|
Đại tướng Lê Đức Anh thăm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: VOV |
“Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều đóng góp rất lớn và hiệu quả, cùng với các đồng chí Bộ Chính trị (khóa VI, khóa VII và khóa VIII) đưa đất nước vượt qua những khó khăn nghiệt ngã và phát triển đi lên, nhưng lối sống, phẩm chất của Đại tướng luôn đậm chất Bộ đội Cụ Hồ. Cuộc sống từ bé cho đến khi vào quân ngũ, trở thành người đứng đầu Nhà nước, bác Sáu Nam vẫn rất giản dị và tiết kiệm, không phải tiết kiệm cho bản thân ông mà cho nhân dân, đất nước”, Đại tá Khuất Biên Hòa bắt đầu câu chuyện về nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Nhớ về những năm tháng làm việc cùng bác Sáu Nam, ông Hòa xúc động kể: “Phong cách của Đại tướng rất giản dị. Ông hay mặc bộ quần áo Tô Châu màu rêu đã sờn cũ, mùa Đông thì thêm chiếc áo len bên trong, khoác chiếc áo bông của quân đội phát. Khi có ngày lễ quan trọng, hoặc có đồng chí cán bộ của Trung ương sang làm việc hay thăm hỏi, trước đó 15 phút ông nói công vụ lên lấy bộ comple để ông mặc. Sau đó, ông ngồi đón khách trước giờ hẹn 5 phút”.
Căn nhà công vụ N8 (số 5, Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội) - nơi Đại tướng và Phu nhân ở từ mùa Đông năm 1986 đến nay, cũng như trong nhà riêng của Đại tướng ở TPHCM, từ bàn ghế, giường tủ đến các vật dụng khác đều cũ kỹ và đơn sơ.
Mỗi khi hè đến, những lúc ngồi ăn cơm, bác Anh đầm đìa mồ hôi. Trong khi đó chiếc máy lạnh của phòng ăn là loại máy cũ, mỗi lần khởi động phải sau 15 phút mới có hơi lạnh. Thấy vậy, ông Hòa nói với chị Nga (người phụ bếp) bật máy lạnh trước bữa ăn 15 phút để khi Đại tướng và Phu nhân dùng bữa sẽ không bị nóng. Nhưng chị Nga chỉ thực hiện được 2 lần. Khi bác Anh biết được việc này đã không cho bật máy sớm, ông bảo làm như vậy là tốn điện của Nhà nước.
Trong những năm tháng làm trợ lý giúp việc cho Đại tướng, có khá nhiều cuộc “vi hành” đường dài bằng xe hơi, những chuyến đi mà đối với ông Hòa là “không thể nào quên”.
Đại tướng là nguyên thủ quốc gia, tuổi cao, đã trải qua 2 lần tai biến, vậy mà Đại tướng bảo: “Không gọi xe cảnh sát có còi ủ dẫn đường. Không thông báo cho các đơn vị quân đội và các cơ quan, chính quyền địa phương trên dọc tuyến đường đi”. Những chuyến vi hành như thế, ông thường dặn trợ lý và cận vệ mang theo sữa, cam tươi, bánh mì, cơm nắm, nước suối. Tới giờ nghỉ trưa thì dạt xe vào tán cây bên đường chừng 30 phút để dùng “bữa ăn khô”, chứ không muốn phiền các đơn vị.
Ông Hòa kể: “Có lần bác Sáu Nam chia sẻ: Các tỉnh nằm trên đường mà ta chỉ đi qua chứ không có nội dung làm việc, nhưng lâu ngày thấy bác tới, các đơn vị quý thì đón tiếp. Nhưng tục lệ ở ta, cứ bí thư tỉnh tiếp thì cũng phải có phó bí thư, rồi chủ tịch và phó chủ tịch, chánh-phó văn phòng, đủ các ban bệ. Trong khi chỉ có bác cháu ta mà tốn kém 4-5 mâm cơm thì mang tiếng, mà tiền đó cũng do nhân dân đóng góp mà có. Như vậy thì không nên”.
|
Ngày 29/12/1994, Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (đợt 1), Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng duyệt đội danh dự tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: VOV |
Người đề xuất danh hiệu ‘Bà mẹ Việt Nam anh hùng’
Theo ông Khuất Biên Hòa, phong cách sống của Đại tướng Lê Đức Anh rất giản dị. Ông không thích nghi thức, mà cần những gì thiết thực để giải quyết công việc một cách hiệu quả. Mỗi khi đi công tác ở các địa phương, ông thường tranh thủ gặp gỡ, hỏi han người dân và cán bộ cơ sở để biết rõ tình hình xã hội và cuộc sống của đồng bào một cách thực chất và đúng đắn nhất.
Một lần vào Kiên Giang và Cần Thơ, Đại tướng phát hiện ở đây có nhiều người dân mất hết ruộng đất canh tác. Ông đã gặp người dân thì được biết, một số cán bộ có tiền muốn mua ruộng, đúng lúc gia cảnh gặp khó khăn nên người dân phải bán, thế là mất ruộng. Mà người nông dân cả đời gắn với ruộng đất, nay ruộng không còn thì lập tức rơi vào khốn khó.
Lúc đó, ông nói với cán bộ lãnh đạo tỉnh rằng, chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân. Vấn đề cốt lõi trong đường lối cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng ta là ruộng đất cho dân cày. Bây giờ giải phóng rồi, người nông dân lại phải cầm cố ruộng đất, cuối cùng bị mất ruộng vì không có tiền chuộc, lại trở thành người làm thuê trên mảnh ruộng đó của mình. Như vậy, mục tiêu của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ bị phá, bị xóa bỏ.
Là cán bộ đảng viên, nhưng từ chỗ không nhận thức rõ vấn đề cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ, trong đạo đức lối sống lại không chịu gột rửa tư tưởng tiểu nông, thì khi có quyền trong tay, hoặc là anh sẽ trở thành địa chủ, hoặc anh sẽ vô cảm, thấy nông dân mất ruộng là chuyện bình thường.
Hôm đó ông Tám Quýt, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nói: “Tôi sống sát với dân mà không hiểu dân!”. Ngay sau chuyến đi đó, Đại tướng về báo cáo đề xuất với Bộ Chính trị, được Bộ Chính trị chấp thuận, Chính phủ đã trích một khoản ngân sách để hỗ trợ cho các gia đình nông dân miền Tây Nam Bộ chuộc lại ruộng đất.
Dành thời gian đi thăm nhiều nơi, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh phát hiện ra một tình trạng khá phổ biến, đó là nhiều bà mẹ có con đi chiến đấu và hy sinh, bản thân mẹ thì nghèo đói. Ông hỏi cán bộ địa phương thì nhận được câu trả lời vì trên không có chủ trương nên địa phương không biết làm cách nào. Đại tướng đã đến tận phường, xã hỏi có bao nhiêu người vợ, người mẹ liệt sĩ thiếu đói. Ông tới thăm các bà mẹ thì thấy rằng, những người vợ, người mẹ có chồng, con hy sinh cho Tổ quốc nhưng lâu nay không ai chăm sóc.
Từ những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi ấy đã cho ông một cảm nhận là: Tuy đời sống vật chất có thiếu thốn nhưng các mẹ vẫn chịu được, dù sao vẫn không khổ bằng những năm chiến tranh, nhưng nỗi tủi cực về tinh thần, sự cô đơn giữa cộng đồng thì không ai chịu nổi.
Khi trở về Thủ đô, họp Bộ Chính trị, ông đã đề xuất việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Ông cho rằng, đối với sự chịu đựng và hy sinh của các bà mẹ cho Tổ quốc thì việc làm này là quá muộn, nhiều bà mẹ đã không còn nữa, nhưng muộn còn hơn không.
Được Bộ Chính trị đồng ý, ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh (số 36L/CTN)-công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.
Ngày 1/12/1994, Đảng, Nhà nước ta long trọng tổ chức lễ phong tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt 1 tại Hà Nội.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp đón và cùng các mẹ duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Trong khung cảnh đó, nhiều mẹ đã xúc động nghẹn ngào. Đi bên các mẹ, một lần nữa người đứng đầu Nhà nước khi đó không giấu nổi tình cảm của mình, nước mắt ông chảy dài trên má.
Sau các đợt phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, cả nước dấy lên phong trào nuôi dưỡng suốt đời các mẹ còn sống. Từ việc nuôi dưỡng các mẹ, sau đó phong trào phát triển lên, nhiều nhà hảo tâm đã xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ, tài trợ những gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, người hoạt động cách mạng…
“Đại tướng chính là người đã thiết kế, xây dựng nên một không khí, một nếp sống hết sức nhân văn của xã hội, của cộng đồng người Việt Nam. Điều đó cũng xuất phát từ đức tính giản dị, giàu lòng nhân ái và vô cùng trong sáng của con người Đại tướng”, ông Khuất Biên Hòa tự hào khẳng định.
|
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và người trợ lý - Đại tá Khuất Biên Hòa. Ảnh: VOV |
Không nâng đỡ người thân
Trong câu chuyện về nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta, Đại tá Khuất Biên Hòa luôn nhắc về ông với cụm từ một con người sống tình cảm và đáng tin cậy. Tình cảm của Chủ tịch nước Lê Đức Anh dành cho gia đình, cho các con và cho đất nước không có sự cách biệt, và trong mọi ứng xử ông luôn đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.
"Ông có 1 người con trai, 2 người con gái và 6 cháu nội-ngoại, nhưng Đại tướng không bao giờ tận dụng cương vị và các mối quan hệ xã hội của mình để nâng đỡ con, cháu. Đại tướng nói với các con phải tự mình rèn luyện, phấn đấu, cố gắng làm việc theo luật pháp, theo phẩm chất, nỗ lực của bản thân. Nếu bản thân làm tốt, có phẩm chất tốt thì các cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ dung nạp, chứ không có chuyện xin xỏ, gọi điện, thư tay này kia…”, Đại tá Khuất Biên Hòa kể.
Có lần ông Lê Hữu Độ, anh ruột của Đại tướng Lê Đức Anh lặn lội từ Thừa Thiên-Huế ra Hà Nội thăm và có lời nhờ vả người em trai lúc đó đang là Chủ tịch nước: “Chừ thằng con đầu của tôi đã tốt nghiệp đại học, có bằng kỹ sư; má vợ nó bên Gia Lâm lại cho vợ chồng nó một miếng đất cất nhà và định cư. Nay nhờ chú kiếm cho cháu một chỗ làm ở quanh Hà Nội cho tiện đi về và chăm sóc vợ con”.
Đại tướng Lê Đức Anh liền nói: “Em mừng cho anh chị, mừng cho cháu! Còn nơi làm việc thì anh nhủ cháu cứ rèn luyện và phấn đấu cho tốt, khắc có cơ quan, xí nghiệp thu nạp”. Nghe xong, ông Độ giận dỗi và lập tức bỏ về quê. Mãi sau người em gái út mới biết chuyện và khuyên ông Độ: “Anh lạ gì tính của ảnh nữa, ngay con ruột của mình, cả 3 đứa đều tự thân vận động đó mà. Thôi anh ơi! Nhà mình 9 anh chị em, nay còn có 4, càng thương nhau thì càng phải thông cảm cho anh ấy đi anh!”. Và sau buổi đó, ông Độ mới hết giận người em trai.
Năm 2003-2004, báo chí công bố quy hoạch “Khu chính trị Ba Đình”, cùng lúc Bộ Quốc phòng bàn giao Khu di tích Điện Kính Thiên-Cửa Bắc-Lầu Công chúa cho Sở Văn hoá Hà Nội, đồng thời xây dựng cơ quan Bộ ở bên đường Nguyễn Tri Phương. Lúc đó, Cục Hậu cần của Bộ tổng Tham mưu cũng xây cất hai ngôi nhà 4 tầng bên bờ Hồ Tây để phòng khi phải bàn giao khu nhà khách T66, nơi có căn N8, thì sẽ mời đồng chí Lê Đức Anh và Bộ trưởng Phạm Văn Trà di chuyển ra đây ở.
Nhưng khi biết chuyện, bác Anh nói: “Từ lâu nay quân đội đã có quy định mỗi cán bộ chỉ hưởng một suất nhà-đất. Tôi đã được cấp nhà từ sau giải phóng miền Nam. Tôi không thể nhận thêm cái thứ hai. Khi nào Hà Nội thu nhà công vụ này thì tôi vào nhà tôi trong TPHCM”.
Theo người trợ lý, nhiều người cho rằng bác Lê Đức Anh nghiêm khắc, khó gần, nhưng thực ra, ông sống rất tình cảm và mọi ứng xử rất nhân văn. Đại tướng là người thận trọng, kiệm lời, chứ không vồ vập. Mỗi khi trao đổi với ai, ông thường thu thập thông tin nhiều chiều, phân tích, tổng hợp, sau đó trao đổi với họ rất thận trọng.
“Khi tôi làm trợ lý kiêm thư ký phục vụ bác Sáu Nam, bác nói: Chú dặn bảo vệ tiếp cận và các cháu cảnh vệ, riêng cửa số 5B Hoàng Diệu luôn luôn mở rộng để đón mọi người, từ người lao động bình thường như ông đạp xích lô hay cán bộ các ngành, các địa phương, không phân biệt đẳng cấp. Tôi không quan cách, phân biệt ai cả”, Đại tá Khuất Biên Hòa nói và nhấn mạnh, con người Đại tướng là như vậy, đối với cấp dưới, đối với nhân dân, ông luôn đối xử bằng thứ tình cảm yêu thương, trân trọng và gần gũi nhất, đó là tình cảm giữa con người với nhau, không phân biệt giai cấp, sang hèn.
(theo VOV)