Việc làm và học phí là ưu tiên hàng đầu khi chọn trường 

(Chinhphu.vn) - Phần đông phụ huynh và thí sinh đều quan tâm tới tỉ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp và mức học phí khi đăng ký xét tuyển và các trường CĐ, ĐH tới đây.

 

Các thí sinh và gia đình rất quan tâm tới mức học phí và tỉ lệ việc làm khi tham dự tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp.

Lựa chọn trường có tỉ lệ việc làm từ 80% trở lên

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2019, em Nguyễn Minh Hà (Nam Định) chia sẻ: "Em dự kiến đăng ký vào khoa tiếng Đức hoặc tiếng Pháp nhưng em vẫn băn khoăn là việc học tiếng Đức có khó hơn tiếng Anh hay không? Nên đăng ký trường nào để có cơ hội việc làm sau khi học ra trường nhanh nhất?”.

Sau khi được tư vấn của giáo viên ĐH Hà Nội và ĐH Quốc gia Hà Nội, học sinh đã được biết, các ngoại ngữ mà em muốn học đều là những ngoại ngữ quan trọng, có cơ hội việc làm đa dạng như biên dịch, phiên dịch, giáo viên ngoại ngữ hoặc làm cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, học sinh cần rất cân nhắc, bởi tiếng Đức và Pháp là ngành có điểm thuộc hàng cao nhất, điểm trúng tuyển năm 2018 là 29 đến 35 điểm của tổ hợp môn Toán-Ngữ văn-Tiếng Anh (nhân đôi hệ số) cơ hội cạnh tranh giữa các thí sinh là rất lớn.

Bên cạnh đó, năm 2019 dự kiến số thí sinh dự thi nhiều hơn năm trước, kiến thức gộp cả lớp 11 và lớp 12 nên mức độ cạnh tranh sẽ khốc liệt. Dù là học sinh chuyên ban D nhưng Nguyễn Minh Hà khiêm tốn cho rằng, mình chỉ tự tin khoảng 50% để chinh phục khoa tiếng Pháp của một trong hai trường đào tạo ngoại ngữ lớn ở Hà Nội.

Em Lê Hoàng Minh (Thái Nguyên) sau khi dạo một vòng qua các gian hàng của Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2019 cho biết sẽ quyết định chọn ngành Công nghệ thông tin Việt-Nhật của ĐH Bách khoa Hà Nội.

"Theo tìm hiểu, năm 2018 ngành này lấy điểm chuẩn đầu vào là 25,35 tổ hợp các môn khối A và A1. Em đăng ký tổ hợp môn khối A1 gồm Toán-Vật lý-Tiếng Anh. Điều mà em rất tâm đắc chính là cơ hội việc làm sau khi học xong ra trường. Nếu mình học và thực hành tốt, sẽ có các công ty đến tận trường để nhận và đặt hàng sinh viên về làm. Còn không thì mình cũng sẽ nhờ sự giới thiệu của nhà trường để tìm cho mình doanh nghiệp làm việc phù hợp với năng lực của sinh viên. Em cũng hoàn toàn yên tâm vì thấy tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp một năm thường là từ 95% trở lên", Minh chia sẻ.

Cân đối bài toán học phí

Em Hoàng Ngọc Anh (Ninh Bình) đã cùng cả lớp thuê ô tô để lên Hà Nội tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2019, để được trực tiếp lắng nghe các thầy cô giáo đại học tư vấn, định hướng.

“Em học khối A, muốn xét vào các ngành về kinh tế, viễn thông, máy tính… nhưng hầu hết các ngành này đều có mức học phí khá là cao và chi phí cho học tập cũng rất lớn. Trong khi gia  đình em không mấy khá giả, bố mẹ phải nuôi 3 anh em ăn học nên vấn đề học phí được đặt lên hàng đầu với em lúc này”, Ngọc Anh cho biết.

Khi đến các gian tư vấn, Ngọc Anh và các bạn luôn quan tâm đến mức học phí trước, dù nguyện vọng muốn được theo học những trường đại học tốp đầu, có danh tiếng trong đào tạo nhưng nếu mức đóng góp cho học tập quá cao thì cũng rất khó khăn cho gia đình các em.

Do đó, các em hướng sự lựa chọn đến với các trường có mức học phí trung bình từ 4-6 triệu/học kỳ đủ để gia đình em trang trải và yên tâm theo học như ĐH Thương mại, ĐH Thủ đô…

Dù gia đình không ở mức khó khăn, nhưng chị Nguyễn Phương Anh (Hà Nội) cho biết khi cùng con tìm hiểu về chương trình học của các trường, chị luôn hỏi rõ học phí và khoản đóng góp của con trong cả 4 năm học Đại học để con biết bố mẹ có thể đầu tư cho con ở mức độ nào.

“Qua tìm hiểu, tôi thấy nhiều trường có chương trình học đào tạo chất lượng cao, hoàn toàn bằng tiếng Anh và đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài với mức tiền không quá lớn 80-100 triệu/năm học. Tôi biết hiện nay nhiều trường ĐH có mức học phí rất cao như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương; ĐH Quốc gia Hà Nội… Nhưng nhìn vào số lượng chương trình, kiến thức, hoạt động và nhất là tỉ lệ xin việc ngay sau khi tốt nghiệp thì tôi lại hoàn toàn yên tâm khi chịu mức học phí lớn nhưng đổi lại cho con có được một tương lai và tấm bằng đại học đảm bảo sau này. Ngoài ra, nếu so với việc cho con em mình đi du học ở nước ngoài thì lựa chọn này sẽ tiết kiệm hơn và vẫn sẽ thành công không kém gì các bạn du học sinh.”, chị Nguyễn Phương Anh chia sẻ.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) khuyên các thí sinh và gia đình nên chọn ngành phù hợp với bản thân thí sinh thay vì chọn ngành học “hot”. Không ít trường hợp sinh viên năm thứ 2, thứ 3 phải thôi học vì không đủ điều kiện kinh tế tiếp tục duy trì học tập. Khi chọn ngành cần cân nhắc đến yếu tố học phí có thể chi trả và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Đây là những kiến thức nằm lòng mà bất kể thí sinh đều phải nắm chắc và suy nghĩ kĩ lưỡng trước khi đăng ký xét tuyển tới đây.

Nhật Nam

322 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 995
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 995
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87037874