Theo Hồ Chí Minh, việc thông qua nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết là hai “công đoạn” có mối quan hệ biện chứng với nhau, tuyệt đối không được hạ thấp, coi nhẹ “công đoạn” nào. Bởi vì, có những vấn đề lớn có tính chất Cương lĩnh được thông qua bằng nghị quyết và cũng có những nghị quyết về những vấn đề cụ thể nhất định. Nghị quyết của Đảng chính là sự thể hiện quan điểm chính thức của Đảng về nhiệm vụ mà tất cả mọi tổ chức, mọi đảng viên có trách nhiệm thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Để ra nghị quyết, Đảng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tất cả các mặt: nhận định những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài; có sự nghiên cứu trước, đưa ra những kế hoạch, phương án và tổ chức thảo luận trong nội bộ Đảng thật sự dân chủ, nếu cần thiết thì mở rộng cho nhân dân tham gia ý kiến…
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc, năm 1951. (Ảnh tư liệu).
|
Ở đây, cần phải chú ý từ hai phía: phía cấp ủy, nhất là cán bộ chủ chốt của Đảng và từ phía mỗi đảng viên trong tổ chức đảng. Vai trò của cấp ủy, trong đó người đứng đầu là rất quan trọng trong việc lựa chọn vấn đề, các kế hoạch, phương án và phải phổ biến trước cho đảng viên, để cho đảng viên có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu chuẩn bị ý kiến tham gia, đòi hỏi phải làm tốt công tác thông tin trong quá trình thảo luận, nhưng thông qua nghị quyết chưa phải là đã xong, mà một vấn đề quan trọng nữa là tổ chức thực hiện nghị quyết. Sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này để biến những điều trong nghị quyết thành hiện thực trong cuộc sống. Nói đến thực hiện nghị quyết của Đảng là nói đến toàn bộ hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, kiên quyết, kiên trì của Đảng. Hồ Chí Minh lưu ý đến những điểm chủ yếu sau đây:
Một là, tuyên truyền cho mọi người hiểu đường lối, chủ trương của Đảng. Sau khi có nghị quyết, chúng ta cần phải tổ chức việc phổ biến nghị quyết trong Đảng, rồi phổ biến những điểm cần thiết trong nhân dân. Việc phổ biến nghị quyết này là một việc rất quan trọng. Trong nội bộ phải đấu tranh tư tưởng, mới đi đến nhất trí được, chúng ta phải hết sức kiên nhẫn để đạt được sự nhất trí trong Đảng, nội bộ có nhất trí thì nghị quyết mới thực hiện được. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc phổ biến một số quyết định ở trong các tầng lớp nhân dân cũng sẽ gặp khó khăn. Chúng ta phải kiên quyết thuyết phục để tranh thủ sự đồng tình nhất trí của nhân dân với Nghị quyết của Đảng ta”[1]. Theo đó, trong Đảng phải phổ biến toàn bộ nghị quyết, còn trong nhân dân thì theo chỉ đạo của Người là “phổ biến những điểm cần thiết”. Khi phổ biến nghị quyết của Đảng, phải để đảng viên, quần chúng thảo luận, tranh luận, không để tình trạng chỉ thị của Trung ương, cán bộ chỉ đưa ra giảng như thầy giáo giảng bài, công nhân chỉ ngồi nghe, ít đi sâu thảo luận.
Phổ biến nghị quyết của Đảng trong nhân dân phải nâng cao tính thuyết phục, giải thích, tránh gò ép, mệnh lệnh, cưỡng bức. Thuyết phục quần chúng bằng lý lẽ nhưng quan trọng hơn là nêu gương. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nêu gương” có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi để quần chúng noi theo. Người chỉ rõ: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[2]. Đề ra chính sách, vạch ra kế hoạch, đảng viên phải thi hành trước, phải thi hành đúng. Việc tuyên truyền giải thích phải làm nhiều lần, đơn giản, thiết thực, nghe rồi làm được. Tốt nhất là miệng nói tay làm, làm gương cho người khác bắt chước.
Hai là, xây dựng kế hoạch thật chi tiết, cụ thể, thiết thực. Hồ Chí Minh cho rằng khi có Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi, song từ nguồn gốc đến thắng lợi thực sự còn phải tổ chức thực hiện. Xuất phát từ thực tiễn, bằng phương pháp luận khoa học với phương thức lãnh đạo đúng, Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định được “đường đi”, “phương hướng” của cách mạng Việt Nam. Ngay khi Đảng vừa mới ra đời (tháng 2/1930), Đảng ta đã có ngay một Cương lĩnh chính trị đúng đắn. Chánh cương vắn tắt của Đảng, tuy rất “vắn tắt”, ngắn gọn, nhưng đã xác định rõ ràng những vấn đề cơ bản về chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Nghĩa là làm cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và sau khi hoàn thành sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951) đã thông qua Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam (do Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo, soạn thảo). Chính cương của Đảng khẳng định: Cách mạng Việt Nam hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội và đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng hoạch định đường lối về cách mạng Việt Nam đó là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đẩy mạnh cách mạng giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi đến mục tiêu thống nhất đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phương hướng đã định, ta nhằm vào phương hướng ấy mà đi, thế nào ta cũng đi tới đích”[4]. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào? Là bằng mọi cách để ai đi nhầm đường thì chúng ta giúp họ đi vào con đường chính. Thấy người khác đi xiên, đi sai, ta ra sức giúp họ đi theo đường thẳng, đường đúng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”[5].
Ba là, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc điều chỉnh tạo ra hiệu quả cao. Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh, đối với công tác xây dựng Đảng thì công tác kiểm tra, giám sát càng có tầm quan trọng đặc biệt. “Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”[6]. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến nội dung của công tác kiểm tra, giám sát; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra công tác của Đảng, công tác của các tổ chức đảng cấp dưới và nhất là kiểm tra việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Người luôn nhắc nhở, Đảng phải luôn xét lại những Nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào, phải chú ý kiểm tra công tác của các tổ chức đảng cấp dưới, phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Nếu không như vậy thì những Nghị quyết, chỉ thị của Đảng sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng. Về nội dung kiểm tra, Hồ Chí Minh nêu rõ bốn nội dung mà cấp ủy, tổ chức đảng cần phải nghiêm ngặt kiểm tra, giám sát đó là kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo; kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”; phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương; đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, kiên quyết phòng bệnh chủ quan, tự mãn, tự tư, tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa, phải thực hành khẩu hiệu: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đồng thời, sau khi thực hiện nghị quyết, phải tổng kết kinh nghiệm. Người viết: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ ta tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng”[7]. Như vậy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng mới được tăng cường.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 9/12/2021 (Ảnh: Phạm Cường). |
Trong bối cảnh hiện nay, ở trong nước, sự nghiệp đổi mới được đẩy mạnh. Kinh tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, nhưng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tới sự nghiệp đổi mới. Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… còn diễn biến phức tạp. Tình hình nêu trên sẽ tác động mạnh đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra phương hướng trong công tác xây dựng Đảng: “Tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ…”[8]. Nhằm tăng cường củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng Đảng về thông qua nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng và toàn dân cần tập trung quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm. mục tiêu, định hướng và sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thông qua nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết trong xây dựng Đảng là một việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu mới phát triển của đất nước vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.
--------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.10, tr.452.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.1, tr.284.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.3, tr.1.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.6, tr.15.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.619.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.14, tr.362.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.283.
[8] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.2, tr. 228-229.
TS.GVCC. Vũ Quang Ánh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền