|
Hội thảo “Giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Vấn đề và giải pháp”. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo “Giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Vấn đề và giải pháp” vào chiều 20/5.
Hội thảo thu hút khoảng 150 đại biểu từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính…
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học cho định hướng và chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hình thành nền kinh tế số, góp phần phục vụ soạn thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và những vấn đề mới đặt ra thông qua một số tham luận của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành như: Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”; Đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách mới có liên quan; Đổi mới thể chế phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số, đề xuất kiến nghị; Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, đề xuất kiến nghị về cơ chế chính sách có liên quan; Sự hình thành kinh tế số và những vấn đề đặt ra trong phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam…
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) mới đang diễn ra với tốc độ nhanh và tạo ra những thay đổi thế giới mạnh mẽ hơn bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào trước đó. CMCN mới đang tạo ra những cơ hội và tốc độ phát triển cho tất cả các quốc gia trên thế giới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn cho nhiều quốc gia. Thích ứng và chớp lấy cơ hội từ cách mạng công nghiệp mới để phát triển, yếu tố nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định. Chính vì thế, cần có các chính sách và cơ chế mới thích ứng với thay đổi trên toàn cầu hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh trong hai thập niên gần đây, tốc độ phát triển KHCN diễn ra nhanh như vũ bão, xã hội đang đòi hỏi phải có một nền giáo dục kiểu mới, để có nguồn nhân lực mới thích ứng với một nền kinh tế kiểu mới, mà thế giới gọi chung là nền kinh tế số. Mặc dù nhiều nghị quyết đã ban hành và Luật Giáo dục, Giáo dục đại học đã được sửa đổi, nhưng trong điều kiện hiện nay, giáo dục, đào tạo hơn lúc nào hết, cần có cơ chế và chính sách mới nhằm khơi dậy niềm đam mê của người học, người thầy, nhà trường và toàn xã hội để nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ tri thức, sáng tạo công nghệ mới để sáng nghiệp, để cống hiến cho đất nước phát triển nhanh, mạnh hơn nữa… Đó là trách nhiệm không chỉ ngành giáo dục, đào tạo mà cả Nhà nước.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực từ Trung ương tới cơ sở và từng bước đi vào cuộc sống, giáo dục và đào tạo đã đạt được một số kết quả quan trọng. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với giáo dục, đào tạo được tăng cường; đổi mới GD&ĐT được thực hiện ở tất cả các cấp học, ngành học. Ngành giáo dục đã thể hiện quyết tâm đổi mới và kiên trì thực hiện nhiệm vụ cốt lõi, đột phá.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước về đổi mới giáo dục và đào tạo được triển khai quyết liệt và sâu sát hơn. Việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành triển khai tích cực nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được củng cố và sắp xếp lại, bước đầu xây dựng xã hội học tập và tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời. Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng, bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Công tác quản lý giáo dục bước đầu chuyển từ cơ chế “chỉ huy và kiểm soát” sang “giao quyền và giám sát”.
Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là khoa học giáo dục và khoa học quản lý có bước phát triển và thu được kết quả. Công tác nghiên cứu khoa học được tăng cường và hoạt động có hiệu quả hơn, vì vậy chỉ số công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế tăng gấp 2 lần so với năm 2013, chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia thăng hạng (năm 2018, Việt Nam tăng 2 bậc và xếp hạng 45/127 quốc gia; năm 2017 tăng 12 bậc, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 quốc gia). Nhiều sản phẩm và kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào đời sống.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cạnh tranh trong phát triển kinh tế chính là cạnh tranh trong giáo dục, tuy chúng ta đã nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như: Chương trình đào tạo nặng về lý thuyết; phương pháp giảng dạy lỗi thời làm học sinh thụ động, máy móc; chất lượng đội ngũ giáo viên tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, yếu kém; hệ thống bảng lương cho giáo viên còn nhiều bất cập… Nguyên Phó Chủ tịch nước đề xuất, các trường đại học phải giúp Chính phủ tạo ra tri thức theo hướng giáo dục mở để tất cả người lao động có thể tiếp nhận tri thức ở bất cứ đâu, thời gian nào; cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục - đào tạo, sớm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Tham luận “Xu hướng toàn cầu trong đổi mới giáo dục và bài học cho Việt Nam” của ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ ra vai trò của hệ thống giáo dục đại học là cung cấp kỹ năng thích ứng và các giải pháp sáng tạo đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa về phát triển nền kinh tế tri thức, tiến bộ công nghệ và sự thay đổi nhân khẩu học. Ông Ousmane Dione cho rằng, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm về xu hướng toàn cầu để biến những rủi ro tiềm ẩn thành cơ hội và giúp Việt Nam nhảy vọt, hướng tới một nước có mức thu nhập cao.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN và các cộng sự của mình đã nghiên cứu và đề xuất các đặc trưng của đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo. Theo đó, đại học thông minh định hướng đổi mới sáng tạo hay đại học thích ứng với CMCN 4.0 có 7 đặc trưng: Đào tạo theo định hướng khởi nghiệp; Nghiên cứu hàn lâm định hướng và kết hợp đổi mới sáng tạo; Hoạt động đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp; Hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng đại học thông minh; Cơ chế tự chủ đại học cao trong mối quan hệ với cơ quan quản lý và doanh nghiệp; Đại học đổi mới sáng tạo và một cơ sở có tính quốc tế hóa cao; Sự phát triển hài hòa giữa mục tiêu vốn hóa tài sản tri thức, gia tăng giá trị kinh tế của đại học với việc tạo ra giá trị cộng hưởng cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Nghiên cứu và dự đoán các xu thế công nghệ trong giáo dục hiện nay, GS.TS Nguyễn Quý Thanh và TS. Tôn Quang Cường, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có thể nhìn nhận giáo dục như một quá trình công nghệ, sản phẩm công nghệ có thể đóng gói, chuyển giao và như một quá trình ứng dụng, thẩm thấu các thành tựu của lĩnh vực công nghệ khác. Theo đó, các xu thế giáo dục hiện đại có thể kể đến: Nền tảng số cho giáo dục với khả năng giáo dục vượt khỏi không gian giáo dục truyền thống, tạo sự công bằng và cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người; người học số với quá trình dạy học ngày càng hướng đến người học mạnh mẽ, biến họ trở thành trung tâm của việc học, người đồng sáng tạo ra tri thức mới; người dạy số với chức năng của người dạy/nhà giáo dục là nhà kết nối, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và đánh giá xác thực các quá trình giáo dục bằng giải pháp công nghệ số; học liệu số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đa giác quan hóa và tương tác mạnh cho người học;...
Nhật Nam