Vì sao giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng? 

(Chinhphu.vn) - Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chưa thể giảm trong quý ll/ 2021. Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu.
Toàn cảnh hội nghị - VGP/ Đỗ Hương
Đây là nhận định được Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đưa ra tại Hội nghị Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thuỷ sản trong tình hình mới, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 26/4.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất. Theo Cục Chăn nuôi, tổng lượng nguyên liệu TACN nhập khẩu năm 2015 là 15,4 triệu tấn (tương đương 5,3 tỷ USD). Đến năm 2020, lượng nhập khẩu tăng lên 20,2 triệu tấn (tương đương 6,0 tỷ USD). Tốc độ tăng trung bình hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 6,2%/năm (tương đương với tốc độ tăng sản lượng TACN sản xuất trong nước là 5,7%/năm). Sang quý I/2021, tổng lượng TACN nhập khẩu đạt 5,4 triệu tấn, tương đương 1,66 tỷ USD, tăng 3,94% về số lượng và 5,53% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Về giá nguyên liệu và TACN thành phẩm trong nước, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giai đoạn từ năm 2015 đến quý III/2020 nhìn chung giá ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần. Giá các loại nguyên liệu chính của TACN bắt đầu tăng từ tháng 10/2020 và tăng cao đến thời điểm hiện nay với mức tăng trung bình từ 30-35%.

Tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá TACN thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 5-6 đợt (mức tăng 200-300 đồng/kg/lần), với tổng mức tăng chung là 10-15% (tương đương 1.000-1.500 đồng/kg, tùy từng loại).

Theo Cục Chăn nuôi, giá các loại nguyên liệu TACN chính chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý II/2021, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021. Theo đó, giá TACN thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu là 5-10% (500-1.000 đồng/kg) tùy loại để đạt mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại. Khi đó, TACN hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức trên 11.000-11.300 đồng/kg.

Nguyên nhân chính khiến giá thành phẩm TACN tăng liên tục là do giá các loại ngũ cốc đầu vào đều tăng cao và thiết lập ở mặt bằng giá mới như hiện nay. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố trong đó có chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản... Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19, chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa...

Để kiểm soát giá và thị trường TACN, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh TACN cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi (khô dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo…); quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành TACN thành phẩm.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, cần có giải pháp giảm chi phí nhập khẩu các loại nguyên liệu TACN bằng các chính sách thương mại và nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất nhập khẩu kinh doanh nguyên liệu TACN.

Tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, đơn vị đang khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết chuỗi và liên kết doanh nghiệp với tổ hợp tác và hợp tác xã. Với hình thức này, sẽ giảm khâu trung gian cung cấp TACN và kiểm soát tốt hơn dịch bệnh từ chuỗi. Cùng với đó, nghiên cứu sâu rộng các sản phẩm bằng nguyên liệu trong nước để có thể đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam nhấn mạnh, kinh nghiệm của doanh nghiệp là chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh tình trạng "ăn đong" trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng nóng. "Khâu logistisc cần trơn tru hơn, giảm chi phí vận chuyển, thời gian bốc xếp theo hàng rời. Trên thực tế trong nước cũng có nhiều nguyên liệu phục vụ chăn nuôi như phụ phẩm chế biến cá, tôm,... nên tận dụng chứ không nên quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu", vị này nói.

Thời gian tới, Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ Công thương khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu TACN (Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ…) để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường TACN tại Việt Nam.

Với Bộ Tài chính, kiến nghị đưa ra là có chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương và lúa mỳ trong thời gian ngắn hạn; giảm mức thu phí lưu kho, lưu bãi với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; đồng thời bố trí ngân sách ưu tiên và đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Mai Hương
526 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 427
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 427
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87839681