Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 4/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao đổi thêm về việc ngày 3/6, Quốc hội có xin ý kiến về vấn đề xử phạt với lái xe sử dụng rượu bia. Chủ tịch Quốc hội khẳng định không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông. Trên thực tế, pháp luật hiện hành đã có quy định về vấn đề này.
Tuy nhiên, do quá bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu, bia lái xe gây tai nạn giao thông, trong quá trình xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn mà cứ uống rượu, bia là không được lái xe, nếu uống rượu bia mà lái xe là vi phạm. Phương án khác là giữ nguyên như hiện nay.
Do đó, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội chọn vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để tham khảo, xin ý kiến Quốc hội. Nhưng sau khi đại biểu cho ý kiến thì không phương án nào quá 50% ý kiến tán thành.
"Việc xin ý kiến các đại biểu vào ngày 3/6 là để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo Luật chứ không phải biểu quyết thông qua Luật" - Chủ tịch Quốc hội lấy làm tiếc khi dư luận có những hiểu lầm rằng Quốc hội chưa muốn xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia.
Theo Chủ tịch Quốc hội, pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giao thông đã có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu, bia mà sử dụng phương tiện giao thông như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hành chính... Như vậy, không phải là không quy định điều này vào trong Luật phòng chống tác hại rượu, bia thì không có chế tài xử lý.
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu về quan điểm của Phó Thủ tướng Thường trực đối với tình trạng uống rượu bia gây tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Cả xã hội đều đã thấy sự nguy hại khôn lường của việc uống rượu bia gây tai nạn giao thông. Do đó, cần quán triệt nghiêm túc việc “đã uống rượu bia là không lái xe”.
Phó Thủ tướng khẳng định, chúng ta cũng có đầy đủ các quy định, chế tài đối với vấn đề này như Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ. Tới đây, sẽ sửa Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt đối với hành vi đã uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng cho rằng, vấn đề này không đưa vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia không có nghĩa là bỏ trống mà nó đã đưa vào Luật Giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tức là vẫn xử lý vi phạm về hành vi này.
Thành Đạt