Bệnh nhân 862 là bà H.T.X (66 tuổi, dân tộc Vân Kiều) ngồi thẫn thờ trên giường. Ghé nhìn vào phòng, bác sĩ (BS) Phạm Thị Hằng (35 tuổi) nén tiếng thở dài. Chị biết bà đang nhớ người con trai vừa mới qua đời.
Một tuần trước, bà X. được chuyển đến khu cách ly BV này vì con trai mắc Covid-19. Trước đó, bà lặn lội từ huyện miền núi Hướng Hóa về chăm con trai bị bạo bệnh, nằm điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Sau vài ngày mắc thêm Covid-19, bệnh tình con trai bà chuyển biến nặng, phải chuyển vào Thừa Thiên - Huế điều trị. Hai ngày sau, con trai bà tử vong còn bà cũng được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bác sĩ Phạm Thị Hằng gửi tiền và sữa của đoàn y tế cơ sở hỗ trợ bệnh nhân 862 . Ảnh: HẰNG PHẠM
Những ngày đầu đến khu cách ly, bà X. tuyệt thực. Cứ mỗi lần nhắc đến con trai là bà ôm mặt khóc, nói mỗi một câu "cho mẹ về với con". Cả BV từ lãnh đạo đến nhân viên ai nấy đều lo lắng, cố tìm cách thuyết phục. Nhưng điều gây trở ngại cho các y, BS là bà X. chỉ biết lõm bõm vài từ tiếng Kinh, rất rụt rè vì bất đồng ngôn ngữ. May mắn thay, BS Phạm Thị Hằng biết chút ít tiếng Vân Kiều nên đã lựa lời khuyên nhủ, động viên bà ăn uống, hợp tác cách ly, điều trị.
"Thấy bà nhớ con đến nỗi bỏ cả bữa, tôi rất thương. Tôi cũng là một người mẹ, phải xa con để vào khu cách ly làm nhiệm vụ nên rất đồng cảm với bà. Chia sẻ, tâm sự với bà điều đó rồi giải thích thêm tầm nguy hiểm của dịch bệnh, bà mới vui lên chút, chịu ăn uống và hợp tác điều trị. Vì bà quá thương con nên đến giờ thông tin con trai bà đã qua đời chúng tôi chưa dám tiết lộ" - BS Hằng kể.
Mỗi lần thấy bà X. khóc, BS Hằng đều lựa lời khuyên nhủ để bà vơi bớt nỗi buồn. Cũng có lúc không kìm nén được, cả hai người mẹ cùng rơi nước mắt vì nỗi nhớ con. BS Hằng tâm sự con trai chị mới học lớp 3, còn chồng là quân nhân đang ngày đêm làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Hôm được phân công vào khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19, chị chỉ kịp đưa con sang nhà một người bà con gửi nhờ rồi lập tức đến cơ quan nhận nhiệm vụ. Nhiều hôm sau xong việc, chị lấy điện thoại định gọi hỏi thăm con nhưng ngước nhìn lên đồng hồ đã chỉ 22 giờ nên đành thôi.
"Điều trị xong bệnh nhân sẽ được về nhà, được sum vầy bên gia đình nhưng những y, BS chúng tôi thì chưa biết đến khi nào. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi chùng lòng. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh này, để ngày về sẽ là ngày chiến thắng" - BS Hằng khẳng định.
Đức Nghĩa