|
Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Nguy cơ dịch sởi tái diễn quy mô lớn
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch bệnh này sẽ tái diễn trên quy mô lớn, vì tỉ lệ cộng dồn số người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc không tiêm đầy đủ sau 4-5 năm tăng cao. Từ cuối năm 2018 đến nay, số trường hợp mắc bệnh sởi đang gia tăng nhanh.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, có hơn 50% số ca mắc sởi không được tiêm chủng, khoảng 40% là tiêm không đầy đủ.
Cụ thể, trong năm 2018, cả nước ghi nhận 9.741 trường hợp phát ban nghi sởi, trong đó có 1.963 trường hợp dương tính. Các ca bệnh chủ yếu xảy ra ở miền Bắc (4.800) và Nam (4.700), tăng 21 lần so với 2017. Số ca mắc đa số bắt đầu từ cuối thu đến nay đang tăng nhanh.
Trên thế giới trong năm 2018, bệnh sởi ghi nhận tại 184/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt có sự gia tăng số mắc tới 2,6 lần tại khu vực châu Âu, trong đó có cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi.
Hiện nay, miền Bắc nước ta đang trong mùa Đông Xuân – thời điểm có nhiều yếu tố thuận lợi để bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển. Vì vậy, Bộ Y tế cảnh báo, trẻ nhỏ và người lớn nếu không tiêm vaccine phòng bệnh sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh truyền nhiễm bất kỳ lúc nào.
“Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ”, PGS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh. Đặc biệt, đối với bệnh sởi đang nằm trong chu kỳ dịch nên rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.
Để tiếp tục phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng, triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao, với khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Miễn dịch sau tiêm vaccine sởi có bền vững suốt đời?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vaccine hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.
Cũng như các vaccine khác, tiêm vaccine sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Tỉ lệ đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vaccine, loại vaccine và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng vaccine cũng như kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu tiêm vaccine sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vaccine có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch như do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vaccine...
Vì vậy, việc tiêm mũi vaccine sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vaccine sởi, từ đó tăng tỉ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.
Tiêm mũi thứ hai không nhằm mục đích làm tăng hiệu quả kháng thể đối với những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, trên thực tế không cần xét nghiệm xác định tình trạng miễn dịch của trẻ để cán bộ y tế chỉ định tiêm vaccine, mà đối tượng cần tiêm mũi thứ hai là tất cả các trường hợp chưa tiêm mũi thứ hai vaccine sởi hoặc những trường hợp không có đầy đủ bằng chứng (phiếu, sổ tiêm chủng) chứng minh đã tiêm mũi thứ hai.
Riêng những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính thì không cần tiêm vaccine sởi. Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm vaccine sởi.
Đặc biệt, việc tiêm vaccine trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus sởi có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
Hiền Minh