Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về xóa đói giảm nghèo sau 30 năm đổi mới. (Ảnh: TTXVN) 

Chủ trương, chính sách và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền tháng 12/2020, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, với mục tiêu không chỉ bảo đảm thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin. Trên cơ sở phương pháp tiếp cận mới, các chính sách và Chương trình giảm nghèo đã từng bước được thiết kế lại nhằm tạo điều kiện để người dân nói chung, người nghèo nói riêng tiếp cận thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản theo quy định của pháp luật. Chương trình đã hướng tới đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cơ sở, người dân, phát huy vai trò cộng đồng, khuyến khích các sáng kiến giảm nghèo bền vững do cộng đồng đề xuất, thực hiện, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất trong chủ trương, chính sách và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm bảo đảm quyền con người, nhất là quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định tại Điều 34, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Hơn 30 năm qua, Việt Nam đã là một trong những hình mẫu thành công trên thế giới về giảm nghèo.

Với chính sách, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 3,75% cuối năm 2019, dự kiến chỉ còn dưới 3% năm 2020 (đây là mức giảm nghèo đa chiều nhanh so với thế giới) – đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo; 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 80% thôn có đường cho xe cơ giới; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí.

Dự kiến đến hết năm 2020, hơn 32 huyện, trên 650 xã, 1.200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, nhiều huyện thoát nghèo tiêu biểu, vươn lên trở thành những vùng nông thôn mới trù phú, khang trang như : Huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), huyện Như Xuân (Thanh Hóa).

Mạng lưới hạ tầng giao thông được cải thiện, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi, đã rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy thương mại, dịch vụ, tạo việc làm. Nhiều nhà máy, xí nghiệp ở các vùng nông thôn đã giúp người dân chuyển đổi việc làm, thoát nghèo “ly nông bất ly hương”. Cơ sở hạ tầng kết nối và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo việc làm, thu nhập cho người dân ở các địa phương là giải pháp quan trọng để người dân thoát nghèo bền vững.

Việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều đã tác động tích cực, toàn diện đối với người nghèo: Hàng triệu con em hộ nghèo được miễn giảm học phí, hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, học bổng; 06 địa phương áp dụng chuẩn nghèo đa chiều cao hơn quốc gia…

Theo báo cáo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp tại Hội nghị, trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như 7 chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo đa chiều ở thành phố Hồ Chí Minh, “Mỗi tổ chức, cá nhân giúp đỡ ít nhất một hộ nghèo” ở quận 11 thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình “Đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo” ở tỉnh Quảng Nam, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ngân sách của các địa phương đều dành hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng nguồn lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay với lãi suất thấp như thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng… Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” 4 cấp và các hoạt động an sinh xã hội với số tiền gần 20 nghìn tỷ đồng, xây khoảng 170 nghìn căn nhà cho hộ nghèo.

Giảm nghèo – con đường gian nan phía trước

Thông tin tại Hội nghị, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, Việt Nam chịu tác động lớn nhất trên thế giới từ biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai, nên công cuộc giảm nghèo và chống tái nghèo còn nhiều khó khăn: Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật còn cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, dễ tái nghèo; chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều còn thấp, bằng 45% mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời; chưa có cơ chế hỗ trợ kịp thời người dân trong trường hợp cấp bách do thiên tai, bão lũ; một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả; việc hướng dẫn và triển khai chương trình còn chậm; vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa thực sự chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Giảm nghèo là vấn đề kinh tế, -xã hội lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Từ đầu năm 2020, do tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, các tổ chức quốc tế cảnh báo “Những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bị gián đoạn, cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi 1 thập niên”. Tổ chức Oxfarm ước tính đại dịch COVID-19 khiến nửa tỷ người (khoảng 8% dân số thế giới) lâm vào cảnh nghèo đói.

Để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững của thế giới giai đoạn 2015 – 2030 mà Liên hợp quốc đã thông qua, theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả nhiều hơn nữa những nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, có nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các Nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới. Các bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch cụ thể để phong trào này hiệu quả, thiết thực…

Trong giai đoạn 2016 – 2020, mặc dù Việt Nam gặp nhiều thiên tai, bệnh dịch, ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội. Đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người (trong đó có nhiều người nghèo, kể cả lao động ở khu vực thành thị thiếu việc làm) từ ngân sách nhà nước.

 
Thu Lan