Sáng 30/11, Hội nghị triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là BTC 248) khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là hoạt động tiếp nối thành công của sự kiện phát động Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" đầu tiên tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh vào tháng 7/2018 và tỉnh Sơn La vào tháng 9/2018 vừa qua.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hồ Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức khẳng định: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó chính là tài sản vô giá của doanh nghiệp…
Các đại biểu tham dự cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. (Ảnh: Văn Dinh)
Theo đó, cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về văn hóa doanh nghiệp; xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm lành mạnh môi trường kinh doanh và nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực.
Cùng với đó, tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác chính trị - tư tưởng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá và thu hút sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã giải đáp nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến xây dựng văn hóa trong thời kỳ 4.0; tiêu chí đánh giá doanh nghiệp đạt chuẩn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp; sự phối kết hợp giữa BTC 248 với chính quyền địa phương trong tổ chức, triển khai các hoạt động tiếp theo và cách thức xây dựng sự gắn kết các thành viên hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung chia sẻ, nếu doanh nghiệp chỉ kinh doanh vì mục đích lợi nhuận mà bỏ qua tất cả các vấn đề khác như môi trường, văn hóa… sẽ gặp phải những hệ quả nghiêm trọng, suy thoái về đạo đức xã hội, và ô nhiễm môi trường. “Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm.... Coi văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện sáng tạo, đổi mới các phong trào thi đua yêu nước, gắn với phong trào “Doanh nghiệp giỏi”, “Cơ quan, đơn vị văn hóa”…”, đồng chí Nguyễn Dung khẳng định.
Tại Hội nghị, đại diện 17 địa phương đã ký kết kế hoạch phối hợp triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam".
17 địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên phối hợp triển khai Cuộc vận động gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. |
Anh Tuấn