Nhân dân không phải là một khái niệm chung chung, trừu tượng. Nhân dân là mọi người Việt Nam, gồm tất cả mọi giai cấp, tầng lớp, trong đó có những bộ phận cơ bản, nền tảng. Lâu nay cụm từ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong các văn bản hành chính chúng ta đã viết hoa từ Đảng, Nhà nước, còn Nhân dân thì lại viết thường. Trong khi, Nhân dân là gốc, nền tảng và là mục đích của Đảng và Nhà nước. Khoản 1, Điều 2 của Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực, đi vào cuộc sống hơn 3 năm qua, đây là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất đã viết hoa từ Nhân dân. Tuy nhiên qua tìm hiểu, được tiếp cận các văn bản của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và đoàn thể trong tỉnh hiện nay khi đề cập đến từ “Nhân dân” thì hầu hết chưa được viết hoa hoặc viết chưa thống nhất.
Tại điểm 3, mục V, Phụ lục VI, về Viết hoa trong văn bản hành chính
(Kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính) đã nêu rõ: “Danh từ chung đã riêng hóa: Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng. Ví dụ: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam),…”. Như vậy, ở đây từ Nhân dân là danh từ chung đã được riêng hóa do vậy phải viết hoa để thể hiện sự trân trọng và đúng với tinh thần của Hiến pháp 2013 và Thông tư của Bộ Nội vụ.
Qua đây cũng kiến nghị các cơ quan, ban ngành cũng như các tập thể, cá nhân trong soạn thảo văn bản khi đề cập đến chủ thể Nhân dân thì cần phải viết hoa từ “Nhân dân”./. Nguyễn Phương Hoạt (biên tập)