Về đường 9 - Khe Sanh 

SKĐS - Lần này đoàn cựu chiến binh chúng tôi trở lại con đường 9 - Nam Lào với bao kỷ niệm không thể nào quên, bên mỗi tấc đất ngọn cỏ cùng ngã ba Khe Sanh khốc liệt một thời.

Lần này đoàn cựu chiến binh chúng tôi trở lại con đường 9 - Nam Lào với bao kỷ niệm không thể nào quên, bên mỗi tấc đất ngọn cỏ cùng ngã ba Khe Sanh khốc liệt một thời. Ðiểm đầu tiên xuất phát đó là con sông Sê Pôn chảy từ dãy núi phía Tây Trường Sơn, bao quanh 8 xã biên giới Lào Việt dài 30 cây số, rồi hòa vào sông mẹ Mê Kông hùng vĩ.

Tượng đài chiến thắng Khe Sanh.

Tượng đài chiến thắng Khe Sanh.

Cuộc hành quân bí mật - 1968

Nơi xuất phát là nhà tù Lao Bảo, hay xưa còn gọi là “nhà đầy” Lao Bảo, nay là một địa chỉ được công nhận là di tích lịch sử. Tại đây đã diễn ra một ý tưởng táo bạo, tấn công giặc Mỹ Ngụy mở màn cho chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Đó là cuộc tập kích vào khu căn cứ Làng Vây - Khe Sanh và sân bay Tà Cơn, năm 1968. Khu tập kết của đoàn quân giải phóng được hội tụ về đây, qua cuộc hành quân thần tốc hơn 1.000 cây số trên dãy núi Trường Sơn; Bắt đầu từ Hòa Bình đến ngã ba đường 9, Nam Lào thì dừng chân. Kẻ thù không thể tưởng tượng được rằng, nơi địa ngục trần gian này là điểm phát nổ bí mật. Ngày đó, sông nước Sê Pôn vừa vào thời điểm dâng cao. Mùa xuân năm 1968. Sóng reo òa từ phía bên Lào ào ạt cuộn về với nỗi hờn căm khôn xiết. Các chiến sĩ tập họp dưới rặng cây Ngô Đồng, nơi bọn Pháp đã từng tra tấn chiến sĩ cách mạng hồi 1930. Mỗi tấc đất chiến địa Lao Bảo đều thấm máu đồng bào và các đồng chí lãnh đạo. Những tiếng kêu thét âm vang như thôi thúc mỗi trái tim chiến sĩ trước khi vào trận. Hàng trăm chàng trai cô gái Vân Kiều, mang họ Hồ sẵn sàng cùng đoàn quân vận chuyển vũ khí và xe tăng dưới lòng sông Sê Pôn, bí mất tiến về Khe Sanh.

Rời nhà đầy Lao Bảo, hàng trăm con thuyền lớn nhỏ thầm lặng trôi theo ven sông Sê Pôn như những đoàn rồng cuồn cuộn về xuôi. Kẻ địch không thể tưởng tượng ra cuộc hành quân này. Chúng giăng cái bẫy ở vùng Tam giác điện tử (Khe Sanh) để đưa quân ta vào tử trận, bởi đây là con đường bộ độc nhất nếu đại quân ta muốn tấn công. Đường núi hiểm trở. Đường 9 ngày đó còn nhiều chốt điểm gác của chúng rải rác khắp nơi. Chúng ngỡ sẽ kiểm soát được từng bước tiến quân của ta đến chiến địa Khe Sanh. Và cái bẫy đầu tiên là Làng Vây. Một trận địa với vũ khí hiện đại Làng Vây thì đúng hơn. Lợi thế trên cao và rộng khắp, được bố trí những ụ súng kiên cố, cùng những con mắt thần. Ba gọng kìm sẽ xiết chặt khi các cánh quân đội ta lọt vào tầm ngắm. Đặc biệt, khi đó tại điểm chốt quân sự lớn sân bay Tà Cơn, chúng sẽ cất cánh thả bom, tiêu diệt quân ta trong thời gian ngắn. Đó là tư duy chiến thuật “Khe Sanh của chúng và đinh ninh sẽ chiến thắng, trong bất kể tình huống tấn công nào của quân đội ta”.

Cửa khẩu Lao Bảo.

Cửa khẩu Lao Bảo.

Nhưng chúng đâu ngờ, quân đội ta chuẩn bị chiến thuật lớn, tiến công bằng binh đoàn thiết giáp. Đó là điều bí mật mà chúng không thể tưởng tượng nổi, khi quân đội ta điều được những chiếc xe tăng, từ Bắc vào Nam. Đây là một chiến thuật không tưởng vì nếu bình thường, khi những chiếc xe tăng xuất hiện ngay từ đầu đường 9, lập tức sẽ bị phát hiện sớm. Con đường lại độc đạo. Đoàn thiết giáp dễ dàng bị chặn lại, với những chuyến phi cơ ném bom dữ dội, chẳng có thể phát huy. Thậm chí đoàn quân dễ bị vùi dập trong chốc lát. Vậy mà quân đội nhân dân ta đã làm được. Bà con Vân Kiều, Pa Kô cùng bộ đội vận chuyển những chiếc xe tăng, được tháo rời từng bộ phận, âm thầm trong đêm tối tiến về chiến địa Làng Vây. Trong đoàn cựu binh chúng tôi, có người đã từng tham gia chiến dịch Khe Sanh vẫn còn chưa hết ngạc nhiên về sự kiện kỳ lạ ngày đó. Ông kể, cả một đoàn quân chuyển dịch dưới sông Sê Pôn, với những con thuyền của đồng bào Vân Kiều và Pa Kô. Mỗi con thuyền chở một thiết bị. Nào là thuyền chở xích, thuyền chở nòng pháo, thuyền chở đạn... Những con bè lớn thì chở thân xe thiết giáp. Cùng với đó là những con đường ngầm bí mật vượt sông Sê Pôn và sông Sê Păng Hiêng, đêm đi ngày nghỉ, bảo dưỡng máy móc và vũ khí. Cả binh đoàn tăng 198 lặn lội trong đêm, dưới sông kéo những con thuyền trôi bên mép bờ, mọc đầy cây hoang dại.

Cuộc tấn công thần tốc nhanh hơn cả hàng rào điện tử

Đi cùng với đoàn cựu chiến binh còn có nhà giáo người Vân Kiều, ông Hồ Xuân Long, ở tại thị trấn Khe Sanh. Ông cũng là người chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng và thần tốc của quân đội ta ngày ấy khi tấn công bất ngờ vào chiến địa Làng Vây. Ông nhớ lại, đó là đêm ngày 6/2/1968, bộ binh và xe thiết giáp của quân đội ta đồng loạt tấn công, đã gây bất ngờ cho Mỹ Ngụy. Chúng hoảng hốt khi thấy xe tăng của ta đột ngột xuất hiện cùng những nòng pháo bắn xối xả vào những ụ súng, làm tơi tả cửa hầm. Đó là một bất ngờ quá lớn đối với chúng vì không thể tưởng tượng vì sao quân đội ta có xe tăng tham gia tấn công. Những thiết bị của hàng rào điện tử không sao phát hiện được. Chúng không hề kịp trở tay và bị bắn phá dữ dội đồng loạt cả từ ba phía, nên bỏ chốt hào chạy tháo thân. Quân ta tiếp tục truy quét, chiếm lĩnh các vị trí chiến thuật quan trọng nhất và đến 10 giờ sáng ngày 7/2/1968, hoàn toàn chiếm lĩnh được trận địa Làng Vây. Đây là chiến thắng đột phá khẩu làm đà cho cuộc đánh cấp tập vào trận địa Khe Sanh trong thời gian ngắn. Đó cũng là chiến công khởi nguồn cho cuộc nổi dậy, Tổng tiến công Mậu Thân - 1968 của toàn mặt trận miền Nam nước ta; cũng như chiến thắng của quân và dân ta tiêu diệt quân Mỹ Ngụy, trong chiến dịch Lam Sơn (Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào) sau đó, vào năm 1971. Và, đây cũng là bàn đạp thần tốc cho binh đoàn thiết giáp trong cuộc tổng tiến công của chiến dịch thành phố Hồ Chí Minh (30/4/1975).

Nữ dân chiến sĩ người Pa Kô tham gia chiến dịch.

Nữ dân chiến sĩ người Pa Kô tham gia chiến dịch.

Sau khi vào khu di tích sân bay Tà Cơn, với những mô hình thực địa còn được giữ lại sau nửa thế kỷ qua (1968-2017), chúng tôi bồi hồi xiết bao. Đó là chiếc máy bay cánh quạt đã bị quân đội ta bắn rơi ngay từ khi mới cất cánh. Và kia là kho đạn đã bị bắn nổ tung khi bị trúng trọng pháo của ta bắn ngay từ trận địa Làng Vây mới chiếm lĩnh được. Đây đó những vết dầu loang và rỉ hoen trên vỏ bom còn chưa kịp mở kíp nổ. Nhà bảo tàng ghi dấu bao cảnh chạy tán loạn và khiếp vía của Mỹ Ngụy. Chúng tôi bồi hồi đứng trước những bàn phù điêu mô tả sự đóng góp của đồng bào Vân Kiều và Pa Kô ngày ấy. Gian khổ biết bao nhưng các cô gái, chàng trai vẫn kiên trì bám trụ, khênh vác những viên trọng pháo và lặn ngụp dưới sông Sê Păng Hiêng. Đến đây ai cũng được nghe bài hát Tiếng đàn Ta Lư của nhạc sĩ Huy Thục. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ có mặt tại chiến dịch Khe Sanh ngày ấy. Tiếng đàn, tiếng hát của chiến sĩ đã vang lên như bản hòa tấu chiến thắng, giải phóng hoàn toàn đất nước.

Chiếc loa ở giữa ngã ba Khe Sanh, bên tượng đài “Chiến thắng” vang vang với những lời ca rộn ràng: “Đàn em reo ca. Tiếng đàn Ta Lư. Rừng núi quê ta. Tưng bừng reo ca... Tính tính, tính tang, tang tình... Ơi chim Chơ rao xinh hót trên cành vui mừng công anh...”. Chúng tôi nghe như sóng nước Sê Pôn đang trào dâng. Và nhớ vào mùa xuân năm ấy, sóng nước con sông hữu nghị Việt Lào cuộn trôi, với những âm thanh hào hùng; cùng những bước hành quân thần tốc của các chiến sĩ Giải phóng quân, đem lại chiến thắng vang dội Khe Sanh.

Vẫn còn đó dàn đồng ca người lính

Khe Sanh là hình ảnh bất tử trong mỗi chiến sĩ và người dân Quảng Trị. Giá trị của chiến thắng chiến dịch năm 1968 như tiếng kèn hiệu lệnh mãnh liệt nhất khởi động cho cuộc chiến đấu cứu nước, dẫn tới giải phóng hoàn toàn đất nước. Tính đến nay, nhiều văn nghệ sĩ đã đến đây để sống lại những ký ức hào hùng một thuở. Khe Sanh đã hai lần chiến thắng, vào các thời điểm 1968 và 1971, đã trở thành đề tài bất tận cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Ta thấy nổi bật những cái tên như Huy Thục, Lê Lan, Văn Dung, Tường Vy, Trần Hoàn, Văn An, Huy Du... Ngoài nhạc sĩ Huy Thục với ca khúc hay và nổi tiếng như Tiếng đàn Ta Lư, thì Hoàng Hiệp lại ghi dấu ấn sâu sắc với ca khúc Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, phổ thơ Phạm Tiến Duật. Đây là ca khúc trở thành thương hiệu cho Phạm Tiến Duật, khi anh đoạt giải Nhất cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ năm 1969. Ngày đó trên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam luôn luôn vang lên ca khúc này. Hàng triệu người nghe đều thuộc những lời ca thân yêu, ghi dấu hình ảnh lãng mạn trong cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc ta, mà Khe Sanh là tiêu biểu, nhất là những câu: “Từ nơi em đưa sang nơi anh. Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến. Như tình yêu nối dài vô tận. Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn…”.

Di tích Tà Cơn.

Di tích Tà Cơn.

Riêng nhà thơ Hữu Thỉnh lại tạo nên sự lạc quan qua hình ảnh 5 anh em trên một chiếc xe tăng do Doãn Nho phổ nhạc. Bên cạnh đó còn nhiều nhà văn nhà thơ cũng tạo nên những tác phẩm để đời về mảnh đất đầy máu lửa này. Cho đến nay, những chiến sĩ và đồng đội của chúng tôi vẫn không thể quên những ngày tháng khốc liệt đem lại chiến thắng huy hoàng nhất trên mảnh đất Khe Sanh. Mỗi lần trở lại nơi đây, cảm xúc luôn luôn trào dâng và rạo rực như ngày nào. Đó là sự trở về với đất mẹ - nơi đã để lại những giọt mồ hôi và máu quên mình vì quê hương đất nước. Đúng như lời hát mà NSND Thu Hiền đã hát: “Từ Khe Sanh ta đi về Cửa Việt. Từ Ô Lô ta ra bến Nhị Hồ… Đẹp biết mấy mảnh đất quê nhà… Quảng Trị mình cất cánh vút bay. Vọng đâu đây tiếng gọi Khe Sanh…”. (Trần Hoàn).

Bài và ảnh: Mạnh Trung

2061 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 433
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 433
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86192973