Văn hóa phải trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực phát triển đất nước 

(Chinhphu.vn) - Các quy định pháp luật về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, phát triển văn hóa gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản” từ chính nhận thức xã hội và các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động.
Văn hóa phải trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực phát triển đất nước - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo

Đề cập đến những "điểm nghẽn và "rào cản" mà phát triển văn hóa đang gặp phải, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh ý kiến trên tại Hội thảo Văn hóa 2022 "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" được tổ chức tại Bắc Ninh, ngày 17/12.

Mặc dù trong suốt những thập niên qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể chế, chính sách và nguồn lực đối với việc phát triển văn hóa. Từ Đề cương văn hóa năm 1943 cho tới Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 33/NQ-TW, Đại hội Đảng XIII và gần đây nhất là Hội nghị Văn hóa toàn quốc (2021) định hướng xuyên suốt của Đảng đã khẳng định việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện cơ sở pháp lý và thể chế văn hóa là tiền đề cho việc kiến tạo môi trường vận hành thuận lợi, có khả năng phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, từ đó làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong những năm qua, quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã hình thành nền tảng pháp lý toàn diện và hệ thống góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của văn hóa. Khung chính sách đã tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Hệ thống các văn bản pháp luật về thuế, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực từng bước tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho văn hóa.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đang từng bước góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Quá trình hoàn thiện thể chế đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa. Việc chú trọng triển khai chủ đề năm trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, việc xây dựng thể chế, chính sách đã tôn trọng, bảo vệ sự đa dạng của văn hóa của các dân tộc, vùng miền, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và giữ vững chủ quyền quốc gia của Tổ quốc. Các nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa số bước đầu phát huy hiệu quả.

Khung thể chế chưa hoàn thiện, chậm điều chỉnh Chiến lược

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, vẫn còn có các tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn, nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể để các chủ thể phải thực hiện dẫn đến hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa vẫn còn hạn chế.

Khung thể chế chưa hoàn thiện, chậm điều chỉnh Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh mới đang làm giảm vai trò kiến tạo và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức.

Một trong những tồn tại, hạn chế là việc gián đoạn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình phát triển văn hóa đang làm giảm động lực thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, xã hội, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Cơ chế chính sách đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển. Bất cập trong cơ chế chính sách gây nên tình trạng thiếu hài hòa giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn" cho ngành văn hóa

Đề cập đến những định hướng, giải pháp cho thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần xác định tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Cụ thể, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển.

Thêm vào đó, cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các luật thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, nghị định về khuyến khích xã hội hóa. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng xác định rõ, xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, từng bước cân đối cơ cấu nguồn lực cán bộ cho phù hợp; có chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; trọng dụng nhân tài, những người có tài, có đức; xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

Hải Liên

466 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1417
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1417
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87164505