Lễ hội được tổ chức nhằm tri ân với các thế hệ cha ông đi trước đã hiến dâng xương máu của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
Qua đó, góp phần giáo dục, bồi dưỡng và phát huy hơn nữa lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc, khẳng định những thành tựu vĩ đại mà dân tộc đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc…
Lễ hội của lòng dân
Trong chiến tranh, Hiệp định Genever năm 1954 đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải hiền hòa chảy qua làm ranh giới. Cuộc phân ly tạm thời tưởng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất nhưng thực tế đã kéo dài hơn 20 năm.
Chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau còn ở lại, hằng năm cứ đến ngày 30-4, quân, dân Quảng Trị cùng nhân dân, du khách trong và ngoài nước lại hội tụ về vùng đất thiêng có đôi bờ Hiền Lương, sông Bến Hải để cùng thắp những nén hương thơm, thể hiện lòng thành kính, niềm biết ơn vô hạn đối với những người hùng của dân tộc đã anh dũng hy sinh xương máu, nối liền bờ cõi, thống nhất non sông.
|
Đông đảo du khách tham quan cầu Hiền Lương. |
Để đáp ứng mong muốn của người dân được thể hiện niềm biết ơn với những chiến sĩ đã ngã xuống và phát huy, quảng bá di tích lịch sử nhằm phát triển du lịch Quảng Trị, Lễ hội Thống nhất non sông đã ra đời.
Nhà văn Xuân Đức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1995-2006, nhớ lại: Vào ngày 30-4 hằng năm, người dân Quảng Trị lại có mặt tại cầu Hiền Lương để nhớ về quá khứ, tri ân những thế hệ cha ông đã hi sinh nhằm dặn mình sống tốt hơn. Xuất phát từ mong muốn của người dân, ngành Văn hóa đã đề xuất ý tưởng lên kịch bản tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông. Không chỉ là một lễ hội cách mạng đơn thuần mà nó còn thể hiện tâm tư, tình cảm và khát vọng thống nhất của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Đến nay, nhà văn Xuân Đức còn nhớ như in bài văn tế mà ông đã đọc trong Lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000: “Hỡi ơi! Để có ngày đoàn tụ, bao máu xương đổ xuống sông này/Vì nghĩa cả đồng bào, gương liệt sỹ kể sao cho xiết/Những bến đò A, đò B, Giang phao, Hói cụ, thân ai ngã xuống giữa dòng? Bao hầm Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Xuân Mỵ, Xuân Long, xác ai còn vùi trong cát?/Máu lặn xuống sông, nước vẫn xanh ngăn ngắt, nhớ thương mặn chát khôn nguôi/Xương chìm sâu lòng đồi, hoa cứ đỏ bồi hồi, nghĩa nặng ngậm ngùi khói biếc…”.
Lễ hội được tổ chức lần đầu vào năm 2000 và hằng năm được tổ chức tại di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, trong đó vị trí chủ yếu là khu vực Kỳ đài, cầu Hiền Lương cũ, phía Bắc và phía Nam cầu Hiền Lương...
Bên cạnh nghi thức thượng cờ, mỗi năm lễ hội lại được đổi mới và tổ chức theo nhiều cách thức mới, mang dấu ấn riêng. Mỗi người dân Quảng Trị sẽ không bao giờ quên cảm xúc thiêng liêng khi tham dự Lễ thượng cờ. Trong không khí trang nghiêm và nền nhạc Quốc ca hào hùng, lá cờ đỏ sao vàng rộng 7m, dài 10,5m được kéo lên đỉnh cột cờ Hiền Lương lịch sử trong lòng ngưỡng mộ, thành kính và trái tim chờ mong của hàng vạn người.
Lá cờ ấy thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc; là niềm tin, ý chí và sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam; là mốc son rực rỡ trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước của quân và dân ta trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, để giành lại hòa bình, độc lập, tự do…
Bên cạnh phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như cắm trại, giao lưu văn hoá, biểu diễn nghệ thuật, bài chòi, tổ chức giải đua thuyền truyền thống… đã thu hút hàng vạn người dân trong và ngoài nước đến vui chơi.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hằng năm, Ban Tổ chức sẽ cố gắng đổi mới cách thức thể hiện sao cho lễ hội thực sự đi sâu và để lại dấu ấn trong lòng mỗi người đến tham dự.
Tiêu biểu vào năm 2005, lễ hội được xây dựng bằng nghi lễ dâng đất thiêng của hai đầu Tổ quốc từ Km 0 của cửa khẩu Hữu Nghị quan (tỉnh Lạng Sơn) và tảng bùn phù sa đất Mũi lấy từ bia ghi tọa độ mũi Cà Mau dâng lên Kỳ đài Hiền Lương. Đến năm 2010, lần đầu tiên Lễ hội Thống nhất non sông được công nhận là Lễ hội cấp quốc gia hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Lúc này, Lễ hội được tổ chức với nghi thức hai bầu nước thiêng từ đầu nguồn Pắc Bó, suối Lênin - nơi chiến khu Việt Bắc và từ cuối dòng sông Hậu là nơi hợp lưu của 9 dòng sông phương Nam gửi về đây hòa cùng dòng Bến Hải.
Đến năm 2011, lễ hội đã cử hành nghi thức đón nhận 21 hòn đá từ các đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và những cây bàng trái vuông biểu tượng cho chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông.
Năm 2019, sau lễ thượng cờ, các đại biểu Trung ương và địa phương đã có mặt tại ranh giới ngăn cách giữa chân cầu Hiền Lương lịch sử để thả bóng bay lên bầu trời với thông điệp “Nguyện cầu cho hòa bình thế giới”…”.
Sống lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc
Lễ hội được tổ chức đã truyền tải thông điệp về khát vọng thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do và khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ với một chân lý không bao giờ thay đổi: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Đến nay, trải qua 19 lần tổ chức, chưa thể nói là dài nhưng cũng đủ để Lễ hội Thống nhất non sông khẳng định "thương hiệu" của mình trong lòng người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung khi đến với vùng đất thép anh hùng.
Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, thực hiện lời thề của người dân Quảng Trị đối với Bác Hồ “Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”, lá cờ trên đỉnh cột cờ Hiền Lương vẫn luôn tung bay phấp phới. Đó là biểu tượng về niềm kiêu hãnh, là niềm tin, ý chí, khát vọng và là sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam.
Vinh dự là một trong những người được tham dự Lễ hội Thống nhất non sông trong những lần tổ chức đầu tiên, ông Nguyễn Hà Phương, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Trị bồi hồi nhớ lại: “Đến bây giờ cảm xúc trong tôi vẫn vẹn nguyên khi nhớ về những lần được tham dự Lễ hội Thống nhất non sông; đặc biệt là vào năm 2000. Vào giờ phút thiêng liêng ấy, khi nhà văn Xuân Đức đọc những dòng văn tế hòa với làn điệu dân ca Hò đưa linh, dường như linh hồn núi sông, bờ cõi, các anh linh và hàng ngàn con người có mặt bên dòng sông lúc ấy như hòa vào làm một. Về sau, mỗi năm, lễ hội lại được tổ chức ngày càng mới mẻ, truyền tải thông điệp đầy ý nghĩa, đã tạo được ấn tượng sâu đậm đối với nhân dân và khách du lịch khi có dịp đến Quảng Trị vào những ngày tháng 4 lịch sử. Để rồi chính họ sẽ là những trang sử sống giáo dục cho thế hệ con cháu về sau không được phép quên về một thời kì anh hùng đầy bi tráng của các thế hệ cha ông đã lấy máu đào để tô thắm lá Quốc kỳ tung bay…”.
Với bà Lê Thị Hoa, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), có lẽ trong suốt cuộc đời, bà sẽ không thể nào quên được cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi được lần đầu tham dự Lễ hội Thống nhất non sông vào năm 2019.
Bà Hoa tâm sự: “Bố tôi hy sinh tại Dốc Miếu nên tôi tâm nguyện một lần được đến Quảng Trị và được tham dự Lễ hội Thống nhất non sông. Trong những năm tháng chiến tranh, nơi đây đã chứng kiến nỗi đau chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc. Khát vọng hòa bình, độc lập, tự do luôn cháy bỏng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam trong đó có gia đình tôi. Lần này được đến và tham dự lễ hội, tôi thấy xúc động vô cùng, cảm giác vui mừng, hãnh diện, tự hào và vinh dự khi được đứng dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi muốn nói với bố tôi rằng, đất nước luôn nhớ đến ông và đồng đội của ông, những người Anh hùng, Liệt sỹ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc được trường tồn…”.
Đến với Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Lễ hội Thống nhất non sông, mỗi người dân như được sống lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc; được tri ân, ngưỡng vọng, hoài niệm về đau thương, chia cắt, hy sinh; khẳng định những thành tựu vĩ đại mà dân tộc đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và hun đúc cho mình một ý chí, niềm tin về sự bền vững và trường tồn của đất nước, dân tộc Việt Nam: “Ngày hội vui thống nhất, lồng lộng cờ hoa trên bến dưới thuyền/Lễ trọng hai miền, đồng vọng nhớ về đôi bờ di tích”.
Là một trong những vị lãnh đạo có nhiều trăn trở và đóng góp cho việc gìn giữ và phát triển Lễ hội Thống nhất non sông từ thuở sơ khai đến bây giờ, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Tổ chức lễ hội Thống nhất non sông là cách để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, góp phần làm sinh động thêm đời sống tinh thần của nhân dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đây là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, tạo thêm điều kiện, để giao lưu hội nhập với bạn bè quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, đưa hoạt động du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Trị.
Để duy trì, phát triển và nâng tầm quy mô của Lễ hội Thống nhất non sông, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, người dân phải là nòng cốt đưa ra những ý tưởng, hình thức tổ chức mới, sáng tạo nhằm phát huy hơn nữa ý nghĩa, thông điệp và những giá trị lịch sử mà lễ hội muốn chuyển tải…
Ngày hôm nay, nếu ai có dịp ghé Quảng Trị, hãy nhớ dừng chân trên Vĩ tuyến 17, nơi cầu Hiền Lương - sông Bến Hải anh hùng, để lắng lại với điệu hò sông nước “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”; và ít nhất hãy một lần tham dự Lễ hội Thống nhất non sông, hòa mình vào trong không khí thiêng liêng ấy, để cảm nhận và hiểu được giá trị hòa bình ngày hôm nay cao quý dường nào.
Thanh Thủy