Đây là vụ án có nội dung không phức tạp, tỷ lệ thương tích ở mức 3% và bị cáo cũng hoàn toàn nhận tội, vậy lý do gì dẫn đến kết quả như trên?
|
Địa điểm quán cơm Thiên An, nơi tài xế Hiếu bị đồng nghiệp đánh.
|
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Viên và anh Hiếu là lái xe của nhà xe H.T (H. Đức Cơ, Gia Lai). Ngày 20-7- 2019, Viên điều khiển ô-tô BKS 81B- 015.xx chở khách từ Phú Thọ vào Gia Lai, khoảng 18 giờ cùng ngày thì dừng xe tại quán cơm Thiên An ở thôn Nhan Biều 2, xã Triệu Thượng (H. Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để ăn cơm tối. Lúc này, ô-tô BKS 81B - 013.xx do anh Hiếu điều khiển chở khách từ Gia Lai ra Phú Thọ và ô-tô BKS 81B - 012.xxx (đều thuộc nhà xe H.T) cũng dừng ăn cơm tối tại quán Thiên An. Khoảng 18 giờ 30 cùng ngày, sau khi ăn cơm xong, Viên đi ra xe lấy đồ nghề kiểm tra xe để chuẩn bị khởi hành, khi đi đến vị trí đuôi ô-tô 81B - 012.xx thì thấy anh Hiếu đang đứng ở phía bên trái đầu xe này. Viên bất ngờ nhớ lại việc trước đó anh Hiếu nói xấu mình với mọi người nên sẵn cầm cờ-lê trong tay, đi đến đối diện với anh Hiếu, cách khoảng 60cm, cầm cờ-lê đánh trúng vào vùng đầu đồng nghiệp. Sau khi bị đánh, anh Hiếu bỏ chạy qua cây xăng Thiên An rồi được chủ quán cơm đưa vào viện băng bó vết thương. Khi vào đến Gia Lai, anh Hiếu tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Quân đội 211 ở TP Pleiku (Gia Lai) từ ngày 21 đến 29- 7-2019 thì xuất viện. Trung tâm Pháp y giám định anh Hiếu chịu thương tích 3%. Viên bị cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội danh "Cố ý gây thương tích".
Quá trình giải quyết vụ án, bị hại Hiếu có đề nghị bồi thường khoản tiền hơn 88 triệu đồng. Ngày 29-11-2019, TAND H.Triệu Phong đưa vụ án ra xét xử, tại phiên tòa này VKS đề xuất mức án từ 9 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo. Kết quả, tòa tuyên án Viên 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng. Tòa cũng tách phần dân sự để giải quyết bằng một vụ án khác. Éo le ở phiên tòa này là bị hại vắng mặt không có lý do trong khi đây là vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại (thương tích 3%) và quá trình điều tra, giải quyết vụ án đã có yêu cầu về phần dân sự, bồi thường các khoản.
Ngay sau khi nhận bản án, bị hại kháng cáo toàn bộ nội dung, cho rằng việc xét xử vắng mặt bị hại là vi phạm tố tụng, không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án, trả hồ sơ xét xử lại. Bước vào phiên phúc thẩm, bị hại vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, đồng thời có luật sư bào chữa tham gia tại phiên tòa. TAND tỉnh Quảng Trị xét hỏi, làm rõ về việc vắng mặt không có lý do của bị hại tại phiên sơ thẩm. Theo trình bày của bị hại, 1 ngày sau khi phiên xét xử kết thúc mới nhận được từ bưu điện giấy triệu tập tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, trước đó vào ngày 27-11, bị hại nhận được điện thoại thông báo của nhân viên TAND H. Triệu Phong về việc đưa vụ án ra xét xử vào sáng 29- 11. Dù chưa nhận được giấy triệu tập nhưng sau khi biết tin này, bị hại đã yêu cầu luật sư liên hệ, gửi đơn xin hoãn xét xử. Đơn được luật sư gửi đi từ Bình Định và được chuyển đến TAND H. Triệu Phong vào lúc 10 giờ 30 ngày 29-11, lúc này vụ án vừa xét xử xong.
Qua xét hỏi và tài liệu hồ sơ có trong vụ án, HĐXX nhận thấy TAND H. Triệu Phong đưa vụ án ra xét xử khi chưa xác nhận bị hại đã nhận giấy triệu tập hợp lệ, việc xét xử vắng mặt bị hại là không đúng quy định, vi phạm thủ tục tố tụng, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm, chuyển hồ sơ xét xử lại.
BẢO HÀ