Vang mãi hào khí Quảng Trị 1972 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có những chiến dịch chỉ diễn ra ở một thời điểm để rồi mãi mãi đi vào sử sách dân tộc. Chiến dịch Trị - Thiên, giải phóng tỉnh Quảng Trị là một trong những chiến dịch mang tầm vóc lịch sử ấy. 50 năm đã qua nhưng hào khí Quảng Trị năm 1972 vẫn còn vang mãi.

Bước vào Đông Xuân 1971 - 1972, tình hình cách mạng ở miền Nam đã có bước phát triển mới. Mặc dù đế quốc Mỹ đã nhận ra rằng không thể thắng Việt Nam bằng chiến tranh quân sự, nhưng mưu đồ áp đặt chế độ thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài nước Việt Nam; tạo điều kiện mặc cả trên thế mạnh với ta tại Hội nghị Pari, đồng thời để xoa dịu phong trào đấu tranh trong nước Mỹ, tạo điều kiên cho Ních - xơn tái cử Tổng thống trong cuộc bầu cử vào cuối năm 1972 vẫn không thay đổi.

Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ XIX (tháng 2/1971) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ XX (tháng 4/1972) đều xác định: “Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta lúc này”. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã quyết đỉnh tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972, với nhiệm vụ chủ yếu là: Tiêu diệt phần lớn lực lượng quân sự của đối phương ở địa bàn Trị - Thiên (chủ yếu Quảng Trị); phối hợp chặt chẽ giữa tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở nông thôn, đồng bằng, đẩy mạnh phong trào cánh mạng ở đô thị và công tác binh vận; tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, đánh bại kế hoạch bình định của đối phương. Giải phóng phần lớn địa bàn Trị - Thiên, trước hết là giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Sau một thời gian chuẩn bị, 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972 Chiến dịch Trị - Thiên 1972, giải phóng tỉnh Quảng Trị bắt đầu. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương ở mặt trận Quảng Trị đã tiến hành tiến công hợp đồng binh chủng với quy mô lớn, dồn dập tiến đánh, bao vây 5 căn cứ của địch ở Động Toàn, Ba Hồ, các cao điểm 544, 288, 365 và pháo kích dữ dội vào nhiều vị trí quân địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Bái Sơn, Đông Hà, Đầu Mầu, Mai Lộc. Phối hợp với các mũi tiến công của bộ đội chủ lực ở vòng ngoài, bộ đội đặc công đã bí mật luồn sâu vào hậu cứ địch, mật tập một số mục tiêu ở Đông Hà, Ái Tử khiến cho địch bối rối, hoang mang. Trong lúc đó, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Gio Linh, Huyện ủy Cam Lộ bộ đội địa phương, du kích và cán bộ chính trị của hai huyện chia thành nhiều mũi áp sát các mục tiêu. Khoảng 2 giờ ngày 31/3/1972, lực lượng vũ trang của hai huyện đồng loạt nổ súng vào chi khu quân sự Gio Linh ở Quán Ngang, các đơn vị bảo an, dân vệ ở Cửa Việt, Gio Lễ, Cùa, Cam Thanh... Đồng thời, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá các khu tập trung, đưa dân về làng cũ. Ngày 02/4, hai huyện Gio Linh và Cam Lộ được giải phóng.

Bị mất tuyến phòng thủ vòng ngoài, cùng với việc tăng cường lực lượng phòng thủ, chính quyền Sài Gòn ra lệnh cho các lực lượng không quân (có cả B52 và pháo hạm của Mỹ hỗ trợ) oanh kích, ngăn chặn sự tiến công của ta. Tổng thống Mỹ ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc, Chính phủ Mỹ đơn phương ngừng các phiên họp ở Hội nghị Pari ; đưa không quân, hải quân trở lại tham chiến ở Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình, ngày 06/4/1972, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên 1972 quyết định mở đợt tấn công lần thứ hai nhằm mục tiêu: Tập trung lực lượng tiến quân tiêu diệt địch ở các cụm Đông Hà - Ái Tử, La Vang; hỗ trợ quần chúng nhân dân hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Hướng tiến công chủ yếu là Đông Hà - Lai Phước; hướng phối hợp quan trọng là Ái Tử; đoạn quốc lộ 1 từ cầu Dài đi Mỹ Chánh là hướng chia cắt chiến dịch; đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng là hướng thọc sâu vu hồi như lưỡi gươm xuyên vào lưng địch. 5 giờ 30 phút ngày 27/4, bắt đầu đợt 2 của chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Các lực lượng của ta đã tổng công kích vào các cứ điểm phòng ngự và co cụm của địch ở Đông Hà và La Vang. 15 giờ 30 phút ngày 28/4/1972, toàn bộ khu vực Đông Hà - Lai Phước được giải phóng. Ở cánh đông, các lực lượng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thọc sâu, vu hồi, đánh một đòn hiểm sau lưng địch. Ngày 29/4 huyện Triệu Phong được giải phóng.

Sau hai đợt tiến công và nổi dậy mãnh liệt từ ngày 30/3 đến ngày 01/5/1972, quân và dân Quảng Trị đã tiêu diệt và làm bị thương 14.350 tên địch, bắt 3.160 tên, thu và phá hủy 636 xe tăng, thiết giáp, 1.870 ô tô các loại, 419 khẩu pháo, bắn rơi , phá hỏng 340 máy bay và rất nhiều quân trang quân dụng các loại[1];  quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - ngụy; giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam.

Với chiến dịch Trị - Thiên giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, quân và dân ta đã phá tan tuyến phòng thủ quan trọng;  góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, mở đường cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây còn là  biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện tính chủ động, sáng tạo, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

  Năm tháng sẽ qua đi nhưng chiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972 – hào khí năm 1972 sẽ mãi mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đó chính là sức mạnh nội sinh trên hành trình phát triển của quê hương Quảng Trị Anh hùng. Trí Ánh

 

           [1] Theo Bùi Công Ái- Trần Tiến Hoạt- Quảng Trị 1972, NXB Sở Văn hóa Thông tin, Thể thao (1992)

583 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 681
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 681
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015960