Về Quảng Trị, về với lịch sử 

6 năm trước, trong lần vào công tác ở tỉnh Quảng Trị, tôi được anh Hòa (khi đó là Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị) ghé tai nói “Giao lưu các tỉnh từng là “Kinh đô” mà thiếu tỉnh Quảng Trị thì thật không công bằng”.

Nghe tưởng là nói vui nhưng nhìn vẻ mặt “nghiêm túc” của anh, tôi hỏi lại “Tôi thật chưa hiểu?”. Anh Hòa nói chắc “miền đất Quảng Trị này không chỉ có 1 lần mà tới những 3 lần được chọn làm đất đóng đô đó”.

Nắng từ Gio Linh nắng qua Cam Lộ/ Nắng ghé Đông Hà nắng tới Khe Sanh”. Một ngày có lẽ là nắng nóng nhất trong tháng, tôi vô Quảng Trị. Quả tình miền đất đầy nắng với gió Lào này, sự gian nan vất vả thật không nơi nào sánh được. Quả tình miền đất đầy nắng với gió Lào này sự hy sinh cũng chẳng nơi nào sách được.

Trên miền đất nắng lửa này, sự khắc nghiệt của thiên nhiên cộng với sự khốc liệt của những cuộc chiến tranh đã làm con người thêm dạn dày hơn, thêm nghị lực hơn. Những ai từng đến và từng sống trên miền đất này hẳn không thể không có trong mình một điều chung: Đó là niềm tự hào về miền đất hào hùng Quảng Trị.

Cổng thành Tân Sở.
Một góc thị trấn Ái Tử.

Nhân Trung tá Hồng lên Đồn biên phòng Lao Bảo công tác, tôi quyết định đi nhờ xe tới Cam Lộ. Câu chuyện nghe được từ anh Hòa 6 năm trước đã khiến tôi, trong lần vô Quảng Trị này, phải có được “câu trả lời”. Chặng đường từ thành phố Đông Hà tới thị trấn Cam Lộ chỉ có 12km vậy mà ánh nắng chang chang trắng mặt đường số 9 làm tôi có cảm tưởng như nó dài gấp đôi gấp ba vậy.

“Thủ đô” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam

Thị trấn Cam Lộ đây rồi, ngay bên trái đường, theo hướng lên Lao Bảo, tôi dễ dàng nhận ra tấm biển sơn xanh với dòng chữ trắng nổi bật “Di tích lịch sử Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” (CMLTCHMNVN). Đó chính là “địa chỉ” tôi tìm đến. Nắng soi trắng từng mái nhà nên phố xá tầm này rất vắng.

Theo chỉ dẫn từ tấm biển, tôi khoác máy ảnh nhễ nhại mà đi. Cũng may, khu di tích Chính phủ CMLTCHMNVN ở ngay gần đó nên tôi nhanh chóng tới nơi. Một khu nhà cấp 4 dường như còn nguyên vẹn như cách đây 46 năm nằm tĩnh lặng dưới nắng. Bước qua cánh cổng được mở sẵn, tôi vào trong, việc đầu tiên là đến trước tấm bia lớn bằng đá đỏ, bên trái có hình lá cờ của Chính phủ CMLTCHMNVN và phía dưới được khắc những dòng chữ màu vàng.

Khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tôi nhắm mắt hồi lâu. Tôi im lặng hồi lâu. Từ rất xa, rất xa, trang sử hào hùng bồi hồi trở về náo nức. Sau những tháng ngày của “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, sau những trận chiến ác liệt, 2/3 tỉnh Quảng trị đã được giải phóng. Vùng đất này đã liên thông với khu căn cứ cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế và vùng giải phóng Hạ Lào rộng lớn, đặc biệt tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Quảng Trị trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao...

Đặc biệt, sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), để tạo ra bộ mặt mới về trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam, thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ CMLTCHMNVN đã quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa (nay thuộc thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng trị) làm nơi đặt trụ sở làm việc.

Cũng chính tại trụ sở này, vào cuối năm 1973, các đồng chí lãnh đạo của các nước anh em, trong đó có đồng chí Fidel Castro - Chủ tịch Đảng Cộng sản Cuba, đồng chí Jorger Marsel - Bí thư Đảng Cộng sản Pháp đã đến thăm và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân miền Nam.

Thủ phủ đầu tiên của chúa Nguyễn

Mẹ thương con ra cầu Ái Tử/ Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu” câu hát dân gian ấy có mấy ai không nhớ. Câu hát nửa có tính chơi chữ lại nửa nhuốm màu dã sử ấy có mấy ai nghe rồi lại không muốn nghe thêm. Lần đầu tiên tôi được biết đến cây cầu Ái Tử là dạo hè năm 1993. Khi đó tôi vào Quảng Trị công tác. Một cây cầu nhỏ, bằng bê tông cốt thép đã bị xuống cấp nhiều bởi chiến tranh và bởi thời gian. Cầu Ái Tử nằm ngay trên quốc lộ 1, phía Bắc thị trấn Ái Tử.

Ái Tử hiện nay là thị trấn huyện lị của huyện Triệu Phong, một huyện ven biển thuộc tỉnh Quảng Trị. Huyện nằm về phía Đông Nam và trải ngang như một tấm khăn chùng.

Chuyện xưa kể lại: Theo sự gợi ý của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng đã cùng các họ tộc Lê, Nguyễn, Trịnh, Hoàng, Đặng, Bùi... vào Thuận Hóa dựng lại cơ đồ. Chuyện xưa kể rằng: Đoàn thuyền của chúa Nguyễn Hoàng sau khi đổ bộ lên bãi biển Cửa Việt đã nhằm hướng Nam mà đi. Và chúa đi tới vùng Ái Tử hiện nay thì dừng lại, ngài đã chọn Ái Tử làm dinh trấn, gắn bó với vùng đất này cho đến lúc qua đời vào năm 1613.

Đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát mới đưa chính dinh vào Phú Xuân (Huế) nên Ái Tử mới thành... cựu dinh. Với vị thế đó, Ái Tử đã từng rất hưng thịnh. Ái Tử cũng đã từng được chúa Nguyễn dựng chùa Tịnh Quang, sau đó được phong là sắc tứ Tịnh Quang (ngày nay gọi là chùa Sắc Tứ), từng được vua nhà Nguyễn ban sắc dụ làm Quốc tự.

Chỉ tiếc rằng, lại chỉ tiếc, do thời gian, do chiến tranh và do những “mặc cảm” cùng sự “phân biệt” mà ở Ái Tử bây giờ không giữ được dấu tích nào. Hy vọng sắp tới đây tỉnh Quảng Trị sẽ có những “hành động” cụ thể để tri ân những người đi trước.

Đất phát khởi Phong trào Cần vương

Về gần trưa, nắng Cam Lộ trở nên gay gắt. Tôi hất ngược chiếc mũ vải về phía sau lưng và khom người để cố thu vào ống kính máy ảnh toàn bộ khu nhà chính của di tích trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN thì có tiếng người nhỏ nhẹ nói bên cạnh: “Nhà báo có đi thành Tân Sở không?”. Tôi bấm máy rồi ngẩng đầu lên: “Đi thành Tân Sở?”. Anh Thành, tên người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, da rám nắng, nói như biết tôi sẽ đi: “Ra xe em chở”.

Thú thực tôi chưa hiểu lắm người đàn ông chạy xe ôm này có ý định gì khi hỏi tôi về địa danh mà tôi lần đầu nghe đến. Đang làm ra vẻ cất máy ảnh kiểu hơi lâu lâu để thêm thời gian kiểm chứng thì anh Thành lại nói: “Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương đó”. Ôi, thực là may mắn. Tôi vội hỏi: “Tới Tân Sở bao xa?”. “Thì xa gì đâu, cách 7km thôi. Đường chạy xe ngon mà”.

Di tích căn cứ thành Tân Sở thuộc làng Mai Đàn, xã Cam Chính, thuộc vùng đất đỏ Cùa, huyện Cam Lộ. Di tích thành Tân Sở hiện nay ở ngay bên con đường mới được mở và được thảm bê tông nhựa, đường dẫn tới nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Một khu thành với dấu tích tường thành bằng đất không cao lắm, chừng hơn mét và khu cổng thành khá uy nghi (hình như mới được phục dựng) kề một vạt đồi và trông ra những thửa ruộng.

Thả hoa đăng bên bờ sông Thạch Hãn. Ảnh: Đông Hà.

Dưới nắng hè chói chang, những cây lúa vẫn vươn lên xanh ngát. Anh Thành cho hay: “Tân Sở xưa vốn là một vùng đất kín đáo và xa cách với trung tâm các sở lị. Bao quanh bốn phía là các đỉnh núi, dãy đồi tự nhiên như tạo ra một vòng thành khép kín nhưng lại rất thuận lợi cho việc giao lưu với miền xuôi.

Các mặt thành đều có những con đường thượng đạo dẫn qua Lào và ra Bắc phòng khi rút lui, vì vậy nơi đây được chính quyền quân chủ phong kiến qua các thời kỳ chọn làm đồn trấn ải biên giới, gọi là “Nha sơn phòng”. Đến năm 1883 thì đổi thành Sơn phòng Quảng Trị hay còn gọi là thành Tân Sở”.

Tôi lục tìm trong chuyện cũ và được biết: Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta (năm 1858), Triều đình nhà Nguyễn sau một thời gian chống cự yếu ớt, đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, nội bộ triều đình nhà Nguyễn lục đục, chia bè phái. Trong đó phái chủ chiến kiên quyết đánh Pháp đứng đầu là Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết, quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường.

Năm 1883, trước sự uy hiếp của quân đội Pháp, Huế không còn là kinh đô an toàn cho quan quân triều Nguyễn. Đứng trước nguy cơ mất nước, kinh thành bị uy hiếp, phái chủ chiến đã bí mật tổ chức sơn phòng ở các tỉnh để chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Một “kinh đô dã chiến” đã được khẩn trương xây dựng ở Tân Sở để làm nơi trú ẩn cho vua và triều thần khi hữu sự.

Sau sự kiện binh biến đêm 23-5 Ất Dậu (1885) tại kinh thành Huế do phái chủ chiến tiến hành đánh úp quân Pháp bị thất bại, vua Hàm Nghi cùng các quan đại thần của phái chủ chiến và đoàn tùy tùng xa giá ra Tân Sở. Tại Tân Sở, ngày 13-7-1885, thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân phò vua đánh Pháp. Tân Sở trở thành “Kinh đô kháng chiến” của phong trào Cần Vương.

Tôi ngước nhìn lên vòm trời xanh ngắt, trời Quảng Trị chợt mênh mang lạ. Những đám mây trắng bồng bềnh bồng bềnh như ngưng lại. Từ rất xa, rất xa, những thanh âm chiến trận dồn về. Tiếng vó ngựa phi. Tiếng binh đao va vào nhau. Tiếng súng ầm ầm. Tiếng người hò reo vang dội.

Từ rất xa, rất xa, những ánh mắt, những nụ cười hiện ra như mách bảo “Miền đất đầy nắng đầy gió này quá đỗi hào hùng”.

Nguyễn Trọng Văn

1949 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 775
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 775
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87061520