Đêm ngày 9-3-1945, quân Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp, nắm quyền thống trị trên toàn Đông Dương. Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị mở rộng nhận định tình hình cách mạng và đề ra chủ trương mới. Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong đó nêu rõ kẻ thù chính lúc này là phát xít Nhật và phát động “Cao trào kháng Nhật cứu nước” sâu rộng trong toàn quốc. Cùng với Nhân dân cả nước, cao trào kháng Nhật của quần chúng nhân dân Quảng Trị lúc này phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sắp diễn ra.
Ngày 25-3-1945, Nhật mở cửa nhà lao Quảng Trị, 80 cựu chính trị phạm được trả tự do, tạo điều kiện thuận lợi lớn cho Đảng bộ, lực lượng cán bộ, đảng viên lãnh đạo chủ chốt được bổ sung. Trước tình hình trong nước có những chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức Đảng ở Quảng trị xúc tiến kiện toàn và đề ra phương hướng hoạt động. Lực lượng cán bộ, đảng viên lãnh đạo cốt cán được bổ sung. Các đồng chí đã nhanh chóng móc nối cơ sở, truyền đạt đường lối hoạt động, chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 4-1945, tại Liêm Công Đông (Vĩnh Linh), Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập. Hội nghị quyết định tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch rõ bản chất của phát xít Nhật; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, công tác xây dựng Đảng và quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Bùi Trung Lập làm Bí thư. Các Ủy ban Việt Minh ra đời, phong trào cách mạng trong tỉnh phục hổi và phát triển mạnh mẽ. Cuối tháng 7-1945, khu giải phóng Triệu Phong được thành lập. Ủy ban giải phóng dân tộc Triệu Phong ra đời.
Ngày 18-8-1945, Hội nghị Đại biểu toàn tỉnh được triệu tập tại Phước Lễ (Triệu Phong). Hội nghị đánh giá công tác chuẩn bị, thảo luận sôi nổi về phong trào quần chúng, phân tích thái độ từng lực lượng đối lập, thống nhất những vấn đề còn tồn tại. Tại Hội nghị, đồng chí Trần Hữu Dực truyền đạt lệnh khởi nghĩa của Trung ương. Trong không khí vô cùng khẩn trương, sôi động, Hội nghị quyết định trong tình thế nào cũng phải phát động quần chúng cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị thành lập Ủy ban kháng chiến của tỉnh gồm các đồng chí: Trần Hữu Dực, Đặng Thí, Hoàng Thị Ái, Lê Vụ, Nguyễn Hữu Khiếu.
Sau hội nghị, các đại biểu dự hội nghị nhanh chóng tỏa về các địa phương, truyền đạt lệnh tổng khởi nghĩa cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Theo tinh thần đó, từ ngày 19-22 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa vừa tập trung lực lượng huấn luyện, vừa chọn cán bộ chỉ huy, phát động các lò rèn, rèn giáo mác, đồng thời tìm cách mua, tìm kiếm vũ khí của quân đội Nhật; vận động quần chúng chuẩn bị lương thực phẩm cho tự vệ và lực lượng cách mạng. Đồng thời vạch ra kế hoạch chi tiết, bố trí lực lượng để đánh chiếm từng căn cứ điểm của giặc.
Trong không khí cách mạng sục sôi cả nước, chiều ngày 22-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đã chính thức phát lệnh khởi nghĩa. 19 giờ, ngày 22-8-1945, ba đội tự vệ vũ trang dưới sự điều khiển của đồng chí Trần Hồng Chương đã tiến vào thị xã Quảng Trị. Đoàn quân vừa đi vừa hô vang “Đánh đổ chính quyền bù nhìn Bảo Đại- Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”. Lúc này, các các cán bộ Việt Minh trong thị xã cũng đang tiếp tục vận động quần chúng tổ chức míttin, diễn thuyết trong công chức, bảo an binh và các tầng lớp nhân dân nội thị, gây thanh thế cách mạng sôi động tràn ngập thị xã. 1 giờ ngày 23/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, các đơn vị tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ chiếm đóng và dự bị đều đột nhập nội thị, chiếm lĩnh tất cả các vị trí đã được phân công từ trước; cùng lúc đó, các lực lượng làm nhiệm vụ biểu tình thị uy chính trị, từ các hướng cờ dong, trống thúc hô vang các khẩu hiệu rầm rập kéo vào thị xã. Đúng 5 giờ ngày 23/8/1945, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực lên tầng trên dinh tỉnh trưởng hạ cờ ba que xuống treo cờ đỏ sao vàng lên. Đến 9 giờ ngày 23/8/1945, trước tòa công sứ Pháp, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức với hàng ngàn quần chúng nhân dân tham gia. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố: xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng1. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị kết thúc thắng lợi.
Cùng với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị, trong những ngày 22, 23, 24 tháng 8, công nhân các công sở, đồn điền đã sát cánh cùng nông dân và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh nổi dậy.
Đêm 22, rạng ngày 23-8-1945, các phủ, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh đều đồng loạt khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đến 6 giờ sáng ngày 24-8, tại Cam Lộ khởi nghĩa đã giành thắng lợi. Tại thị trấn Đông Hà, sáng 25-8-1945, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Riêng huyện Hướng Hóa, trước ảnh hưởng của phong trào cách mạng ở các địa phương khác, chính quyền địch đã tự tan rã. Chính quyền cách mạng ở Hướng Hóa được thành lập vào ngày 25-8-19452.
Khởi nghĩa thắng lợi ở Quảng Trị càng chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Cách mạng tháng Tám ở Quảng Trị khẳng định: Đảng bộ Quảng Trị đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo đường lối khởi nghĩa của Đảng vào điều kiện cụ thể ở địa phương. Từ đây nhân dân Quảng Trị cùng nhân dân cả nước đã làm chủ đất nước của mình.
Năm nay kỷ niệm 76 năm thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945-2021) cùng với những ngày cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch Covid-19. Trước những thách thức của đại dịch, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta lại được khơi dậy mạnh mẽ. Hơn lúc nào hết, tinh thần “chống dịch như chống giặc” đang lan tỏa rộng khắp trong nhân dân, để từ đây giá trị tinh thần của Cách mạng Tháng 8 thêm một lần được vận dụng hiệu quả vào thực tiễn. Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã và đang đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh đề ra sớm đưa Quảng Trị vững bước tiến lên trên chặng đường phát triển mới.
Thanh Nhạn
Trích dẫn: [1,2]Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị , tập 1(1930-1954), tr.197-213]