Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ khi năm 2017 đang khép lại, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết trong một tháng qua, từ ngay sau Tuần lễ Cấp cao APEC, hàng loạt doanh nghiệp lớn từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Italy… đã bày tỏ ý định làm ăn tại Việt Nam.
|
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. |
Thắng lợi của thương mại tự do
Thành công của Việt Nam càng có ý nghĩa khi Tuần lễ Cấp cao diễn ra trong một giai đoạn rất khó khăn với nhiều thách thức của APEC. Nhưng bất chấp các thách thức đó, cuối cùng, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã có tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung. Bộ trưởng các nước thành viên cũng đã đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế cho TPP.Với nỗ lực trong công tác tổ chức của Việt Nam, APEC 2017 đã hoàn thành mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong tình hình mới.
Tổng kết lại, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh một số “từ khóa” để khái quát một cách chung nhất toàn bộ kết quả mà APEC đạt được qua Tuần lễ Cấp cao: Người dân ở vị trí trung tâm, doanh nghiệp giữ vai trò động lực, kinh tế phát triển phải bao dung, thương mại tự do phải công bằng, hai đại dương phải liên thông, vành đai và con đường phải hài hòa, APEC vững vàng tiến lên phía trước.
Theo ông Lộc, trong toàn bộ quá trình đi tới đồng thuận của lãnh đạo các nền kinh tế, nổi lên vai trò rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Thông điệp phát đi từ các diễn đàn của doanh nghiệp tại APEC vẫn là ủng hộ một nền thương mại tự do và công bằng.
“Trong bối cảnh mới, yêu cầu công bằng trở nên vô cùng cấp thiết. Bảo đảm công bằng cho mọi nền kinh tế và mọi cá nhân nghĩa là phát triển bao trùm. Một yêu cầu khác là phải bảo đảm tuân thủ, bảo đảm việc thực thi, đã nói là làm. Có thể nói, “công bằng” và “tuân thủ” là hai “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề tranh cãi nhiều nhất tại kỳ APEC lần này về thương mại toàn cầu: Một mặt là những lo ngại về sự gia tăng bất bình đẳng trong toàn cầu hóa và mặt kia là quan điểm cực đoan về lợi ích quốc gia”, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa quan điểm.
Con số ấn tượng 20 văn kiện được thông qua trong Năm APEC 2017, trong đó có tám văn kiện thông qua tại Tuần lễ Cấp cao, đã thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của các thành viên giữ đà hợp tác, liên kết kinh tế. Một lần nữa tại Đà Nẵng, APEC đã tái khẳng định vai trò là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu của khu vực và xác định tầm nhìn chiến lược của diễn đàn trong những thập niên tới.
Thành công của Việt Nam
Với Việt Nam, tất cả các nội dung trọng tâm mà nước chủ nhà đề xuất và nhấn mạnh – vừa là những vấn đề cốt lõi, những mục tiêu quan trọng nhất của các mục tiêu thiên niên kỷ, vừa là những ưu tiên, những đòi hỏi nội tại của Việt Nam - đã được cộng đồng doanh nghiệp và các nền kinh tế APEC ủng hộ. Đó là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một trong những sáng kiến nổi bật nhất của Việt Nam tại Tuần lễ Cấp cao là việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS), kết hợp với triển lãm xúc tiến đầu tư vào các tỉnh, thành phố lần đầu tiên được tổ chức tập trung. Trong một sự kiện đa phương bàn về các vấn đề toàn cầu và khu vực, đây là diễn đàn dành riêng cho Việt Nam, bàn riêng các vấn đề của Việt Nam.
Đăng cai Năm APEC 2017 cũng đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước ngay sau Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việt Nam cũng đã đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong năm đầu nhậm chức.
Cùng với đó là chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Chile Michelle Bachelet và chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới Việt Nam. Vị thế của Việt Nam còn được thể hiện ở việc lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc tham dự phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit).
Các nhà tổ chức cũng đã trao cơ hội cho miền Trung – vùng đất vẫn tương đối kém phát triển so với các khu vực khác, thay vì Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, và điều này đã thể hiện chính quan điểm phát triển bao trùm mà Tuần lễ Cấp cao nhấn mạnh. Trên thực tế, APEC đã tạo ra một cú hích cho việc phát triển hạ tầng trong khu vực. Riêng Đà Nẵng có cơ hội chưa từng có để tự giới thiệu với thế giới về một thành phố trẻ đầy tiềm năng, sôi động, đồng thời thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam năng động, đổi mới, hiện đại, là một phần không tách rời của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bước trưởng thành của cộng đồng doanh nghiệp
Việc tổ chức APEC đã chứng tỏ khả năng vươn lên mạnh mẽ của Đà Nẵng, của miền Trung và cả khả năng vượt lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. So với thời điểm năm APEC 2006, lần này, khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc. Cơ hội đã được trao cho khối doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã chứng tỏ được khả năng với việc cung ứng các hạ tầng hiện đại nhất theo chuẩn mực quốc tế, với một tốc độ xây dựng thần kỳ.
Với tinh thần khởi xướng và sáng tạo, các doanh nghiệp đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC với số lượng đại biểu tham dự kỷ lục và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam. Và gần 40 doanh nghiệp đã tài trợ chính thức cho Năm APEC 2017, với tổng mức tài trợ gấp hơn năm lần so Năm APEC 2006 và là mức kỷ lục từ trước tới nay cho các hội nghị tổ chức tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Việt Nam đã bước ra khỏi Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC 2017 với một vị thế mới. Nhưng vị thế đang lên đó đã đặt Việt Nam trước những thách thức mới trong việc tiếp tục thúc đẩy cải cách trong nước và tham gia kiến tạo nền kinh tế toàn cầu, chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Về phần mình, VCCI sẽ tiếp tục thúc đẩy giới kinh doanh các nước tiếp tục ủng hộ Việt Nam, góp phần tạo làn sóng ủng hộ và đầu tư vào Việt Nam sau APEC.
“Sự chủ động, chín chắn, bước trưởng thành của các doanh nghiệp trong việc tham gia, đóng góp Tuần lễ Cấp cao APEC và đĩnh đạc thảo luận các vấn đề lớn nhất của thương mại toàn cầu đã hứa hẹn một tương lai phát triển bền vững, lâu dài của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Nói thêm về ấn tượng Việt Nam tại sự kiện này, Chủ tịch VCCI cho biết một trong những điều khiến ông thấy xúc động là sự hiện diện của hình ảnh của Mẫu Âu Cơ trong suốt Tuần lễ Cấp Cao. Bức tượng Mẹ lấy nguyên mẫu từ hình tượng Mẫu Âu Cơ và những người con - với cái nhìn hướng ra Biển Đông - đã được khánh thành tại Cung Hội nghị quốc tế Ariyana ngay trong những ngày đầu Tuần lễ. Buổi lễ khánh thành có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bức tượng đồng phiên bản thu nhỏ của bức tượng Mẹ này cũng trở thành món quà tặng tại APEC. Theo ông Vũ Tiến Lộc, người mẹ là biểu tượng của lòng bao dung, của sự phát triển bền vững, bao trùm – một chủ đề quan trọng tại Tuần lễ Cấp cao. Mẹ Âu Cơ với hình tượng "đồng bào" bọc trăm trứng lại càng là biểu tượng cao đẹp của sự bao dung. Đó cũng chính là thông điệp ẩn chứa trong món quà gửi tới bạn bè quốc tế.
|
Hà Chính