Vì sao dân phản đối chuyện đòi đất? 

TP - Công ty Lâm nghiệp Ðường 9 được giao trách nhiệm quản lý và sử dụng 4.000 ha rừng tại địa bàn huyện Cam Lộ nhưng để thất thoát đến 1.000 ha, trong đó có hơn 200 ha rừng phòng hộ. Hàng trăm cán bộ công nhân viên của Công ty xà xẻo tới 150 ha đất rừng hưởng lợi cá nhân.

Tuy nhiên, đến lúc cổ phần hóa, Công ty lại tìm cách thu hồi phần đất mà những người dân đã bỏ nhiều công sức khai hoang giữa ngổn ngang bom mìn từ sau ngày giải phóng.

Nguy cơ hai bàn tay trắng

Gần 40 hộ dân các thôn Cam Phú 1, Cam Phú 2, Cam Phú 3  thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đang trồng rừng trên đất xã Cam Tuyền  tiếp tục có đơn gửi đến hầu hết các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Quảng Trị.  Nhiều người dân cho biết phần đất mà họ khai hoang phục hóa đất rừng từ lâu, nay bỗng dưng bị Công ty Lâm nghiệp Ðường 9 đòi thu hồi đất để chuẩn bị cho cổ phần hóa. Nhiều gia đình thiếu đất sản xuất bỏ bao công sức, vốn liếng vay mượn, đối mặt với nhiều đạn bom sau chiến tranh để trồng rừng nay đứng trước nguy cơ chỉ còn lại hai bàn tay trắng.

​ Vì sao dân phản đối chuyện đòi đất? - ảnh 1
Tiểu khu rừng phòng hộ đầu nguồn 775, địa bàn có rừng phòng hộ bị tàn phá trầm trọng.

Ông Mai Văn Pháp, một trong những hộ dân ký đơn ở Cam Phú 3 nói: “Ðất này tuy chưa có sổ đỏ nhưng cha ông tôi đã làm lụng từ bao đời nay. Chúng tôi khai hoang từ cuối năm 1975 khi còn đầy rẫy bom mìn. Bà con mong muốn được sản xuất ổn định, làm chủ đất của mình. Nếu Công ty vẫn tiếp tục đòi thu hồi là vô lý, Nhà nước cần xem lại để bảo vệ quyền lợi sống còn của người dân”.

Phó chủ tịch UBND xã Cam Thành, ông Trần Nam Hải khi họp dân đã khẳng định: Cơ sở pháp lý mà Công ty đưa ra là không thuyết phục. Phía Công ty chưa tiến hành cắm mốc giới, phân định rõ đất của mình quản lý ở những vị trí cụ thể như thế nào, chưa bàn giao thực địa cho chính quyền địa phương. Nói dân lấn đất Công ty là chưa chính xác mà thực tế có thể ngược lại, Công ty trong một số trường hợp cũng có thể lấn đất của dân. Muốn làm rõ điều này cần có thời gian khảo sát, đối chiếu mới có câu trả lời thỏa đáng. Ngay việc lập biên bản một vài người dân vi phạm cũng tiến hành một cách sơ sài, không phối hợp với chính quyền sở tại. Cả đến công văn của Công ty gửi cho UBND xã Cam Thành đề nghị phối hợp cũng không đánh số, không ghi ngày tháng, thủ tục hành chính hết sức tùy tiện.

Khi HÐND tỉnh Quảng Trị tiếp xúc cử tri tại thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành năm 2017, người dân đã tố giác chuyện chảy máu đất rừng. Cử tri Võ Sĩ Phương phát biểu trong cuộc họp rằng chính những người nhà của một lãnh đạo chủ chốt Sở NN&PTNT “xâm lấn”!

Trong quá trình thu thập chứng cứ, phóng viên có được một văn bản được lập theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị trong đó ghi rõ một người trùng họ và  tên anh ruột vị lãnh đạo Sở nói trên, hiện sống ở TP Ðông Hà, đứng tên  chủ gần 100 ha rừng của Công ty. Ông Võ Sĩ Phương cũng vừa xác nhận lại ông cùng khoảng 40 hộ dân là người làm thuê trồng rừng, chăm sóc rừng nhiều năm cho người nhà vị lãnh đạo Sở này. Theo ông Phương hiện họ vẫn còn nợ tiền công của ông nhiều chục triệu đồng…    

Dân muốn bảo vệ rừng đâu dễ

​ Vì sao dân phản đối chuyện đòi đất? - ảnh 2
Ông Ðào Văn Lưu với đơn thư khiếu kiện về nạn chảy máu rừng.

Ông Ðào Văn Lưu là người phụ trách nhóm chăm sóc rừng phòng hộ do Công ty Lâm nghiệp Ðường 9 quản lý, trú tại Cam Phú 1, Cam Thành. Ông kể rằng người dân miền núi thấy rừng bị chảy máu liên tục một cách vô tội vạ bèn lên tiếng nhưng chẳng ai giải quyết. Ông khẳng định khi rừng bị mất thì nhà nước và người dân trực tiếp chăm sóc rừng đều bị thiệt hại, nên ông chủ động thu thập chứng cứ. Ông Lưu cho biết đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét việc các cơ quan chức năng không xử lý 22 biên bản ghi nhận việc phá rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 775 thuộc thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành. Ông bảo đến thời điểm này cách giải quyết chưa dứt điểm nêu trên của cơ quan có thẩm quyền khiến người dân không tâm phục khẩu phục.

Theo ông Ðào Văn Lưu, rừng phòng hộ khu vực này bị tàn phá nặng nề lên đến khoảng 80 ha. Trong khi đó, người dân vẫn bàn tán không dứt về chuyện thanh lý rừng giá rẻ, những phi vụ bán rừng trồng, chuyển nhượng đất rừng bạc tỷ  xảy ra trên chính địa bàn Công ty Lâm nghiệp Ðường 9 quản lý.
Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên ghi nhận ý kiến của đông đảo người dân cho rằng không thể để cổ phần hóa rồi “xóa dấu” vi phạm pháp luật bảo vệ rừng và hợp thức hóa sở hữu phần đất rừng vốn của nhà nước cho các cá nhân. Phải xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm cho dù đương chức hay đã về hưu. Mặt khác cũng cần quan tâm đến lịch sử đất đai cũng như nguyện vọng chính đáng của người miền núi để họ có đất sản xuất, bảo đảm an sinh.

 

PHẠM CAO NGUYÊN

1281 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 822
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 822
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87199577