Nhìn nhận về HIV/AIDS trong xã hội hiện nay có phần “nhẹ nhàng” hơn so với khoảng 20-30 năm về trước, tuy nhiên, để nói hoàn toàn gỡ bỏ những kỳ thị thì chưa hẳn. Không chỉ đối với những người bệnh, áp lực về sự kỳ thị đối với các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS cũng rất nặng nề. Ngoài cái nhìn “thiếu thiện cảm” từ những người xung quanh, những y bác sĩ ấy còn phải đối mặt với không ít khó khăn từ những diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp ở người bệnh. Do đó, để tìm và "giữ chân" được một cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân HIV/AIDS không phải dễ dàng. Trên thực tế, không ít người đã phải “bỏ cuộc”…
Khó khăn là thế, nhưng vẫn luôn có những người bác sĩ sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy, vô cùng tận tụy với công việc đặc biệt ấy. Họ chính là những người hùng có trái tim nhân ái, ấm áp. Họ đã giúp bao người như “tái sinh” thêm một lần nữa trên cuộc đời này.
Nhìn thấy mọi người khỏe mạnh đó là điều thôi thúc mình phải tiếp tục hành động
|
Bác sĩ Đặng Văn Ngọc luôn đau đáu tìm mọi cách để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho những người có nguy cơ đồng thời luôn là chỗ dựa về tinh thần cũng như hỗ trợ hết mình về chuyên môn cho người bệnh. |
Bước chân vào ngành y, bác sĩ Đặng Văn Ngọc được nhận về công tác tại một trạm y tế trên địa bàn tại thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Khoảng thời gian từ năm 2009 tới năm 2011, do thuốc điều trị chưa được đầy đủ như bây giờ, người bác sĩ trẻ đã tận mắt chứng kiến một số trường hợp tử vong trong đau đớn tại nhà. Cũng nhờ có kinh nghiệm thực tiễn khi khám, điều trị cho người bệnh, năm 2011, bác sĩ Ngọc đã chuyển công tác về Trung tâm Y tế của thị xã Phú Mỹ và trực tiếp làm chương trình HIV. Liên tục trăn trở để làm gì đó tốt nhất cho bệnh nhân HIV, cho cộng đồng, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm cao có lẽ là những điều khiến người bác sĩ ấy không bao giờ từ bỏ trong cuộc chiến với dịch bệnh này.
Chia sẻ về những ngày đầu chính thức nhận nhiệm vụ trong chương trình HIV của Trung tâm, bác sĩ Ngọc cho biết, lúc ấy cũng gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn chủ yếu là bệnh nhân liên quan tới tiêm chích ma túy và mại dâm. Riêng nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) gần như chưa được tiếp cận. Tháng 7/2011, Trung tâm thành lập phòng khám và điều trị ngoại trú ARV. Thời điểm này cũng chưa có đội ngũ cộng tác viên, trực tiếp, bác sĩ Ngọc đã phải miệt mài đi tìm kiếm từng bệnh nhân, tiếp cận, tư vấn, vận động họ đi xét nghiệm khẳng định và đưa vào điều trị. “Tôi đi vào mọi ngõ ngách, tới các cơ sở mát xa, tiếp xúc với những người nghiện ma túy, tới các hội chợ để tiếp cận những người trong nhóm hát lô tô. Ai giới thiệu nhóm nào có nguy cơ cao nhiễm HIV, tôi đều tìm mọi cách để gần gũi, giúp đỡ họ. Đi nhiều tới nỗi ai cũng biết tới mình và họ hoàn toàn tin tưởng khi tôi tư vấn. Lăn lộn bao năm trời như vậy, cũng mệt chứ nhưng được nhìn thấy mọi người khỏe mạnh, mình mừng và điều đó lại thôi thúc mình phải tiếp tục hành động”, bác sĩ Ngọc nói.
Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của dự án EPIC, Trung tâm cũng có những nhóm dựa vào cộng đồng (CBO) hỗ trợ đắc lực như: nhóm Tháng Năm, nhóm Sóng Ngầm, nhóm Hoa Đăng, nên công việc tìm kiếm những bệnh nhân HIV được triển khai tích cực và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, công việc hàng ngày ngoài thời gian làm việc hành chính tại Trung tâm, bác sĩ Ngọc vẫn tham gia hỗ trợ cộng đồng cùng với các nhóm CBO, có khi tới 10-11 giờ khuya do đặc thù ở khu vực này nhiều công nhân đi làm theo ca tan trễ. Ngoài ra, bác sĩ Ngọc còn phối hợp với các bác sĩ trên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để điều trị bệnh giang mai cho các bệnh nhân. Công việc này thường được diễn ra vào các ngày cuối tuần.
Chia sẻ về kỷ niệm trong thời gian dài gắn bó với những bệnh nhân HIV, bác sĩ Ngọc kể lại 2 trường hợp mình đã không cứu được họ. Trường hợp thứ nhất là em của một người bạn, khi thấy có nguy cơ cao, bác sĩ Ngọc đã tư vấn nhưng họ đã không chấp nhận và chuyển lên TP Hồ Chí Minh sống. Sau khi bệnh chuyển nặng, bệnh viện trên TP Hồ Chí Minh đã trả về cho gia đình để chuẩn bị lo hậu sự. “Còn nước còn tát”, bác sĩ Ngọc đã 24/24 giờ chăm sóc cho bệnh nhân. Hơn 1 tháng sau, bệnh nhân đã có tiến triển tốt, có thể đi đứng và đáp ứng với thuốc ARV (thuốc kháng vi rút HIV). Tưởng như đã cứu được, nhưng cuối cùng bệnh nhân bị sặc sữa, cấp cứu không kịp và qua đời.
Trường hợp thứ hai là một cháu bé 15 tuổi, có ba mẹ bị nhiễm HIV nhưng gia đình cố giấu không điều trị. Khi tới Trung tâm cháu bé đã bị lao phổi và chuyển sang lao màng não. “Nếu gia đình đưa tới sớm 2 tháng thì tôi nghĩ hoàn toàn có thể cứu được cháu bé. Đây là 2 trường hợp làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều, thậm chí mình cảm thấy suy sụp tinh thần vì thấy tiếc nuối, bất lực. Đây thật sự là những bài học xương máu, không bao giờ tôi muốn gặp lại. Bài học này tôi luôn đem chia sẻ cho cộng đồng để mọi người nâng cao ý thức phòng tránh đồng thời nó cũng luôn nhắc nhở tôi phải nâng cao kỹ năng tư vấn, làm sao để khách hàng tuyệt đối tin tưởng mình. Nếu điều trị sớm, vừa đỡ khổ cho bệnh nhân, đỡ khổ cho gia đình và cũng giảm gánh nặng cho nhân viên y tế”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.
|
Nhờ công tác tuyên truyền, tư vấn nên nhiều trường hợp có nguy cơ cao đã được hỗ trợ đưa đi làm xét nghiệm khẳng định. Đây là phương pháp duy nhất để chẩn đoán xác định tình trạng nhiễm virus HIV của bệnh nhân để giúp cho bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ điều trị, chăm sóc và dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng. |
Để hiểu và có sự ứng xử phù hợp nhất với tâm lý phức tạp của bệnh nhân, nhất là các trường hợp sốc khi mới phát hiện ra bệnh, không chỉ tư vấn bằng kiến thức chuyên môn, bác sĩ Ngọc còn phải tham gia vào các lớp học tâm lý và lớp định hướng chuyên khoa tâm thần để có thêm kỹ năng về tâm lý học.
Trong đợt dịch bệnh COVID-19 vô cùng phức tạp vừa qua, để duy trì thuốc cho bệnh nhân bác sĩ Ngọc đã xây dựng kế hoạch và kiến nghị cấp trên cho phép dự trù thuốc 6 tháng. “Đợt dịch nhiều trung tâm mất bệnh nhân nhưng riêng ở Phú Mỹ bệnh nhân điều trị HIV tăng thêm 70 trường hợp. Chúng tôi thậm chí còn hỗ trợ cho cả bệnh nhân ở Đồng Nai, Bình Thuận, không phân biệt họ sinh sống ở đâu, miễn sao giúp được họ duy trì uống thuốc đều đặn”, bác sĩ Ngọc kể lại.
Giỏi về chuyên môn, năng động, sáng tạo và đầy trách nhiệm, bác sĩ Ngọc cũng được cấp trên xem xét và cất nhắc lên nhiều vị trí cao hơn nhưng bác sĩ Ngọc chia sẻ mình chưa chọn vị trí nào bởi “tôi chuyển sang công việc mới sẽ ít có thời gian sâu sát, toàn tâm toàn ý với công tác HIV/AIDS được như bây giờ. Hơn 400 bệnh nhân của tôi sẽ ra sao? Nếu tìm được một người có thể hỗ trợ cho các bệnh nhân hiện nay, tôi mới yên tâm chuyển công tác được. Làm lĩnh vực này phải luôn xem bệnh nhân, khách hàng như người thân trong nhà để mình hỗ trợ họ hết mình, có như vậy mới duy trì được lâu dài”.
Tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ Ngọc, chúng tôi càng cảm mến, kính trọng hơn con người ấy - một bác sĩ mà tấm lòng nhân ái và trách nhiệm của lương y luôn ở mức cao nhất để có thể hi sinh tất cả vì sức khỏe và sự bình yên của cộng đồng.
Bác sĩ Lê Văn Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Phú Mỹ đã dành những lời khen đầy tự hào: “Bác sĩ Ngọc đã nhiều năm công tác trong lĩnh vực này, chúng tôi rất tự hào vì có một cán bộ y tế như thế. Đó là một con người rất nhiệt tình và có trách nhiệm, làm việc tập trung và có khả năng tiếp cận cộng đồng rất hay. Nhìn những người nhiễm HIV trước kia gầy yếu nhưng giờ họ hoàn toàn khỏe mạnh, hòa nhập cộng đồng tốt, có công việc ổn định, thậm chí nhiều người có thu nhập cao, đó là minh chứng rõ nhất về sự đóng góp của những người như bác sĩ Ngọc”, bác sĩ Đoàn chia sẻ.
Mang lại “thiên chức thiêng liêng” cho nhiều cặp vợ, chồng nhiễm HIV
|
Vượt qua những khó khăn , những áp lực và lo sợ ban đầu khi tiếp cận với những bệnh nhân -những người có tâm lý, cảm xúc phức tạp thậm chí sẵn sàng có suy nghĩ "trả thù đời", bằng sự chân thành, sẻ chia, chị Thêm đã nhận được sự quý mến, tin tưởng của bệnh nhân |
Trên thực tế, việc chăm sóc, hỗ trợ cho các bệnh nhân HIV chưa bao giờ là công việc đơn giản, dễ dàng, nhất là đối với các nhân viên y tế là nữ giới.
Nhớ lại lúc mới ra trường và về Phòng khám, điều trị ngoại trú ARV (bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu), chị Nguyễn Thị Thêm vô cùng lo sợ bởi “lúc ấy, mọi người còn kỳ thị đối với bệnh này, hơn nữa tôi lại chưa có kinh nghiệm gì. Việc lấy máu cho bệnh nhân đôi khi cũng làm tôi thấy “run” vì sợ lỡ không may lây nhiễm. Hơn nữa, các bệnh nhân của tôi nhiều người là dân nghiện ma túy, là dân “anh chị”, đòi nợ thuê, có người đã từng vào tù… nên tính cách của họ đôi lúc rất nóng nẩy, thái độ bất cần”.
Có không ít lần khi phải chờ đợi để khám bệnh, bệnh nhân đã chửi mắng y bác sĩ, nhưng với sự nhẹ nhàng, thân thiện và gần gũi, với sự tư vấn chân thành, những y bác sĩ như chị Thêm đã cảm hóa được họ. Kỷ niệm về nghề thì nhiều nhưng điều để lại cảm xúc đặc biệt đối với người điều dưỡng ấy chính là đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng đón nhận thiên chức thiêng liêng được làm cha, làm mẹ, đón những thành viên mới trong gia đình hoàn toàn khỏe mạnh, âm tính với HIV.
Chị Thêm kể, lúc chị về bệnh viện công tác có tham gia điều trị cho bệnh nhân tên Q. Anh này nhiễm bệnh do tiêm chích ma túy. Khi biết anh bị nhiễm HIV, người vợ đầu đã chia tay. Sau khi kết hôn với người vợ thứ hai, nhờ sự tư vấn của các y bác sĩ rất tận tình, anh chị đã có nguyện vọng được sinh con. Trước và trong quá trình mang thai, sản phụ được theo dõi, khám và làm các xét nghiệm thường xuyên. Kết quả, sau 9 tháng 10 ngày, như bao đứa trẻ bình thường khác, cháu bé của anh chị đã chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, âm tính với HIV và cũng là cháu bé đầu tiên mà chị Thêm được tham gia tư vấn, hỗ trợ cho bệnh nhân ngay từ đầu.
“Cháu bé ra đời không chỉ là niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình anh Q. mà với tôi đó cũng là một kỷ niệm rất tuyệt vời. Tôi cảm thấy tự tin hơn trong công việc mình đang làm. Sau này chúng tôi cũng hỗ trợ thêm cho nhiều cặp vợ chồng khác để họ toại nguyện với những mong ước trong cuộc đời và 100% các cháu bé ra đời đều hoàn toàn khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, vợ chồng anh Q. sau này cũng sinh thêm một cháu bé nữa khỏe mạnh, âm tính với HIV. Những nụ cười, niềm hạnh phúc của bệnh nhân và gia đình đã thực sự là động lực để giúp chúng tôi tiếp tục công việc của mình ngày một tốt hơn đồng thời nó cũng góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp về nghị lực, niềm tin, về sự tiến bộ của y học để mọi người đều có cơ hội được làm cha, làm mẹ - một thiên chức vô cùng thiêng liêng”, chị Thêm cho biết.
Hỗ trợ cho nhiều cặp vợ chồng sinh con chị Thêm cũng chia sẻ, trong quá trình mang thai, nhiều sản phụ rất lo lắng. Khi ấy, chị không những hỗ trợ họ về chuyên môn mà còn trở thành người bạn để luôn lắng nghe, chia sẻ cho họ, là chỗ dựa tinh thần để họ yên tâm dưỡng thai, tới ngày mẹ tròn con vuông bình an, khỏe mạnh.
Chăm sóc, theo dõi quá trình mang thai cho các sản phụ bình thường, khỏe mạnh đã khó khăn, chăm sóc sản phụ nhiễm HIV lại không may mắn có chút vấn đề về tâm lý còn khó khăn gấp bội.
Chị Thêm kể lại câu chuyện vào năm 2020 của sản phụ H.N.H (sinh năm 1977) bị sang chấn tâm lý khi bị bỏ rơi lúc chị này đang mang thai. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân không tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, uống thuốc không đều, tải lượng virus cho thấy có dấu hiệu kháng thuốc nhẹ.
|
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thêm đã tham gia hỗ trợ hàng chục cặp vợ chồng đón nhận thiên chức thiêng liêng được làm cha, làm mẹ trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cả gia đình bệnh nhân. |
“Bệnh nhân này cũng có hoàn cảnh đặc biệt, nên bệnh viện đã vận động tài trợ hỗ trợ cho sản phụ sinh con khỏe mạnh. May mắn dù bị kháng thuốc nhẹ, nhưng sản phụ sinh con vẫn an toàn và phép màu đến với người mẹ này là con âm tính với HIV. Từ ngày có con, chị H. tỉnh táo hơn và sống bằng nghề bán vé số để nuôi con”, điều dưỡng Thêm cho hay.
Gắn bó với các bệnh nhân HIV 14 năm nay, chị Thêm chia sẻ cũng có nhiều kỷ niệm nhưng vui nhất là chị nhận lại được sự đồng thuận từ chính những người bệnh trong quá trình điều trị. “Họ tin tưởng mình, gần gũi và tuân thủ đúng các phác đồ điều trị hàng ngày đó là niềm vui của mình. Nhìn các bệnh nhân mỗi ngày đều khỏe mạnh thật sự rất hạnh phúc, đặc biệt là lại giúp cho các cặp vợ chồng có những đứa con “sạch” , hoàn toàn khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác thì không còn gì sung sướng bằng” chị Thêm tươi cười cho biết.
Khiêm tốn nói về công việc đồng hành theo dõi chặt chẽ các sản phụ nhiễm HIV, chị Thêm cho rằng: “Trong quá trình điều trị, chúng tôi góp sức vào khoảng 30% còn 70% chính là thuốc ARV và sự tuân thủ nghiêm ngặt của bệnh nhân. Thuốc ARV quan trọng nhất là phải uống đúng giờ, do đó, sự tuân thủ của bệnh nhân mang lại thành công lớn nhất. Trong quá trình điều trị ARV, nếu bệnh nhân tuân thủ tốt, uống thuốc đúng giờ, trẻ được dự phòng thì nguy cơ lây nhiễm cho em bé rất thấp”.
Chị Thêm cũng chia sẻ bản thân mình may mắn khi nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình cả hai bên nội, ngoại. Mọi người đều hiểu công việc chị đang làm và điều ấy giúp chị toàn tâm toàn ý với công việc hàng ngày. Quản lý hồ sơ của hơn 30 sản phụ nhiễm HIV sinh con trong những năm gần đây, chị Nguyễn Thị Thêm hạnh phúc chia sẻ, có rất nhiều sản phụ nhiễm HIV sinh con thứ 2, thứ 3 đều an toàn, không bị nhiễm. Nếu như trước đây, khi chưa lập gia đình, chị tham gia tư vấn dựa trên “sách vở” thì giờ đây, sau khi bản thân chị đã là một người mẹ, trải qua 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau, có kinh nghiệm thực tiễn, chị càng thấu hiểu hơn cho những khát khao cháy bỏng của những người phụ nữ thiếu may mắn đang được chị chăm sóc. Cảm nhận được từng giai đoạn của thai kỳ, với nhu cầu dinh dưỡng cũng như những khó khăn mà sản phụ phải vượt qua đã giúp chị tư vấn cho bệnh nhân được chuyên sâu hơn, đồng cảm hơn với họ. Hiện nay, Phòng của chị Thêm đang chăm sóc cho 260 bệnh nhân. Đặc biệt, mới đây, chị cùng với các y bác sĩ trong đơn vị cũng vừa tư vấn, hỗ trợ cho vài trường hợp sinh con khỏe mạnh, an toàn./.