việt Nam, các tổ chức tài chính quốc tế áp dụng các cơ chế tín dụng ít hoặc không có ưu đãi hay nói cách khác là mang tính thương mại. Trong bối cảnh đó, nguồn lực cho các tổ chức PCPNN có bị ảnh hưởng bởi một phần nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN đến từ nguồn ODA. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, tác động của nguồn ODA đến nguồn viện trợ của Việt Nam ước chỉ đạt 10% còn lại cơ bản đến từ chính các tổ chức PCPNN, đến từ các doanh nghiệp, đến từ công chúng, các quỹ của tư nhân… Khi các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức song phương và đa phương đã và đang rút khỏi Việt Nam thì sẽ để lại khoảng trống, chính là khoảng trống về nhu cầu mà chưa được đáp ứng; mặc dù Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức, ví dụ như hậu quả chiến tranh kéo dài, một số nhóm đặc biệt như người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam còn nhiều, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn. Song song với đó còn có sự chênh lệch vùng miền, đời sống của nhân dân ở một số địa bàn còn rất khó khăn và còn một số tác động phi truyền thống như tác động của biến đổi khí hậu và những vấn đề xuyên biên giới. Tất cả những khó khăn và thách thức đó cho thấy vẫn có vị trí cho các tổ chức PCPNN với tư cách là các đối tác trong phát triển, tiếp tục cùng với Việt Nam giải quyết các thách thức khó khăn trong phát triển.

Từ góc độ chuyên môn chúng tôi cho rằng sự quan tâm của các tổ chức PCPNN vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, công tác vận động viện trợ PCPNN chắc sẽ phải theo đổi theo tình hình mới, gắn chặt chẽ với các ưu tiên của Việt Nam, gắn với các nhu cầu của cộng đồng, từng địa phương và các ngành nhưng cũng đồng thời phải mang tính khả thi, phù hợp với định hướng của từng địa phương của từng ngành và rộng hơn là của cả quốc gia.

Chúng tôi cho rằng, ngoài việc vận động huy động nguồn lực của các tổ chức PCPNN thì cần tăng cường hợp tác với họ để huy động các nguồn lực khác triển khai thông qua các tổ chức PCPNN. Nếu chúng ta làm tốt thì những năm sắp tới vẫn tiếp tục tranh thủ được nguồn lực từ các tổ chức PCPNN để hỗ trợ cho những vùng miền, những ngành còn khó khăn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Lan (thực hiện)