Văn nghệ sĩ trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 

Văn nghệ sĩ là một bộ phận của đội ngũ trí thức Việt Nam - lực lượng nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá văn hóa. Không chỉ tác phẩm mà cả lối sống, phát ngôn của họ cũng tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Tại Triển lãm hội họa được tổ chức tnăm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thân ái hỏi thăm anh chị em họa sĩ và văn nghệ sĩ nói chung. Trong thư, Người viết: “văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ… phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, trước hết là công, nông, binh..., chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng... Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của Nhân dân..., muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình. Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị[1].

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, ngày 11 tháng 2 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh vai trò của văn nghệ
sĩ và rộng hơn là của toàn thể cán bộ ngành văn hóa trong việc thực hiện các
nhiệm vụ về công tác văn hóa: “Xúc tiến công tác vǎn hoá để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của vǎn hoá đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của vǎn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của vǎn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền vǎn hoá Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”.

Chính bởi vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ trong đời sống xã hội mà các thế lực thù địch, phản động luôn dùng mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mặt trận văn hóa tư tưởng, tìm mọi cách để giới văn nghệ sĩ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì vậy, trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ một vị trí, vai trò quan trọng nhất định. Trên mặt trận đó, văn nghệ sĩ phải vừa “xây”, vừa “chống”.

“Xây” là xây dựng tinh thần, trách nhiệm của bản thân, vun đắp ý thức về vị trí, vai trò của mình trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc; sáng tạo, truyền bá những giá trị đời sống tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ; xây dựng cho bản thân tinh thần cảnh giác cách mạng; nhận diện và chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch, không mất cảnh giác để bị lừa, bị kích động, bị lôi kéo vào hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia thông qua lợi dụng hoạt động VHNT. Cùng với đó, xây dựng hình ảnh đẹp với lối sống lành mạnh và phong cách chuẩn mực tạo ra một sức hút cũng như sự lan tỏa đặc biệt trong xã hội.

 “Chống” ở đây là đấu tranh, ngăn chặn với các âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, móc nối, kích động chống phá đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; chống các quan điểm sai trái, thù địch, văn hóa ngoại lai, tư tưởng biến tướng, biểu hiện sai trái, lệch lạc, có chính kiến cá nhân chuẩn mực, tránh để các phần tử cơ hội lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc…

Văn kiện Đại hội XIII Đảng cũng đã nêu nhận định: “Vẫn còn một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ chưa ý thức rõ bổn phận của mình đối với đất nước, chưa tâm huyết, chưa đầu tư nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ. Cá biệt có một số trí thức, văn nghệ sĩ chưa mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ chính kiến, thậm chí né tránh hoặc lợi dụng danh nghĩa để đưa ra các ý kiến, quan điểm sai trái. Một số văn nghệ sĩ dễ dàng “chiều” theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, tìm cách quảng bá những tác phẩm chống đối chế độ, xuyên tạc nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số lãnh tụ tiền bối,…”.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, để khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực văn hóa nói chung, Đảng ta đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa”. 

Công chúng ngày nay có trình độ dân trí cao, có thể tiếp cận với nguồn thông tin nhiều chiều nên không thể tuyên truyền theo kiểu áp đặt, hô hào khẩu hiệu. Để các tác phẩm VHNT truyền tải được hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, phản ánh toàn diện sự nghiệp đổi mới cần phải có những văn nghệ sĩ không chỉ có tâm, có tài mà còn phải có sự hiểu biết sâu sắc và niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Chỉ có như vậy, VHNT mới chuyển tải tư tưởng chính trị một cách tinh tế, linh hoạt, uyển chuyển, không cứng nhắc, áp đặt. 

Hiện nay, trước những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường và sự lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch, cần coi trọng bồi đắp nhân cách, lý tưởng, trách nhiệm đối với Tổ quốc để hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, cùng với các lực lượng trong xã hội tham gia vào công tác tư tưởng. Phải làm cho trí thức, văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc được cống hiến, phục vụ cho Nhân dân, phục vụ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm thiêng liêng. Từ đó, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho họ tiếp tục đồng hành với Đảng và dân tộc, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân, đem tài năng của mình sáng tạo nhiều hơn những công trình, tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn, tư tưởng và nghệ thuật, phục vụ cao nhất cho công cuộc đổi mới, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổ chức Hội VHNT cần thường xuyên định hướng và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ  cọ xát với thực tiễn phong phú của sự nghiệp đổi mới. Công tác giáo dục tư tưởng phải làm cho lý tưởng cách mạng và đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của văn nghệ sĩ. Phải làm cho từng văn nghệ sĩ hiểu được nếu VHNT hòa vào dòng chảy chung của cách mạng, của dân tộc sẽ nâng tầm giá trị các tác phẩm của mình, đó cũng là những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng. Hằng Nga

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.368-369.

716 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1867
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1867
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76445425