Vẻ đẹp chói lọi của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười  

Cách đây 104 năm, ngày 7/11/1917, khát vọng được giải phóng, được làm chủ xã hội, làm chủ cuộc sống của Nhân dân lao động Nga đã được ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin soi rọi, thức tỉnh, làm nên cuộc cách mạng vĩ đại “rung chuyển thế giới”, mở ra một thời đại mới, thời đại nhân dân lao động làm chủ, không còn chế độ người bóc lột người.

Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga nổ ra thắng lợi, đánh dấu bước đột phá vĩ đại mở đầu thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Với tầm vóc lịch sử lớn lao đó, Cách mạng Tháng Mười không chỉ làm đảo lộn sâu sắc bức tranh toàn cảnh nền chính trị thế giới đương đại, mà còn đặt nền móng hiện thực cho xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội như một tất yếu khách quan, không thể bị đảo ngược. Theo ý nghĩa lịch sử ấy, nhân loại đã khẳng định Cách mạng Tháng Mười là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới và là một sự kiện nổi bật nhất trong thế kỷ 20 mà cụ Phan Bội Châu gọi là “Cách mạng thế giới”.

Từ Cách mạng Tháng Mười, thời đại mới của cuộc sống nhân loại đã mở ra, thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa và giải phóng dân tộc, thủ tiêu chế độ tư hữu, xây dựng xã hội mới không còn áp bức và chiến tranh. Sự kiện Cách mạng Tháng Mười lấp lánh một vẻ đẹp chói lọi của xã hội tương lai. Cách mạng Tháng Mười là “cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong lịch sử loài người, lần đầu tiên trên thế giới chính quyền đã từng trong tay một thiểu số người bóc lột chuyển sang tay đa số người bị bóc lột”. Cách mạng Tháng Mười là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng một phần sáu thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin, của những ước mơ cao đẹp của loài người.

Cách mạng Tháng Mười có ảnh hưởng hết sức to lớn và mang tính quyết định đến sự chuyển biến tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người đã sớm khẳng định con đường giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong đó có Việt Nam - con đường của Cách mạng Tháng Mười, đồng thời đã có sự lựa chọn dứt khoát đi theo V.I.Lênin, tin theo Quốc tế III rồi trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, người cộng sản Việt Nam đầu tiên (năm 1920).

Tin theo V.I.Lênin, tin theo Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1).

Ở nước ta, Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ yêu nước lỗi lạc đi tìm đường cứu nước đầu tiên được biết sự kiện vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười rồi dần tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi đúng quỹ đạo của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu gian lao vất vả các cuộc cách mạng ở nhiều nước tư bản phát triển, cụ thể là cách mạng tư sản Mỹ 1776, cách mạng tư sản Pháp 1789 và những cuộc đấu tranh của các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, số phận của những người lao động đã có sự thay đổi căn bản. Người viết: Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người... mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử.

Đối với Cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười là tiếng sấm báo hiệu mùa xuân, là mặt trời chói lọi. Về sự cần thiết của Cách mạng Tháng Mười đối với nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhờ Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người cách mạng Việt Nam đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sự sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó tựa như người đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”.

Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” Hồ Chí Minh đã nhận xét rằng: “Cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư bản là chưa phải cách mệnh đến nơi”. Với Đại cách mệnh Pháp, Hồ Chí Minh phân tích “trong ba lần Cách mệnh Pháp 1789, 1848, 1879 đều vì dân, can đảm nhiều, nhưng vẫn không đến nơi”. Hai cuộc cách mạng này tuy đã là hai sự tiến bộ lớn trong đời sống xã hội loài người nhưng chính quyền vẫn ở trong tay một thiểu số, trong vua quan, trong bọn tư sản; đông đảo người dân vẫn bị bóc lột, áp bức. Người nhấn mạnh, con đường của cách mệnh tư sản không phải là con đường mà Nhân dân ta đi: “Đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chứ không để trong tay một số ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Không chấp nhận con đường cách mệnh tư sản.

Khác với cách mạng Mỹ, Pháp, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng giải phóng tất cả những người lao động trong nước, chân tay cũng như trí óc, nông thôn cũng như thành thị và điều vĩ đại hơn nữa là mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức trên phạm vi toàn thế giới. Hồ Chí Minh đã kết luận trong “Đường kách mệnh” rằng: “Cách mạng Tháng Mười Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công nông các nước và dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả các đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong thế giới”.

Từ khi Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đến nay đã hơn 8 thập kỷ, nhân loại đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử đầy biến động, song ý nghĩa của nó vẫn không hề thay đổi. Do vậy, 104 năm qua, những người con đất Việt chúng ta luôn hướng về Tháng Mười với lòng biết ơn sâu sắc, bởi Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác-Lênin không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi vẻ vang. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế. Cách mạng Tháng Mười Nga là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lê-nin ở một nước lớn là Liên Xô... Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”(2). Sức mạnh “chiếu sáng khắp năm châu”, khả năng thức tỉnh “hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất”, đó là ở bản chất, mục tiêu, nhiệm vụ mà cuộc cách mạng thực hiện.

Hồ Chí Minh nêu bật trên trang đầu câu nói nổi tiếng của Lênin trong tác phẩm “Đường Kách mệnh'” là “Không có lý luận cách mạng thì không có cách mạng vận động”. Người đã kiên trì đấu tranh cách mạng để thành lập Đảng Cộng sản, thành lập Mặt trận dân tộc, tổ chức lực lượng vũ trang kiểu mới, phát động, thức tỉnh, tuyên truyền, tổ chức quần chúng đứng lên, vùng dậy khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân lao động và giai cấp vô sản. Cách mạng nước ta đã trải qua những chặng đường chiến đấu lâu dài, để đến năm 1945 tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tiếp đó tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu nước nối tiếp nhau, kéo dài suốt 30 năm và cuối cùng đã giành thắng lợi hoàn toàn, đánh thắng hai đế quốc to, bằng chiến dịch “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”, “Đại thắng mùa Xuân 1975”, quét sạch quân xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc chiến đấu của Nhân dân ta được sự đồng tình và ủng hộ của bè bạn, khắp năm châu, trong đó có Liên bang Xô Viết và thắng lợi của cách mạng Việt Nam là điểm sáng cho các dân tộc khác noi theo, dẫn đến sự kiện lịch sử vĩ đại trong lịch sử “chấm dứt sự nô dịch các dân tộc của thực dân đế quốc”, đem lại tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho hàng trăm triệu người trên thế giới, đặc biệt là dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội trên thế giới đã không cáo chung vào cuối thế kỷ 20 như các thế lực thù địch từng mơ tưởng. Thực tế đã chứng minh trên thế giới ngày nay, vẫn đang trụ vững và phát triển không ngừng nhiều nước xã hội chủ nghĩa gồm hàng tỉ dân, trong đó Trung Quốc và Việt Nam đã và đang thực hiện thành công cải cách, mở cửa và đổi mới. Ở nhiều nước, các lực lượng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại và kiên trì phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp của mình, đấu tranh vì hòa bình, độc lập và phát triển, vì các quyền dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Sự nghiệp đổi mới đất nước Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa 35 năm đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Mọi người dân Việt Nam đều cảm nhận được rất rõ và thụ hưởng thực sự trong cuộc sống, được cả thế giới ngưỡng mộ và lạc quan tin tưởng vào Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phồn thịnh trong tương lai. Thế giới biết đến và ngưỡng mộ Việt Nam không phải chỉ vì sự anh dũng, ngoan cường của Nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà còn bởi những thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó là minh chứng hùng hồn khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường phát triển dân tộc theo Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, con đường phù hợp xu thế phát triển của lịch sử. Con đường mà chúng ta đang đi chắc chắn sẽ có nhiều thử thách, khó khăn, song đó là tương lai và hạnh phúc của Nhân dân ta, là sự phồn thịnh của đất nước ta.

104 năm sau Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, dù thế giới có phải trải qua những bước thăng trầm đến thế nào nữa thì giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc cách mạng đó vẫn mãi vẹn nguyên và tiếp tục được khẳng định vẻ đẹp chói lọi của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười vẫn là ngọn đuốc của hệ tư tưởng cao đẹp nhất của thời đại, soi đường cho Cách mạng Việt Nam sẽ tiến lên không ngừng.

Tinh thần của Cách mạng Tháng Mười và thực tiễn cách mạng Việt Nam chỉ ra rằng, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”(3), “ý nguyện” của Nhân dân Việt Nam lúc này là mong muốn Đảng ta tiếp tục lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách nghiêm túc và có hiệu quả, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên tự phê bình và phê bình, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, để mỗi cá nhân, mỗi tổ chức trong Đảng tự soi mình, phấn đấu là tấm gương sáng mẫu mực để mọi người học tập và làm theo. Thanh Hoàng

 

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập,  Nxb Sự Thật, Hà Nội, năm 1989, tập 8, tr 272

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 12, tr 300, 301

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 2, tr 268

933 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 820
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 820
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87002962