Ký kết MOU giữa Cục Hàng hải Việt Nam và EuroCham .

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội thảo về Hiệp định EVFTA: Cơ hội và thách thức đối với ngành Hàng hải Việt Nam.

Theo cục Hàng hải Việt Nam cho biết, ngay khi có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ loại bỏ 65% thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam, đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, EVFTA cũng sẽ loại bỏ 71% thuế kể từ ngày 1/8/2020. Do vậy, hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thuộc EU được dự báo sẽ tăng lên đáng kể. Trong đó, có tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển qua đường biển

Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng một số cơ chế chính sách hỗ trợ các tàu thuyền, tàu container có trọng tải lên đến 20.000 TEU được phép vào các cảng nước sâu và cắt giảm một số thủ tục không cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy thương mại.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 dịch COVID-19 bùng phát, tuy nhiên, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn đạt trên 339 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019. Cục Hàng hải Việt Nam tin tưởng, những con số kể trên còn sẽ tăng hơn nữa khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang khẳng định: Việc ký kết biên bản hợp tác (MOU) giữa Cục Hàng hải Việt Nam với EuroCham sẽ mở ra chương mới vô cùng triển vọng trong quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và cộng đồng các nước châu Âu.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ngay từ khi Việt Nam đang xúc tiến ký Hiệp định, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, rà soát lại hệ thống cảng biển của Việt Nam, xây dựng một số đề án nâng cao hiệu quả khai thác của các cảng biển, trong đó có 2 cảng nước sâu là Cái Mép - Thị Vải và cảng Lạch Huyện; Đồng thời, tham mưu Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy hoạch cảng biển thời kỳ 2021 - 2030 khắc phục những hạn chế trong các thời kỳ trước đây.

Đóng góp về giải pháp để ngành hàng hải Việt Nam đón nhận được cơ hội từ EVFTA, tại Hội thảo, các doanh nghiệp hàng hải như: Vinalines, Tân Cảng Sài Gòn đều cho rằng, thời gian tới, năng lực cảng biển Việt Nam cần được nâng cao lên 1,5 - 2 lần. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ, ngành chức năng điều chỉnh giá dịch vụ bốc xếp container tại cảng biển tiệm cận với khu vực để thu hút đầu tư nâng cao năng lực cảng biển Việt Nam.

Cùng đó, việc quy hoạch phát triển cảng biển cần đồng bộ với việc phát triển hệ thống hậu cần sau cảng. Trong đó, cần chú trọng đến nâng cao vai trò của vận tải đường sắt; Nâng cấp năng lực tiếp nhận của tuyến luồng dẫn tàu vào các cảng nước sâu như: Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải,…

Đồng thời, Chính phủ cũng cần chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam có điều kiện nâng cao năng lực đội tàu như: vay vốn đầu tư đóng mới; dành thị phần nhất định (khoảng 30%) hàng hóa xuất nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam cho đội tàu Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Lễ ký kết MOU giữa Cục Hàng hải Việt Nam và EuroCham cũng đã được thực hiện. Đây được coi là tiền đề cho sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa EuroCham và Cục Hàng hải Việt Nam trong việc hỗ trợ thúc đẩy vận tải biển và phát triển thương mại trong triển khai EVFTA; thúc đẩy mối quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam.

Trước đó, ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã cùng ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Theo thông báo chính thức Ủy ban châu Âu, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây./.

 
Tin, ảnh: HT