1. Vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, hội nhập
Trong bối cảnh thế giới biến động, phức tạp, khó đoán định, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới; tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng; uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao.
Có thể tự hào khẳng định rằng, với bản lĩnh, linh hoạt trong bối cảnh mới cùng sự biện chứng, sáng tạo trong tư duy, chủ động thích ứng, tạo lập và tranh thủ thời cơ, Việt Nam đã từng bước vượt qua thách thức, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
- Vị thế quốc tế của Việt Nam:
Thứ nhất, Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong các tổ chức quốc tế.
Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thiết lập quan hệ song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới. Từ một nước bị bao vây, cấm vận kéo dài trong 30 năm, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao song phương với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20[1].Trong thời gian gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Tổng thống của 3 cường quốc lớn là Trung Quốc, Mỹ và Nga. Những nỗ lực này đã thúc đẩy mạnh mẽ đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và có nhiều đóng góp quan trọng đối với các tổ chức quốc tế. Trên bình diện đa phương, Việt Nam có nhiều đóng góp hiệu quả và đảm nhiệm thành công vai trò chủ chốt tại các tổ chức, diễn đàn, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN. Việt Nam chủ động đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo ở hầu hết tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, nhất là ASEAN, ASEM, APEC, Liên hợp quốc, nhóm các nước G7, G20... Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Chuyển mạnh từ "tham gia tích cực" đến "đóng góp xây dựng, định hình luật chơi", Việt Nam đã từng bước nâng tầm tham gia thúc đẩy các tiến trình, các thể chế đa phương dựa trên mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển, trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên liên quan. Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả nổi bật, góp phần củng cố, nâng cao tiềm lực đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Việt Nam đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi, đồng thời từng bước tham gia đóng góp vào hoạt động hỗ trợ nhân đạo ở khu vực và trên thế giới. Thành công đó tạo nên sự tin cậy chính trị với nhiều nước, được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao Việt Nam từng khẳng định: “Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”.Ông nhấn mạnh, Việt Nam là một hình mẫu tốt cho nhiều nước đang phát triển và là đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam đóng góp ngày càng lớn vào quản trị toàn cầu[2]. Đại sứ Barbara Woodward, Trưởng phái đoàn thường trực Anh tại Liên hợp quốc đánh giá: “Việt Nam trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, chẳng hạn vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, bảo vệ dân thường trong xung đột hay xử lý bom, mìn... Những đóng góp của Việt Nam có giá trị cao, giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với hòa bình và an ninh quốc tế”[3]. Thời gian gần đây, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường được mời tham dự và có những bài phát biểu quan trọng tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng.
Trong gần 40 năm đổi mới, với hoạt động đối ngoại tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm, trong đó kết hợp đối ngoại song phương với đa phương và tham gia giải quyết nhiều vấn đề khu vực, quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn đã nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Thứ hai, những năm gần đây, uy tín, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định và nâng lên tầm cao mới.
Trong gần 40 năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, các đảng, các nước[4] đều tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Các chuyến thăm nước ngoài của Tổng Bí thư Đảng ta đều được các nước, các đảng hết sức coi trọng, tiếp đón với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất, người đứng đầu chính thể Việt Nam. Các đảng, các nước, không phân biệt hệ thống chính trị, khuynh hướng chính trị, nhận thức rất rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đều mong muốn củng cố và mở rộng quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính[5].Các đảng, các nước, không phân biệt hệ thống chính trị, khuynh hướng chính trị, nhận thức rất rõ vai trò và tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam; bày tỏ mong muốn được hợp tác và mở rộng quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một minh chứng sinh động cho uy tín, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế là khi tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII đã nhận hơn 360 thư, điện mừng của nhiều quốc gia, nguyên thủ quốc gia, chính đảng, tổ chức quốc tế… Khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, lãnh đạo nhiều nước, tổ chức tới viếng, như: Lào, Trung Quốc, Campuchia, Cuba, Australia, Liên hợp quốc... qua kênh đối ngoại Đảng đã có hơn 115 thư và điện chia buồn từ các chính đảng cầm quyền,Đảng Cộng sản trên thế giới, các đảng đối tác, đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam[6].
Thứ ba, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Sau gần 40 năm Đổi mới, từng bước chuyển từ hội nhập kinh tế sang hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng đã nâng cao vị thế Việt Nam trong hợp tác khu vực và toàn cầu, thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Cụ thể: Từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát chỉ còn khoảng 4%/năm từ mức "phi mã" 3 con số của giai đoạn đầu Đổi mới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 8 năm liên tiếp; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; năm 2023, tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn khoảng 12%. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài; năm 2023 thu hút được trên 39,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI[7]. Ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội là một trong những điểm sáng và là thế mạnh của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động hiện nay. Việt Nam được xếp hạng tăng 4 bậc, lên vị trí 41/163 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2023 về đánh giá mức độ yên bình quốc gia do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP, Australia) công bố.
Có thể khẳng định, trong gần 40 năm đổi mới, hội nhập quốc tế Việt Nam là quốc gia công nghiệp mới nổi năng động nhất, tăng trưởng nhanh nhất, cũng như mẫu mực nhất, với tất cả các chỉ số kinh tế như sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu trong nước đều cải thiện một cách đáng kể[8], khẳng định vị thế quốc gia, từng bước thiết lập vị thế vững chắc trong tiến trình phát triển chung của thời đại.
- Uy tín quốc tế của Việt Nam nâng cao:
Một là, bạn bè quốc tế tin tưởng đánh giá cao nỗ lực, thành tựu và tiềm năng của Việt Nam.
Trong quan hệ quốc tế, thời gian qua, bạn bè quốc tế tình cảm quý mến, ngưỡng mộ và đánh giá cao về Việt Nam. Trước hết là bởi lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và hiện nay sự phục hồi, ổn định và phát triển của nền kinh tế góp phần gia tăng đáng kể uy tín, vị thế của đất nước trong thu hút đầu tư quốc tế. Thêm vào đó là thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động tích cực thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác Nam - Nam. Hai là, đánh giá cao về nỗ lực, thành tựu của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta, cũng như tiềm năng phát triển và đóng góp tích cực của Việt Nam trong các hoạt động đa phương. Ba là, ghi nhận và khuyến khích Việt Nam vươn lên đóng vai trò cầu nối, hòa giải, tích cực đảm nhận một số vị trí chủ trì, điều phối các phiên họp, khóa họp của tổ chức, diễn đàn quốc tế,hoan nghênh chủ trương của Việt Nam ủng hộ hệ thống đa phương, vai trò của hợp tác quốc tế và các tổ chức quốc tế trong bối cảnh thế giới đang gặp đa khủng hoảng như: Đại dịch, xung đột, chiến tranh, biến đổi khí hậu.
Hai là, Việt Nam đã ứng cử, được tín nhiệm bầu và đang đảm nhiệm nhiều cương vị trong các cơ quan của tổ chức quốc tế quan trọng.
Việt Nam từng bước đảm nhiệm và hoàn thành tốt các trọng trách tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế, không chỉ đăng cai và tổ chức thành công hàng loạt các hội nghị cấp cao, đảm nhận các nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch APEC. Đại diện của Việt Nam đảm nhiệm tốt các vị trí Lãnh đạo luân phiên trong ASEAN, như: Tổng Thư ký ASEAN (2013-2017), Phó Tổng Thư ký ASEAN (2018 - 2021)... Việt Nam đã chủ động ứng cử và đảm nhiệm tốt vai trò điều hành Đại hội đồng một số tổ chức quốc tế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 nhiệm kỳ 2022 - 2023, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (2018 - 2019)... Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (hai nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021), thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (hai nhiệm kỳ 2014 - 2016 và 2023 - 2025), thành viên Hội đồng chấp hành Tổ chức Y tế thế giới - WHO (nhiệm kỳ 2016-2019), thành viên Hội đồng khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới - UPU (nhiệm kỳ 2022 - 2025)...
Ba là, việc toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn dân đồng lòng, kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã củng cố niềm tin của bạn bè, các nhà đầu tư quốc tế về một nền chính trị ổn định, trong sạch.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh góp phần khẳng định vai trò, củng cố uy tín của Đảng, Nhà nước và giữ vững niềm tin trong Nhân dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Việt Nam tăng 40 bậc, từ xếp thứ 123 vào năm 2012 lên thứ 83/180 quốc gia, vùng lãnh thổ vào năm 2023[9].
1. Một số vấn đề đặt ra cần giải quyết nhằm tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước trong thời gian tới
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực biến động khó lường hiện nay, cơ hội và thách thức đối với việc nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nướcđan xen, trong đó thách thức có phần trội hơn. Điều này đòi hỏi tinh thần chủ động, sáng tạo, đi trước để kịp thời nắm bắt xu hướng mới của công tác quản lý, điều hành đất nước trong hội nhập phát triển. Việc nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới có nhiều phương thức lựa chọn. Bao gồm: phương thức truyền thống và phương thức mới phù hợp với thời đại công nghệ số, trong đó có những phương thức chỉ mang tính thời điểm nhưng có hiệu quả quan trọng cho giai đoạn “chuyển mình, cất cánh” của đất nước.Để tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước trong thời gian tới, Việt Nam cần phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững những thành tựu đã đạt được, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách và thực hiện tốt một số vấn đề trọng yếu sau:
Thứ nhất, hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại theo phương châm nâng cao khả năng tự chủ chiến lược. Nghĩa là, độc lập, tự chủ luôn là vấn đề cốt lõi, trọng yếu, xuyên suốt trong hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam, ở mọi điều kiện, hoàn cảnh, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới biến động hiện nay. Việt Nam độc lập trong việc lựa chọn các đối tác, tham gia những thỏa thuận hợp tác cơ sở lợi ích quốc gia, những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đối ngoại Việt Nam theo phương châm nâng cao tự chủ chiến lược cần được triển khai hiệu quả, đồng bộ, toàn diện, linh hoạt trên cả 3 trụ cột (đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân); nỗ lực thực hiện vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; huy động mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Đảng và đất nước.
Thứ hai, khai thác hiệu quả công nghệ kỹ thuật số trong thông tin đối ngoại để phát huy bản sắc dân tộc, tinh thần nhân văn, nhân đạo, yêu hòa bình, quảng bá hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, đối thoại xây dựng lòng tin chiến lược trong cộng đồng quốc tế, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc gia.
Tình hình thế giới, khu vực và trong nước gần đây có nhiều chuyển biến phức tạp, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang bị thách thức. Những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền gia tăng. Cạnh tranh chiến lược nước lớn, nhất là cạnh tranh giữa Mỹ - Trung Quốc - hai cường quốc hàng đầu thế giới đã và đang tác động đa chiều đến định hình trật tự thế giới mới. Nguyên nhân sâu xa của tình hình trên là tình trạng mất lòng tin, quan hệ giữa các nước còn “bằng mặt mà không bằng lòng”. Để khắc phục tình trạng trên, lòng tin chiến lược chính là cái cần, là mục tiêu chiến lược và là giải pháp chiến lược đem lại hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Do đó, công tác đối ngoại Việt Nam cần tiếp tục đối thoại xây dựng lòng tin và thúc đẩy quan hệ tin cậy lẫn nhau, góp phần đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định của các mối quan hệ (tránh rủi ro và những sự cố bất ngờ) trong hợp tác nhiều mặt giữa các bên. Xây dựng lòng tin chiến lược với các nước, đặc biệt là các nước lớn và các nước láng giềng, đưa các mối quan hệ đã thiết lập đi vào chiều sâu và ổn định, chú trọng hiệu quả, tạo sự đan xen lợi ích, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sau gần 40 năm đổi mới, những thành công trong công tác đối ngoại đã khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, việc tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đề cao tự chủ chiến lược, xây dựng lòng tin chiến lược với các nước, tự tin, nỗ lực hòa mình trong dòng chảy thời đại,tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín quốc tế đối với Việt Nam càng có ý nghĩa quan trọng./. Mai Diệu Linh (TH, nguồn Ban Tuyên giáo TW)
----------------------------------
[1]Phạm Minh Chính: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” https://baochinhphu.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-10224072719213366.htm. Cập nhật 27/07/2024 23:22
[2] Dẫn theo: “70 năm Hiệp định Geneva: Lực có mạnh, thế mới vững” https://dantri.com.vn/xa-hoi/70-nam-hiep-dinh-geneva-luc-co-manh-the-moi-vung-20240721064310033.htm . Cập nhật Chủ nhật, 21/07/2024 - 06:43
[3] “Khẳng định vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế”https://tcnn.vn/news/detail/59434/Khang-dinh-vi-the-uy-tin-quoc-te-ngay-cang-cao-cua-Viet-Nam-tren-truong-quoc-te.html. Cập nhật 30/06/2023 15:28
[4] Kể cả các nước từng có quan hệ thù địch trước đây với Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Pháp...
[5]Phạm Minh Chính: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” https://baochinhphu.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-10224072719213366.htm. Cập nhật 27/07/2024 23:22
[6] “Hơn 3000 đoàn quốc tế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại 94 cơ quan đại diện Việt Nam” https://vov.vn/chinh-tri. Cập nhật Thứ Sáu, 16:07, 26/07/2024
[7]Phạm Minh Chính: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” https://baochinhphu.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-10224072719213366.htm. Cập nhật 27/07/2024 23:22
[8] “Việt Nam là quốc gia công nghiệp mới nổi năng động nhất, tăng trưởng nhanh nhất, mẫu mực nhất” https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/. Cập nhật 04/07/2024 07:11
[9]Phạm Minh Chính: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” https://baochinhphu.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-10224072719213366.htm. Cập nhật 27/07/2024 23:22