Đúng 17 giờ, Phạm Thị Chung (sinh năm 1994) ở thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải, huyện Gio Linh bốc máy gọi cho tôi: “30 phút nữa anh có mặt để cùng đi bắt rầy mốc với tụi em nhé. Anh nhớ tới đúng giờ vì chỉ bắt được trong thời gian ngắn thôi”. Tôi lập tức cầm theo máy ảnh rồi lên xe đến nơi đã hẹn…
Sau vài phút đi bộ, chúng tôi có mặt tại Cồn Vèng, cách nhà Chung không xa. Đây là bãi đất khá bằng phẳng, giáp với đồng ruộng. Tại đây, ngoài nhóm chúng tôi còn có rất nhiều những tốp khác cũng đến từ sớm để đợi bắt rầy mốc. Mỗi người mang theo dụng cụ của riêng mình gồm: một cái vợt có cán dài, một túi vải và một cái đèn pin.
Chung và mẹ không dùng vợt mà chỉ cầm mỗi túi vải vì nhà Chung có giăng lưới từ tối hôm trước. Tấm lưới cũ dài chừng 5 mét được Chung tận dụng giăng qua 2 gốc cây để bẫy rầy mốc. Chưa từng đi bắt rầy mốc bao giờ nên tôi khá tò mò. Chung nói: “Người dân quê em chỉ bắt rầy mốc vào quãng tháng 2 âm lịch thôi. Mặc dù rầy có nhiều, đến hết tháng 3 vẫn còn nhưng chúng em chỉ bắt khoảng hai tuần đầu tháng 2. Sau đó, trong bụng con rầy có túi dịch chuyển sang màu đỏ, người già gọi là “rầy m.á.u” nên chúng em không bắt nữa. Ở thôn em, từ người cao niên đến trẻ nhỏ đều tham gia bắt rầy mốc, vừa vui, vừa có thêm món ăn ngon nên ai cũng thích đi”.
18 giờ 30 phút, mặt trời khuất sau bóng núi, chỉ còn lại ánh sáng yếu lúc chạng vạng. Trong không gian yên ắng, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng vù vù đập cánh của những con rầy mốc. Rầy bay ở khắp mọi nơi. Sau vài vòng nhào lộn, chúng sà xuống các cành cây, bụi cỏ và mắc vào những tấm lưới được giăng mắc sẵn. Bấy giờ “đội quân” bắt rầy mới ra tay. Những người có vợt chạy theo để chụp rầy. Cũng có khi chỉ cần đứng yên là rầy tự sà xuống sát gót chân. Chiếc đèn pin bây giờ phát huy tác dụng. Gặp ánh đèn, lũ rầy mốc bay mỏi sẽ lao tới. Rầy mốc có hình dạng hơi giống con bọ hung nhưng to hơn, cỡ ngón tay cái người lớn với thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm.
Chung và mẹ không dùng vợt, mỗi người cầm một túi vải đi dọc theo tấm lưới cũ được giăng với chiều cao khoảng 1,5-2m để gỡ những con rầy ra khỏi lưới. “Chân rầy mốc rất cứng và sắc nên mỗi lần gỡ là sẽ rách lưới. Vì vậy, chỉ có thể dùng những tấm lưới cũ để bẫy. Dùng lưới thế này bắt được nhiều rầy hơn chụp bằng vợt”, Chung bật mí. Dưới màn trời đen đặc, đứng từ Cồn Vèng nhìn ra Cồn Nôốc, Cồn Nậy, tôi thấy vô số ánh đèn pin lia theo hướng những con rầy mốc vù vù bay. Tiếng cười nói, í ới gọi nhau “khoe chiến tích” rộn ràng cả một vùng. Việc bắt rầy mốc cũng tùy theo may rủi, hôm ít hôm nhiều. Có hôm Chung cùng mẹ bắt được hơn 200 con nhưng nhiều tối chỉ bắt được vài chục con.
19 giờ hơn, chúng tôi trở về nhà Chung. Tối nay, Chung và mẹ bắt được 100 con rầy mốc. Lũ trẻ trong nhóm háo hức được thưởng thức món rầy mốc. Rầy mốc mang về được rửa sạch, bỏ đi phần chân, đầu, cánh và đuôi, chỉ để lại phần thân mềm. Tiếp đó, nhét hạt lạc rang vào bụng con rầy rồi chiên giòn trên dầu nóng. Chừng nào ngữi thấy mùi thơm là tắt lửa. Con rầy mốc chiên giòn được quấn lá bầu non, chấm với muối ớt, tiêu xanh. Bên trong lớp vỏ giòn tan là vị thịt béo ngậy, cộng thêm vị thơm ngọt của lá bầu tươi. Ai cũng gật đầu khen ngon.
Theo các bậc cao niên, thú vui bắt rầy mốc có từ xa xưa, không ai nhớ rõ. Từ lâu lắm rồi, cứ đến tháng 2 âm lịch hằng năm, khi ấu trùng rầy từ dưới đất lột xác chui lên thành những con rầy mốc bay vù vù khắp cành cây, bụi cỏ là người dân vùng Đông Gio Linh lại rủ nhau đi bắt rầy mốc. Không chỉ phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân, thú vui bắt rầy mốc còn giúp gắn kết cộng đồng, mang lại niềm vui, tiếng cười rộn rã nơi làng quê yên bình vốn có.