Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin đã dốc sức tiến hành công tác xây dựng Đảng. Mùa xuân năm 1918, trong Cương lĩnh “Về những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết” trình bày trước Đại hội Đảng Cộng sản Nga lần thứ VII, Người đã nêu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự phát huy tính chủ động sáng tạo của Nhân dân Nga trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Theo V.I.Lênin có ba kẻ thù chính mà người cộng sản của Đảng cầm quyền phải kiên quyết đấu tranh là “tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; nạn mù chữ, sự ngu dốt, cản trở việc giáo dục chính trị và nạn hối lộ, tham nhũng”. Những tệ nạn này dẫn đến mọi biện pháp chỉ lơ lửng trên không trung, hoàn toàn không mang lại kết quả.
V.I.Lênin phân tích sự nguy hại của chủ nghĩa cơ hội nấp dưới danh nghĩa Đảng, danh nghĩa chủ nghĩa xã hội để chống phá Đảng. Nhiều kẻ cơ hội đã tìm mọi cách chui vào các cơ quan đảng, bộ máy nhà nước để mưu cầu lợi ích cá nhân. Họ không tận tụy, không trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, không đấu tranh chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng mà còn cản trở cuộc đấu tranh ấy.
Xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ then chốt, gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân là nhiệm vụ sống còn để duy trì giữ vững chế độ chính trị. Suy ngẫm nghiêm túc về những nội dung của cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam hiện nay, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị bền vững trong tư tưởng và quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Ðể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, V.I.Lênin yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình một cách trung thực, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Người khẳng định: Chính cuộc đấu tranh cách mạng đã tôi luyện nên những người cộng sản kiên cường. Chỉ có qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng giao phó, chỉ có hoạt động trong tổ chức của Đảng, chỉ có “Tắm mình trong phong trào quần chúng và sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình người cán bộ, đảng viên mới trưởng thành, được tôi luyện và có phẩm chất cao quý, tốt đẹp”.
V.I.Lênin nêu một vấn đề có tính nguyên tắc là đánh giá và sử dụng cán bộ, đảng viên chủ yếu phải dựa trên việc làm chứ không chỉ căn cứ trên lời nói của họ, gắn với nhiệm vụ, cấp bậc và chức quyền họ đảm nhiệm. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tệ quan liêu, tham nhũng, hối lộ, chống sự không minh bạch, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm... trong công việc, trong cuộc sống, dứt khoát với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội. Song, phải luân chuyển cán bộ, nhất là vị trí lãnh đạo, phải thường xuyên kiểm tra, lựa chọn đúng cán bộ, không tùy tiện đưa người vào bộ máy của Ðảng và Nhà nước…
Trong bài “Bàn về cải tổ Đảng”, V.I.Lênin cho rằng, nếu Đảng không khác gì quần chúng thì Đảng sẽ hòa tan trong quần chúng, tự hạ mình xuống thành cái đuôi của quần chúng. Người nhận định, điều tuyệt đối không thể tránh được là sau khi cách mạng thắng lợi, những phần tử nguy hại tìm mọi cách chui vào đảng cầm quyền, “bất cứ cuộc cách mạng nào cũng không tránh khỏi điều đó và sẽ không tránh khỏi được”. Tất cả vấn đề là ở chỗ, đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng.
Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin vào công tác xây dựng đảng, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc đổi mới và chỉnh đốn Đảng, theo đó, trước hết và trên hết là thực hiện nhiệm vụ “then chốt” xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh và góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định, đây là việc làm thường xuyên để bảo đảm giữ vững được sự lãnh đạo của Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Điều này được Hồ Chí Minh lúc sinh thời nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người đã căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(2). Chúng ta có quyền khẳng định, từ ngày thành lập đến nay, đa số đảng viên ưu tú, kiên trung, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, góp sức mình vào sự nghiệp chung của Đảng lãnh đạo cách mạng. Tuy nhiên, Đảng cũng nhìn nhận trong điều kiện đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ... đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bè phái, lợi ích nhóm, vun vén để “vinh thân, phì gia”. Nguy hiểm nhất là “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thẳng thắn chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là những nguy cơ hiện hữu nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, sự ổn định và phát triển của đất nước.
Có thể nói, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện quyết tâm cao độ làm trong sạch Đảng. Sai phạm trong đảng viên, cán bộ, tổ chức đảng là “không có vùng cấm”, “không ai đứng trên, đứng ngoài pháp luật” mà phải được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Phải nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên phải gắn liền với nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Kết hợp chặt chẽ hai mặt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là hai mặt có quan hệ biện chứng trong công tác phát triển Đảng; chú trọng trẻ hóa và nâng cao trình độ, kiến thức các mặt của đội ngũ đảng viên. Đồng thời, làm tốt việc sàng lọc đội ngũ đảng viên, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh những đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, vi phạm đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cố tình vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên trong xây dựng Đảng, đặc biệt trước những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới của đất nước. Tiếp tục củng cố xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với tinh thần tích cực, kiên quyết, mạnh mẽ hơn, làm cho Đảng ta ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, thật sự trong sạch, vững mạnh nhằm tạo bước chuyển biến mới trên các mặt là vấn đề hệ trọng sống còn của Ðảng, của chế độ, chính là cách làm thiết thực, sáng tạo và trung thành với học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc, đã và đang soi đường cho sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” (3).
Thực hiện những lời dạy quý báu của V.I.Lênin, của Bác Hồ về công tác xây dựng Đảng - đây là nhiệm vụ bức thiết của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân hiện nay, nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện quyết liệt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh và góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nguyễn Thanh Hoàng
(1) V.I.Lênin, Toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1975, tập 6, tr.162.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.616.
(3) Hồ Chi Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 510.