Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển sự bền vững của doanh nghiệp”. (Ảnh: K.D)
Ngày 14/5, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức buổi Giao lưu - tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển sự bền vững của doanh nghiệp”.
Văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản
Khẳng định văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, bà Phạm Thị Tuyết - Chánh văn phòng Hiệp hội, Văn phòng Thường trực Ban tổ chức 248 cho rằng, để doanh nghiệp phát triển bền vững, bên cạnh việc doanh nghiệp phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh cụ thể; xây dựng cho mình một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả; xây dựng thương hiệu và không ngừng đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp phải xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, coi văn hóa doanh nghiệp là cốt lõi, nền tảng phát triển. Bản sắc văn hóa doanh nghiệp là kết tinh những tinh hoa quản lý và kinh doanh của một doanh nghiệp.
PGS.TS Phạm Thị Tuyết khẳng định, mỗi doanh nghiệp không thể sao chép văn hóa từ doanh nghiệp khác mà phải tự tạo bản sắc văn hóa mạnh góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu, thu hút, phát triển và duy trì đội ngũ nhân viên đồng lòng, gắn bó cùng doanh nghiệp.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chia sẻ: Nói văn hóa doanh nghiệp có tính quyết định vì văn hóa doanh nghiệp buộc doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật, phải ứng xử có văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp có 2 khía cạnh: Con người - con người và vật chất. Hai điều này là 2 chân tạo dựng văn hóa doanh nghiệp. Nếu có văn hóa doanh nghiệp thì sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng phát hiện và đáp ứng được thị trường, gắn kết các con người, tạo sức hút với khách hàng, từ đó phát triển bền vững. Thực tế, tất cả các doanh nghiệp nổi tiếng là Công ty cổ phần, doanh nghiệp thành công nhất là những doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp hấp dẫn và giá trị ngày càng hoàn thiện.
“Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” (Ảnh minh họa: K.D)
Làm sao để nâng cao được nhận thức của doanh nghiệp về văn hóa doanh nghiệp?
Ông Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh cho rằng, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa thực sự tham gia vào Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở phạm vi quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phát động. Hiện còn nhiều doanh nghiệp làm văn hóa doanh nghiệp không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp.
Theo ông Đỗ Minh Cương, giải pháp đầu tiên để khắc phục tình trạng này là phải nâng cao được nhận thức của doanh nghiệp về văn hóa doanh nghiệp, trước hết và quan trọng nhất là từ người sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp đó, từ đó truyền đạt, lan tỏa xuống bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và xuống tận các công nhân viên và đơn vị cơ sở. Cụ thể: Lãnh đạo, người đứng đầu và bộ phận cán bộ quản lý phải được đào tạo và tự đào tạo về văn hóa doanh nghiệp một cách hệ thống; không chỉ biết các lý luận, mô hình, phương pháp quốc tế mà còn cả các yêu cầu, tiêu chí đánh giá và chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam.
Cùng với đó, công tác đào tạo, truyền thông về văn hóa doanh nghiệp cần được đẩy mạnh theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể thông qua vai trò của Chính phủ, các hiệp hội, tổ chức xã hội, trường đại học, của các cơ quan báo chí, truyền thông…trong hoạt động của chính các doanh nghiệp và có sự kết nối, phối kết hợp của các tổ chức này và cần được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức tọa đàm, hội thảo như ở đây.
Ngoài ra, quản trị quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở phạm vi quốc gia một cách khoa học, hiệu quả. Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, với vai trò, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cần thực hiện tốt chức năng tổ chức chủ trì, quản trị chung về công tác nâng cao nhận thức và hành động hiệu quả trong Phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhất là trong việc xây dựng hệ tiêu chí, quy chế đánh giá, bình chọn và tôn vinh doanh nghiệp đạt chuẩn, đạt thành tích xuất sắc về xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời cần thu hút sự chú ý và phát huy vai trò tham gia, giám sát, cổ vũ, bình chọn của công chúng, xã hội về công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại các địa phương và trong phạm vi cả nước
Việt Nam cần xây dựng chuẩn quốc gia mới phải hội tụ những điều tốt đẹp của cả văn hóa truyền thống. Xây dựng cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp định hướng phát triển theo. Đổi với và thay đổi văn hóa quản lý, đặc biệt là văn hóa cán bộ. Cuối cùng là phải tôn vinh doanh nghiệp có văn hóa. Đây là những giải pháp rất quan trọng - ông Đỗ Minh Cương khẳng định./.
Kim Dung