VÌ SAO CÁN BỘ PHẢI HỌC LÝ LUẬN  

Là người khởi đầu việc học lý luận, đào tạo cán bộ từ các lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925-1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã có những quan điểm, cách nhìn sâu sắc, toàn diện về công tác lý luận nói chung và việc học lý luận của cán bộ, đảng viên nói riêng. Đến nay, trải qua hàng thế kỷ, những quan điểm, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta nghiên cứu, vận dụng hiệu quả trong giai đoạn cách mạng mới.

Ngày 7/9/1957, khi đến khai giảng lớp học lý luận khóa I Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong bài phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh nhiều vấn đề hàm chứa những quan điểm về việc học lý luận của cán bộ. Đồng chí đã phân tích rất rõ những lý do mà cán bộ của Đảng phải học tập lý luận. Trước hết theo Người “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta, đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình[1]. Như vậy, để nâng cao trình độ lý luận của Đảng thì cán bộ phải học tập lý luận. Nếu cán bộ không học tập lý luận thì Đảng không thể nâng cao trình độ lý luận của mình.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù Đảng ta có nhiều ưu điểm, nhưng có “một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém”[2]. Người còn chỉ cụ thể hơn “vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm[3].

Sau hàng chục năm trôi qua, mặc dù trình độ lý luận của Đảng ta đã có những bước phát triển rất rõ rệt, có vai trò quan trọng trong quá trình hoạch định đường lối cách mạng dân tộc dân chủ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; khởi xướng, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN thắng lợi; “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày này…[4]. Nhưng, tổng kết 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, hiệu quả… Công tác tư tưởng có nơi, có lúc chưa thực sự được cấp ủy coi trọng, chưa kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu…. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp…”[5]. Do vậy, Đảng phải luôn chăm lo công tác học tập lý luận trong toàn Đảng.

Cán bộ phải học tập lý luận, theo Hồ Chí Minh còn do “tình hình thế giới và trong nước đã biến đổi đòi hỏi chúng ta phải có những đường lối, phương châm, phương pháp đấu tranh cho thích hợp”, “sự nghiệp xây dựng CNXH đầy khó khăn gian khổ, lại chưa có tiền lệ, muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo... Điều đó đòi hỏi Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa mà muốn tự nâng cao mình thì phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ cốt cán của Đảng[6].

Về tinh thần học tập lý luận của cán bộ, đảng viên, bài diễn văn của Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rất rõ rằng, đứng trước tình hình mới và yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, “nói chung cán bộ ta đều cảm thấy nhược điểm của mình là thiếu lý luận, cho nên đều cảm thấy cần thiết phải học tập lý luận và yêu cầu Đảng phải tổ chức học tập lý luận cho cán bộ[7]. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ, “trong Đảng ta hiện nay còn có nhiều người chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem thường học tập hoặc là không kiên quyết tìm biện pháp để điều hoà công tác và học tập[8]. Ngoài những hiện tượng trên, trong Đảng, theo Hồ Chí Minh còn những cán bộ ngại học tập, không chịu đào sâu suy nghĩ nên khó khăn khi đọc tài liệu. Cũng có những cán bộ còn thiếu tin tưởng vào sự cần thiết phải học tập lý luận, học tập kinh nghiệm của các nước anh em,... Đó là những dấu hiệu của chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa xét lại, theo Người, cần phải đề phòng để đẩy mạnh phong trào học tập lý luận trong toàn Đảng.

Có thể thấy, với tư duy, tầm nhìn vượt thời đại, những đánh giá của Hồ Chí Minh về trình độ lý luận của Đảng cách đây đã 64 năm vẫn giữ nguyên giá trị đối với chúng ta hiện nay. Thấm nhuần tầm quan trọng của công tác lý luận nói chung, học tập lý luận chính trị nói riêng, kế thừa các quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác lý luận và việc học tập lý luận trong Đảng, trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới đất nước (1986-2021), Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhiều quan điểm mới, những định hướng quan trọng về công tác tư tưởng, lý luận.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát của đất nước nhiệm kỳ 2020-2025: “…Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa[9]. Trung ương Đảng cũng đưa ra những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới: “Đến năm 2025 (kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước) là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trở thành nước phát triển, thu nhập cao[10].

Để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn chiến lược, Đại hội XIII của Đảng xác định vẫn tiếp tục “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa[11]. Đi vào cụ thể, Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: “... Làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng. “… Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng trong đó chú trọng “nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp...; tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch[12].

Xác định đúng đắn yêu cầu công tác lý luận trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta khẳng định “không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên[13] và muốn vậy phải đổi mới đồng bộ và nâng cao chất lượng các khâu, quy trình; mô hình; phương pháp, cách thức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Quan tâm “đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, cán bộ giảng viên, báo cáo viên...”,đổi mới căn bản, nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”; “đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp,... chất lượng, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng”. “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên...” “thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên...” [14].

Quán triệt các quan điểm của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị thể hiện quyết tâm “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm trung bình khá của cả nước[15]. Để thực hiện được mục tiêu đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng  Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Muốn vậy “Phải tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, cũng cố và tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, chính trị trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong Nhân dân. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu từng cấp ủy địa phương, đơn vị[16].

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII yêu cầu: “Tăng cường cập nhật lý luận, kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng; gắn lý luận với thực tiễn. Chú trọng giáo dục lý luận chính trị đối với thế hệ trẻ…[17].

Có thể thấy, điểm mới thống nhất giữa Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đó là yêu cầu cao về tính chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận chính trị, chú trọng việc gắn lý luận với thực tiễn; thay đổi nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của việc trang bị các kiến thức về lý luận trong công tác lãnh đạo, quản lý, về nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng trường chính trị, các trung tâm chính trị đạt chuẩn và vượt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thấm nhuần các quan điểm trên của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ “luôn vững vàng trước những khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng”, có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Châu Minh

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 8, tr 492.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 8, tr 492.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 8, tr 492.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII,  Tập II , Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr 233.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII,  Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr 90-91.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 8, tr 494.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 8, tr 497.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 8, tr 497

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII,  Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr 36.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII,  Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr 36

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII,  Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr 109.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII,  Tập I , Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.41.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII,  Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr 40-41.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII,  Tập II, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021, tr 235.

[15] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tr 53.

[16] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tr 90.

[17] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tr 91.

1408 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 793
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 793
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76772581