Đây là một nội dung trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2019, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2019.
Vốn sẵn sàng giải ngân đạt 85,5%
Theo Bộ KH&ĐT, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2019 đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 70/2018/QH14 là 429.300 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 369.300 tỷ đồng (vốn trái phiếu Chính phủ 40.000 tỷ đồng), vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng.
Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, trước ngày 31/12/2018, trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 cho các bộ, ngành và địa phương với tổng số vốn là 367.179,893 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán được Quốc hội quyết định, trong đó vốn trong nước là 338.542,007 tỷ đồng đạt 91,67% kế hoạch vốn TPCP là 32.394,307 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch); vốn nước ngoài là 28.637,886 tỷ đồng, đạt 47,7% kế hoạch.
Số vốn chưa giao được ngay kế hoạch chi tiết còn khoảng 14,5%, chủ yếu là do các bộ, ngành, địa phương đề xuất các dự án chưa đảm bảo đủ điều kiện theo quy định để giao kế hoạch (như chưa có quyết định đầu tư, chưa được bổ sung kế hoạch trung hạn) hoặc chưa có danh mục dự án đề xuất để giao kế hoạch chi tiết. Do vậy, trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhận được đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về việc giao tiếp kế hoạch cho các danh mục dự án đủ điều kiện để triển khai thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình ban hành Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, tính đến thời điểm hiện nay và bao gồm cả lần giao đầu tiên, với tổng số vốn là hơn 391.116 tỷ đồng, đạt 92,16% kế hoạch…
Đối với số vốn nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương tổng hợp, rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trước 30/9/2019 đúng theo tinh thần chỉ đạo của Công điện số 1042/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019
Theo Bộ KH&ĐT, số vốn còn lại chưa giao kế hoạch là 17.783,453 tỷ đồng cần tiếp tục xử lý sau thời hạn 30/9/2019. Trong đó, vốn TPCP 303,4 tỷ đồng, gồm Bộ Y tế 100 tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải 113,4 tỷ đồng, Hưng Yên 80 tỷ đồng, Bình Phước 10 tỷ đồng. Do các bộ, địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới, đến ngày 30/9/2019 phải hoàn thành thủ tục để giao vốn năm 2019 theo đúng Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Về vốn ngân sách Trung ương (NSTW), trong nước hơn 13.212 tỷ đồng. Trong đó, có 9.900 tỷ đồng vốn ngoài tổng mức 2 triệu tỷ đồng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, theo cơ chế cân đối trở lại phần đóng góp vào NSNN của một số đơn vị như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2.860 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (7.040 tỷ đồng)… Với các đơn vị này, Bộ KH&ĐT cũng đã có các văn bản đôn đốc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, hoặc hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư theo quy định…
Ngoài ra, có hơn 1.952 tỷ đồng của các địa phương dự kiến bố trí cho dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội các vùng có kết luận của Kiểm toán Nhà nước không bố trí vốn.
Bên cạnh đó, còn có các khoản chưa giao ở một số địa phương, bộ, ngành do các vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Đối với vốn nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục tổng hợp, rà soát và dự kiến trình phương án xử lý sau thời hạn 30/9/2019 là hơn 4.267 tỷ đồng, do một số lí do như địa phương đề xuất bố trí vốn nước ngoài chưua phù hợp… Các trường hợp này, Bộ KH&ĐT cũng đã có báo cáo các phương án giải quyết…
Phối hợp chưa đồng bộ gây chậm trễ nhiều khâu
Với ý kiến việc giải ngân thấp, giải ngân chậm kế hoạch đầu tư công năm 2019 là do công tác giao kế hoạch chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có lý giải vấn đề này.
Cụ thể, Bộ KH&ĐT phân tích: Số vốn được giao trước thời điểm 31/12/2018 là khá cao, đạt 85,5%, đồng thời giải ngân là trên cơ sở số vốn đã giao kế hoạch. Nói cách khác, tỉ lệ kế hoạch vốn sẵn sàng để giải ngân ngay từ đầu năm đã đạt 85,5% dự toán Quốc hội giao, việc giải ngân không phụ thuộc số vốn chưa giao kế hoạch.
Tuy nhiên, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 còn phải trải qua trình tự giao kế hoạch bước 2, nghĩa là các bộ, ngành, địa phương giao kế hoạch vốn chi tiết cho từng dự án, từng đơn vị trực thuộc, từng ban quản lý dự án để triển khai thực hiện. Qua các báo cáo đầu năm cho thấy, nhiều nơi còn chậm giao kế hoạch bước 2 này, một số nơi đến tận tháng 4/2019 mới giao kế hoạch vốn cho các dự án để đăng ký giải ngân trên hệ thống TABMIS của Kho bạc Nhà nước.
“Việc giao kế hoạch vốn đầu tư công cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng vi phạm, giao sai, giao vượt tổng mức đầu tư, giao chưa được cấp có thẩm quyền cho phép...”, báo cáo của Bộ KH&ĐT khẳng định.
Tỉ lệ vốn chưa giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 đến thời điểm hiện nay tăng so với các năm trước do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, đối với số vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Quốc phòng (Viettel), năm 2019 là năm đầu tiên Quốc hội quyết định đưa vào cân đối NSNN toàn bộ nguồn thu này và bố trí chi đầu tư phát triển qua NSNN. Để được giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2019, các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Quốc phòng (dự án đầu tư từ nguồn lợi nhuận còn lại của Viettel) với tổng số vốn là 9.900 tỷ đồng phải bảo đảm điều kiện theo quy định Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn nên các đơn vị trên chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư để giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 tại thời điểm hiện nay.
Thứ hai, năm 2019 là năm thứ 4 của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương kiến nghị điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc sử dụng dự phòng 10% vốn ngân sách Trung ương tại bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, yêu cầu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của bộ, ngành, địa phương. Theo quy định của Luật Đầu tư công, việc bố trí kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 cho các dự án này chỉ thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, mất nhiều thời gian tổng hợp, rà soát.
Thứ ba, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính dẫn đến việc giao kế hoạch chậm, giao nhiều lần là do các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn, phân bổ vốn cho các dự án chưa đúng nguyên tắc, tiêu chí, công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2019.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận trách nhiệm việc chưa chủ động tham mưu báo cáo tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong công tác giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 như chưa kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ sửa Quyết định số 1256/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020 ngay sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước; chưa kiên quyết, còn tâm lý nể nang, chờ đợi thu tục dự án của các bộ, ngành, địa phương nên dẫn tới mất nhiều thời gian tổng hợp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp trong việc rà soát, trao đổi ý kiến còn mất nhiều thời gian, có trường hợp kéo dài vài tháng, phải có chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Chính phủ mới triển khai giao kế hoạch.
Anh Minh