Vì sao quy mô GDP ‘lột xác’? 

(Chinhphu.vn) - Sau khi Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại theo thông lệ quốc tế, quy mô Tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 2010-2017 bình quân mỗi năm tăng 25,4%. Vậy vì sao phải đánh giá lại quy mô GDP? Những yếu tố nào khiến cho quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 được bổ sung lớn như vậy? Số liệu này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay?

Cần thiết

Trao đổi với báo chí ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê nêu rõ: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, chỉ tiêu này không chỉ phản ánh quy mô, tiềm lực của nền kinh tế mà còn là cơ sở để tính toán nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đòn bẩy quan trọng khác. Chính vì vậy, trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP, có nhiều vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trước hết về mặt lý luận, theo ông Nguyễn Bích Lâm: Lý thuyết tài khoản quốc gia của Thống kê Liên Hợp Quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP: Vòng 1 - Đánh giá lại số liệu quý; Vòng 2 - Đánh giá lại số liệu hàng năm; Vòng 3 - Đánh giá lại số liệu định kỳ.

Ba vòng điều chỉnh được thực hiện một phần hay toàn bộ phụ thuộc vào khả năng thực hiện của cơ quan thống kê và thực tiễn tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đánh giá lại số liệu trong vòng 1 và vòng 2 được thực hiện trong ngắn hạn và hầu hết các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP. Vòng 3 thực hiện điều chỉnh toàn diện được triển khai theo các giai đoạn nhất định, phụ thuộc vào kết quả tổng điều tra, cập nhật phương pháp luận mới, cập nhật gốc so sánh cũng như áp dụng các bảng phân loại theo khuyến nghị của quốc tế.

Thông thường, thông tin từ các cuộc tổng điều tra được dùng làm căn cứ để đánh giá lại số liệu của các năm trước do tính toàn diện và bao trùm của phạm vi thông tin thu thập từ Tổng điều tra. Thực tế cho thấy, những quốc gia có hệ thống luật pháp đầy đủ và chế tài nghiêm, có trình độ thống kê tiên tiến đã thực hiện tốt việc cập nhật, đánh giá lại thường xuyên theo số liệu tổng điều tra và điều tra toàn bộ nên ít phải thực hiện đánh giá lại vòng 3, trừ khi cập nhật phương pháp luận mới. Còn những quốc gia còn có bất cập về phạm vi, nguồn thông tin thu thập nhưng chưa có khả năng xử lý thường xuyên, cần phải tiến hành đánh giá lại vòng 3 để nâng cao chất lượng số liệu, đảm bảo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” và so sánh quốc tế.

Như vậy, theo lý luận của hệ thống tài khoản quốc gia, chỉ tiêu GDP cần được tiến hành rà soát, đánh giá lại thường xuyên hàng quý, hàng năm và đánh giá định kỳ theo giai đoạn sau khi có đầy đủ thông tin từ các cuộc tổng điều tra và nguồn thông tin bổ sung khác. Do vậy, việc cơ quan thống kê Việt Nam tiến hành đánh giá lại quy mô GDP cũng là việc cần thiết và không có gì bất thường trong nghiệp vụ thống kê - ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Thách thức

Về những thách thức gì khi đánh giá lại quy mô GDP, ông Nguyễn Bích Lâm chia sẻ: Thực tiễn Việt Nam khi đánh giá lại quy mô GDP có một số bất cập.

Trước tiên là nguồn thông tin thống kê ở nước ta tuy ngày càng được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về thông tin đầu vào phục vụ biên soạn đầy đủ quy mô chỉ tiêu giá trị sản xuất (GO) và giá trị tăng thêm (VA) theo ngành kinh tế và GDP của cả nước.

Mặt khác, phạm vi tính toán chưa đầy đủ do nguồn thông tin còn hạn chế, hoạt động mới phát sinh chưa được xác định rõ và cập nhật kịp thời. Điều tra mẫu hàng năm chỉ đảm bảo phản ánh đúng xu hướng tăng trưởng mà chưa đảm bảo tính đầy đủ về quy mô của nền kinh tế. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tính toán quy mô giá trị tăng thêm của các ngành.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ dữ liệu từ nguồn hồ sơ hành chính giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành còn bất cập. Để có nguồn dữ liệu đầy đủ, tính toán, tổng hợp thông tin thì rất cần sự vào cuộc, chia sẻ thông tin của các Bộ, ngành.

Ngoài ra, hệ thống tài chính kế toán cần được minh bạch hơn nữa; các công cụ quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế cần hiệu quả hơn…có như vậy, ngành Thống kê mới có thể đo lường được sát nhất tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Bên cạnh thách thức về chuyên môn nghiệp vụ, một thách thức khác đó là thói quen không chấp nhận sự thay đổi số liệu GDP của người sử dụng thông tin thống kê. Vì vậy, Quỹ tiền tệ quốc tế khuyến nghị Tổng cục Thống kê nên công bố trước kế hoạch và lộ trình đánh giá lại quy mô GDP; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông cho nhân dân và người sử dụng thông tin thống kê hiểu.

Đánh giá lại như thế nào?

Về thực hiện đánh giá lại quy mô GDP, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết: Trước hết, công việc này được Tổng cục Thống kê thực hiện dựa trên các nguyên tắc đảm bảo tính toàn diện, tính lịch sử, so sánh và đảm bảo thống nhất về quy trình và phương pháp tính.

Để thực hiện đánh giá lại quy mô GDP, Tổng cục chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm trù sản xuất theo quy định của Việt Nam, không xem xét các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tổng cục Thống kê thực hiện xem xét, rà soát từ nguồn thông tin và kết quả tính toán chi tiết đến 88 ngành kinh tế cấp 2; 21 ngành kinh tế cấp 1 và 3 khu vực kinh tế cho giai đoạn 2010-2017. Đồng thời, bổ sung cập nhật một số nội dung theo phương pháp luận của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 và hệ thống phân loại mới; bổ sung, cập nhật giá trị các sản phẩm nghiên cứu và phát triển, phần mềm tin học …

Tổng cục cũng thực hiện đánh giá GDP theo giá hiện hành và giá so sánh năm 2010. GDP tính theo giá hiện hành kết hợp với các chỉ tiêu vĩ mô khác để nghiên cứu, xem xét các cân đối lớn trong nền kinh tế của các địa phương, của các ngành kinh tế với nhau. GDP tính theo giá so sánh nhằm đánh giá tốc độ tăng trưởng theo từng ngành kinh tế qua các năm.

Bên cạnh việc rà soát, biên soạn lại GDP theo 2 loại giá nêu trên, Tổng cục Thống kê đã xem xét chỉ tiêu này trong mối quan hệ với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác có liên quan.

Có điểm đáng lưu ý là, trong điều kiện phạm vi tính toán được mở rộng và đầy đủ hơn, quy mô GDP thay đổi dẫn đến các quan hệ, cân đối lớn của nền kinh tế thay đổi. Trên cơ sở kết quả đánh giá lại quy mô GDP, cần có những phân tích, đánh giá, xem xét thấu đáo hơn hiệu quả hoạt động kinh tế của đất nước trong một giai đoạn; đồng thời cần đánh giá tác động của đánh giá lại quy mô GDP đối với chính sách kinh tế trong giai đoạn tới. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP là căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách trung hạn và dài hạn phù hợp với năng lực của quốc gia.

Nguyên nhân thay đổi?

Về nguyên nhân dẫn đến thay đổi quy mô GDP, theo ông Nguyễn Bích Lâm: Có 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến thay đổi của quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm làm tăng quy mô GDP, đó là: Một là, bổ sung thông tin từ tổng điều tra; hai là, bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; ba là, cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; bốn là, rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế. Chỉ duy nhất nhóm (5) Cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước, đã làm quy mô GDP theo giá hiện hành giảm.

Lý giải cụ thể hơn, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết: Khi chúng tôi rà soát bổ sung nguồn thông tin từ tổng điều tra, trong dãy số liệu đánh giá lại GDP giai đoạn 2010-2017, con số bổ sung thêm là 76.000 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp này, đa phần là số lượng doanh nghiệp bổ sung thêm từ kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 và từ hồ sơ hành chính của Tổng cục Thuế.

Các doanh nghiệp này nằm ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ (chiếm khoảng 70%). Bên cạnh đó, trong lần rà soát, đánh giá lại quy mô GDP lần này, ngành Thống kê cũng thu thập được số liệu của 136 doanh nghiệp thuộc 2 Bộ: Quốc phòng và Công an.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao có sự bỏ sót một số lượng doanh nghiệp lớn như vậy? Câu chuyện này có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Điều tra thống kê là hình thức thu thập chủ yếu của ngành Thống kê. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên hàng năm chúng tôi chỉ có thể tổ chức điều tra chọn mẫu trong các cuộc điều tra hàng năm và cứ 5 năm mới tổ chức tổng điều tra toàn bộ một lần. Do vậy, đã dẫn đến hiện tượng bỏ sót số liệu”, ông Nguyễn Bích Lâm lý giải và cho biết thêm: Về góc độ về sử dụng dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin thống kê, cũng có những bất cập về số liệu.

Cụ thể là, trước đây, khi chưa có sự chia sẻ số liệu, giữa 3 cơ quan: Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê, số liệu về số lượng doanh nghiệp có sự vênh nhau khá lớn, do mỗi cơ quan có chức năng thu thập số liệu doanh nghiệp phục vụ cho các mục đích và theo các tiêu chí khác nhau: Trong khi cơ quan đăng ký kinh doanh có được số liệu số lượng doanh nghiệp được thành lập; cơ quan thuế thống kê số lượng doanh nghiệp thực tế phải nộp thuế; thì cơ quan thống kê lại nắm số liệu doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, gần đây, giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê đã có sự hợp tác, chia sẻ số liệu nên số liệu về doanh nghiệp đã được cập nhật, bổ sung mới.

Bên cạnh đó, việc cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 cũng giúp làm tăng quy mô GDP. SNA 2008 đã đưa ra một số thay đổi liên quan đến phạm vi tài sản bao gồm: Mở rộng phạm vi tài sản là các sản phẩm nghiên cứu và phát triển; đánh giá lại phân loại tài sản. Trong các loại tài sản được bổ sung mới này, một số tài sản đã được tính toán vào tài khoản quốc gia trong quá trình đánh giá lại quy mô GDP như: Bổ sung, cập nhật giá trị các sản phẩm nghiên cứu và phát triển, giá trị của phần mềm tin học…

Căn cứ quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển mới

Trao đổi thêm về bức tranh kinh tế đất nước sau khi đánh giá lại quy mô GDP, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Thực tế, sự phát triển của đất nước vẫn đang vận hành với guồng quay của nó, cuộc sống người dân, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta vẫn đang diễn ra theo đúng thực tế vốn có của nó.

Khi số liệu đánh giá lại quy mô GDP được công bố, chỉ đơn thuần là ngành Thống kê cung cấp cho xã hội với những cơ quan chức năng, với các chuyên gia, các nhà khoa học và công chúng số liệu xác thực hơn để có thể thấy rõ đất nước mình đang đứng ở đâu trên bản đồ phát triển kinh tế thế giới.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, GDP được đánh giá lại cho phép tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan được xác thực hơn, phản ánh xác thực hơn chất lượng tăng trưởng, năng lực của nền kinh tế.

“Do đó, đây chính là những căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng đề xuất, xây dựng Chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025’, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định./.

445 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 711
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 711
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235136