Vì một cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết 

(Chinhphu.vn) - Cộng đồng ASEAN cần phải tận dụng thời cơ vượt qua thách thức, nhằm xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Vì một ASEAN vững mạnh, đoàn kết. Ảnh: baoquocte.vn

Cách đây 50 năm, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập tại Bangkok. Sự kiện này diễn ra vào lúc Chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt. 5 thành viên sáng lập cảm thấy bất an trước sự đối đầu của các nước lớn, mong muốn tạo ra một liên kết chính trị và an ninh nhằm đối phó với những bất trắc tại khu vực thời kỳ “hậu Chiến tranh Việt Nam”. Nhưng trong không khí Chiến tranh lạnh bao trùm chính trị thế giới, sự kiện này đã không gây được nhiều sự chú ý.

Nửa thế kỷ trôi qua, ASEAN đã làm nên lịch sử, với ba thành tựu nổi bật nhất:

Đến năm 1999, ASEAN đã thành một tổ chức khu vực gồm 10 quốc gia thành viên, hoạt động dưới mái nhà chung, với 625 triệu dân, thương mại nội khối hơn một nghìn tỷ USD, góp phần quan trọng xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.

Từ một khu vực có nhiều điểm khác biệt, các quốc gia xung đột và nghi ngờ lẫn nhau, ASEAN ngày nay là đối tác của phát triển, của hội nhập khu vực và thế giới, dưới một ngọn cờ chung, dựa trên những nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các bất đồng, xung đột một cách hòa bình, thông qua cơ chế chính thức và không chính thức. Từ một cơ cấu hợp tác tiểu khu vực đã trở thành tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, tạo được bản sắc và phương cách riêng, cùng với Cộng đồng châu Âu (EU), là tổ chức khu vực bền vững nhất trong thế giới đương đại. 

ASEAN đã đóng góp có ý nghĩa quan trọng vào duy trì môi trường hòa bình và an ninh tại Đông Á, tạo ra các cơ chế thích hợp về chính trị và an ninh, “đóng vai trò dẫn dắt các cơ chế khu vực”, để tất cả các nước liên quan, bao gồm các nước lớn ở châu Á-Thái Bình Dương, đối thoại và hợp tác vì hòa bình và an ninh, trong tình hình châu Á-Thái Bình Dương không ngừng biến đổi và biến động, tạo điều kiện tìm kiếm và xây dựng một cơ cấu an ninh và trật tự khu vực phù hợp với tương quan lực lượng mới. 

Hiện tại, ASEAN đứng trước ba thách thức lớn:

Thứ nhất, ASEAN đang bước sang kỷ nguyên mới, với các thách thức trong việc xây dựng Cộng đồng và liên kết nội khối sao cho hiệu quả, thiết thực, có “văn hóa thực thi”, thúc đẩy an sinh xã hội, tăng cường phục vụ lợi ích của người dân các nước thành viên. Điều đáng tiếc, trải qua gần hai thập kỷ phấn đấu, ASEAN vẫn chưa lấp được khoảng cách giữa các thành viên “khá giả” và các thành viên “trình độ phát triển thấp”. 

Thứ hai, duy trì liên kết và đoàn kết thực sự, giữ vững độc lập, tự chủ trong quan hệ với các nước lớn, vì lợi ích quốc gia mình cũng như lợi ích của cộng đồng ASEAN, không vì cái này mà hy sinh cái kia.

Thứ ba, Đông Nam Á từ thế kỷ 20 đến nay luôn là tiêu điểm của cạnh tranh và giành giật ảnh hưởng giữa các nước lớn – đó vừa là đặc điểm vừa là “định mệnh” của khu vực này do vị trí địa chiến lược đặc biệt của nó.

ASEAN đang đứng trước sự cạnh tranh chiến lược hết sức gay gắt giữa các nước lớn liên quan. Các nước lớn đang tìm cách lợi dụng, tạo ra sự phân cực về mặt chính trị trong tổ chức và phân hóa hàng ngũ ASEAN. Vì vậy, các thành viên cần làm sao để ASEAN giữ vững đoàn kết nhất trí, tích cực, chủ động, có như thế mới phát huy được vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực và giữ cho khu vực này hòa bình, trung lập, ổn định và phát triển.

Cộng đồng ASEAN cần phải tận dụng thời cơ vượt qua thách thức, nhằm xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Quan trọng hơn cả vẫn là đoàn kết, nhất trí trong nội bộ khối và giữ vững độc lập, tự chủ của tổ chức. Đồng thời, phải làm cho các thành viên và toàn khối mạnh – mạnh về thực lực, mạnh về tổ chức, ta có mạnh thì các nước lớn mới tôn trọng ta, “đếm xỉa” tới ta, và ta mới tham gia được vào cuộc chơi chiến lược giữa các nước lớn, chứ không phải làm con “tốt đen” trên bàn cờ chiến lược ấy.

Giải quyết vấn đề Biển Đông quan trọng đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông, cũng như đối với hòa bình, ổn định của Đông Nam Á. Ngày 6/8, Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng của các nước ASEAN đã thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đây là một bước tiến tích cực hướng tới giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Từ kết quả này, các bên cần sớm khởi động đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý. 

Việt Nam gia nhập ASEAN là một sự kiện quan trọng đối với tổ chức khu vực này.

ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam, là một trong các trụ cột của chính sách đối ngoại của Việt Nam. Các mối quan hệ cộng hưởng tạo ra môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, phục vụ cho an ninh và phát triển của nước ta những thập kỷ vừa qua.

Việt Nam là một thành viên chủ động và tích cực, đóng vai trò nòng cốt trong thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các nước lớn. Đồng thời, vai trò này, cũng như những đóng góp chiến lược và cụ thể của Việt Nam cho tổ chức, đã nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam, củng cố hòa bình, ổn định khu vực.

Các thành viên ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế kỳ vọng nhiều về tương lai phát triển và vị thế của Cộng đồng ASEAN trên trường quốc tế. 

Chúng ta vừa cần có một tầm nhìn toàn cục, vừa có cách tiếp cận thực tế, phù hợp với đặc điểm của tổ chức khu vực này và thực tiễn tình hình thế giới. Hướng về một Cộng đồng, nhưng cũng không quá kỳ vọng, hiểu rõ hiện thực khách quan liên quan đến Cộng đồng ASEAN và tình hình chính trị, kinh tế phức tạp tại khu vực chúng ta và trên thế giới trong những năm sắp tới. Phải thấy rằng tổ chức ASEAN là một thực thể của đời sống quốc tế, nó và các thành viên chịu tác động của các cường lực. Cộng đồng ASEAN cần điều chỉnh mục tiêu, biện pháp và bước đi cho phù hợp với thực tiễn. Trong trung hạn, cần lấy củng cố nội khối làm trọng tâm.

Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ động và tích cực như thời gian qua. Người dân nước ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ASEAN, phát huy hiệu quả vai trò trong ASEAN, vì lợi ích của khu vực và của chính Việt Nam./. 
 

TS. Nguyễn Ngọc Trường
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế
928 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1183
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1183
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87096347