Tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không chỉ bồi dưỡng, đào tạo giáo viên mà còn rất quan tâm đến nghiên cứu, tư vấn những vấn đề liên quan đến giáo viên.
Theo Bộ trưởng, mong muốn của xã hội là giáo dục phải thay đổi nhưng thay đổi thế nào để không sốc, tạo được động lực cho giáo viên. Khi giáo viên thực sự coi đổi mới giáo dục là nhiệm vụ của mình và tìm thấy cơ hội đổi mới, khi đó sẽ thành công.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: VA
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đại đa số các thầy cô đều tâm huyết, yêu nghề. Nếu không yêu nghề sẽ không vượt qua được những khó khăn. Lương giáo viên cũng là một vấn đề nhưng để theo được nghề và cao hơn là yêu nghề thì lương chưa phải là giải pháp căn cơ. Muốn yêu nghề, muốn cống hiến phải ổn định công việc, thu nhập ổn định, đây là nhu cầu chính đáng. Vị thế của các thầy cô rất lớn, đây là nghề cao quý, nhưng cũng vì thế mà đôi khi tạo ra áp lực.
Bộ trưởng nhấn mạnh, áp lực của giáo viên là có, chúng ta phải chủ động để tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Trách nhiệm của Bộ là lắng nghe tham mưu của các nhà giáo. Trước hết hôm nay lắng nghe các thầy, cô của cơ sở đào tạo giáo viên. Thời gian tới, Bộ sẽ đến những vùng khó khăn nhất để có cái nhìn tổng thể, thực tế và để lắng nghe áp lực của thầy cô.
Tuy vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh, giáo viên chịu nhiều áp lực nhưng không vì thế mà đi ngược lại chuẩn mực đạo đức. Và không thể vì những trường hợp cá biệt mà khái quát lên làm cho các thầy cô lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho các thầy cô yên tâm. Đâu sai thì phải sửa ngay, không sửa được thì đưa ra khỏi ngành. Còn những thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ.
Định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tập trung vào các trường sư phạm, khi nhà trường tuyển sinh được những giáo sinh phù hợp, không chỉ là điểm cao mà còn phải có phẩm chất riêng như: kiên nhẫn, yêu nghề. Nếu không có phẩm chất đó có thể xảy ra vi phạm. Trong quá trình đào tạo, phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường các em có thể tự ứng xử được trước nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực.
Nêu những vấn đề liên quan áp lực của giáo viên trong bối cảnh hiện nay, cô Phan Thị Hồ Điệp, Khoa Giáo dục Đặc biệt - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, áp lực đó bao gồm mối quan hệ gia đình với học sinh và những sự tác động của truyền thông với giáo dục. Cụ thể, những áp lực từ phía gia đình lên học sinh bao gồm áp lực về thành tích và điểm số. Phụ huynh luôn mong muốn con mình phải đạt điểm cao, phải có thành tích trong các cuộc thi nhưng lại chỉ nghĩ: Mình chỉ cần bỏ tiền để cho con tham gia các lớp học thêm là đủ.
Áp lực phụ huynh coi con là phương tiện để đạt được những kì vọng của mình. Nhiều trường hợp kỳ vọng quá cao so với sức lực và khả năng của con. Rất nhiều trẻ bị biến thành “vật thí nghiệm” và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi và mặc cảm của phụ huynh. Áp lực phụ huynh đang giáo dục con bằng nỗi sợ: Cha mẹ áp dụng lối giáo dục độc đoán, không cho phép con được nói, sẵn sàng đánh mắng khi con không vâng lời. Thay vì yêu mà học, vui mà học, thích mà học, trẻ chuyển sang sợ mà học. Nhà trường khi đó đối với trẻ chứa đầy những “hiểm nguy”. Vì hễ bị điểm kém, trẻ có thể bị đánh, bị lăng nhục.
Dọa dẫm con về những điều tiêu cực trong trường học: Cha mẹ không cho phép con được làm sai, được gặp thất bại, cha mẹ coi thất bại, lỗi lầm là kẻ thù của con và con không được phép mắc phải.
Áp lực từ phụ huynh ít có thời gian dành cho con, ít trò chuyện với con vì không biết cách hoặc cho rằng: đầy đủ thế, sướng thế rồi còn cần gì nữa. Phụ huynh không coi nhà trường là đồng minh trong giáo dục con; phụ huynh ít cập nhật kiến thức và kỹ năng dạy con, phụ huynh nhìn vào đời sống học đường với một lát cắt hẹp, coi nhà trường cũng giống như một cơ sở dịch vụ độc lập phải lo trọn gói cho con mình. Phụ huynh không chọn cách cư xử cho lịch thiệp, sẵn sàng đi dép lê, mặc quần áo ngủ vào trường, sẵn sàng xưng hô không đẹp với thầy cô. Những tác động đó không có lợi trong sự phát triển các mối quan hệ thầy cô với học trò và giữa học trò với nhà trường.
Một áp lực nữa của giáo viên được cô Hồ Điệp chỉ ra liên quan đến truyền thông. Theo cô truyền thông cần nói sự thật nhưng không nên thổi phồng sự thật. Truyền thông không nên chỉ nhìn vào những điểm cá biệt để quy kết về một nền giáo dục, điều đó vô tình gây hoang mang cho phụ huynh, làm cho bức tranh học đường trở nên u ám. Hãy khoan trở thành quan tòa, hãy khoan trở thành người đấu tố. Giáo dục cần sự điềm đạm và nhìn thẳng vào vấn đề nhưng không phải là sự mạt sát.
Nêu quan điểm về áp lực của giáo viên, TS Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) bày tỏ, đó chính là áp lực từ phía bên ngoài. Chẳng hạn như: Thiếu hỗ trợ từ phía gia đình trong việc giáo dục học sinh cũng là một khó khăn rất lớn đối với nhà trường. Nhiều cha mẹ thay vì cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em mình thì lại tập trung vào việc bắt lỗi và lên án giáo viên mỗi khi không hài lòng.
TS Nguyễn Thị Thu Anh đề xuất, một trong những giải pháp để giảm áp lực cho giáo viên đó là xây dựng văn hóa tổ chức trong nhà trường. Theo đó, tất cả các thành viên trong nhà trường cùng nhau tạo nên các các giá trị vật chất và tinh thần, được thể hiện qua hình ảnh của giáo viên, nhân viên, học sinh và bầu không khí đặc trưng của nhà trường.
Xây dựng môi trường làm việc tôn trọng, trung thực, trách nhiệm, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, đề cao các giá trị nhân văn, tình yêu thương giữa các thành viên trong tập thể nhà trường. Đặc biệt là tinh thần làm việc hết lòng vì sự tiến bộ của học sinh.
“Ban Giám hiệu thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu của từng giáo viên để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc trên cơ sở phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân giáo viên. Quan tâm động viên tinh thần giáo viên, nhân viên thông qua các hoạt động công đoàn nhằm gắn kết các thành viên trong nhà trường, tạo tâm lí tích cực, hạnh phúc trong giáo viên, cán bộ, nhân viên và lan tỏa, tạo động lực phấn đấu cho học sinh”- Cô Thu Anh nói./.
Mỹ Anh