Vì nạn nhân chất độc da cam 

Từ ngày 10/8/1961, đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành gần 20 nghìn phi vụ phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg đi-ô-xin xuống gần 26 nghìn thôn, bản ở nước ta với diện tích hơn ba triệu ha. Sự thâm độc, quỷ quyệt này của Đế quốc Mỹ đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn ba triệu người là nạn nhân, trong đó tỉnh Quảng Trị có hơn 8.200 hộ có người nhiễm chất độc hóa học với 15.485 nạn nhân, có 4.965 hộ có 2 nạn nhân trở lên...

Chiến tranh đã lùi xa gần năm thập kỷ. Trong tâm khảm nhiều người chiến tranh chỉ còn là ký ức nhưng nỗi đau chất độc da cam thì vẫn mãi hiện hữu. Họ và con cháu họ đang hàng ngày, hàng giờ gánh chịu nỗi đau bệnh tật. Hầu hết các gia đình có người bị nhiễm chất độc này đều khánh kiệt. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo khổ, đau khổ nhất trong những người đau khổ; là những nạn nhân chiến tranh đặc biệt.

Sau cuộc chiến, trong bao nhiêu việc phải làm, Ðảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm sâu sắc đến những người bị nhiễm chất độc màu da cam.

Từ năm 1980, nước ta đã thành lập Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục hậu quả loại chất độc nguy hiểm này, trong đó có những chính sách tẩy độc môi trường, trợ cấp, ưu đãi đối với các gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ cấp hằng tháng cho các nạn nhân chất độc da cam. Cùng với sự nỗ lực của Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế và các tầng lớp nhân dân đã đóng góp công sức, tiền của, chung sức giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và khắc phục hậu quả của nó đối với môi trường. Ðặc biệt, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam được thành lập (tháng 1-2004) phong trào vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đã được tăng cường. Cùng với đó, công tác giáo dục, động viên, trợ giúp các nạn nhân vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng được đẩy mạnh lên một bước mới.

Những tiếng nói ủng hộ, những hành động cao cả trong đó có những đồng tiền, bát gạo với nạn nhân chất độc da cam tuy đã là một sự cố gắng nhưng cũng còn hạn hữu so với nỗi đau của "những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ".

Vẫn biết rằng, "Việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay". Ðây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội nhưng hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam để đối tượng này ngày càng có cuộc sống tốt hơn là việc làm tự thân của mỗi người và mỗi ngày.

Đó không chỉ là tình nhân ái, nghĩa đồng bào mà cũng là trách nhiệm xã hội của mỗi công dân. Trí Ánh

                                                                   

 

 

 

 

 

3450 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 757
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 757
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77515106