VẤN ĐỀ PHÁT HUY NHỮNG PHẨM CHẤT TỐT ĐẸP CỦA CON NGƯỜI QUẢNG TRỊ TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP 

Khái niệm sức mạnh mềm hay quyền lực mềm (tiếng Anh: soft power) xuất hiện lần đầu tiên năm vào 1990 trong một cuốn sách của Giáo sư Joseph Samuel Nye ở Đại học Harvard. Theo đó, “sức mạnh mềm là khả năng tác động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của họ, khiến họ làm theo điều mà mình mong muốn, chứ không áp đặt điều mình mong muốn bằng vũ lực, đe dọa hay mua chuộc (bằng quyền lực cứng)”.

Sau đó năm 2002, trong cuốn "Vì sao chỉ có sức mạnh quân sự là chưa đủ" (Why military power is no longer enough), G. Nai định nghĩa sức mạnh mềm chính là "khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn". Tiếp đến, trong cuốn "Tái suy ngẫm về khái niệm sức mạnh mềm" (Think Again: Soft Power) xuất bản năm 2006, khái niệm này được rút gọn là "khả năng thông qua sự thu hút, hấp dẫn hoặc dụ dỗ của mình làm thay đổi hành vi của người khác, từ đó đạt được cái mà mình cần". Ngoài ra, ông còn chỉ ra 3 nguồn gốc của sức mạnh mềm: đó là văn hóa, thể chế chính trị và chính sách ngoại giao của một nước; đồng thời, chỉ ra 7 nội dung cơ bản của sức mạnh mềm, bao gồm: Sức hấp dẫn và sự ảnh hưởng của văn hóa; Sức hấp dẫn về hình thái ý thức xã hội, các quan niệm về giá trị và chính sách quốc gia; Chính sách đối ngoại đúng đắn; Xử lý các mối quan hệ trong nước vừa có tình vừa có lý; Sức hấp dẫn của đường lối phát triển và hình thức chế độ; Năng lực chỉ đạo, hoạch định và kiểm soát các quy phạm quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế và cơ chế quốc tế; Và mức độ ủng hộ, tán dương của dư luận quốc tế đối với hình ảnh quốc gia [1].

Viện dẫn như vậy để khẳng định rằng: trong quá trình phát triển cùng với các chính sách về kinh tế phải hết sức coi trọng nền tảng văn hóa, đặc biệt là yếu tố con người. Quảng Trị cũng không ngoài quy luật ấy. Chính vì ý nghĩa đó, ngày 15/02/2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đặt vấn đề: Trên cơ sở các yếu tố về văn hóa, lịch sử và con người Quảng Trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động nghiên cứu đề tài “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển” để sớm triển khai trong thực tiễn, xem đây là giải pháp quan trọng phát huy “sức mạnh mềm”, động lực thúc đẩy quá trình phát triển của tỉnh.  Đề tài đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2225/QĐ-UBND, ngày 27/9/2018. Sau hơn một năm triển khai, Ban Nghiên cứu đề tài khoa học của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bước đầu đã xác định những phẩm chất tốt đẹp; một số tính cách còn hạn chế; những phẩm chất cần có của người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phát huy, bồi đắp một số phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị; khắc phục những biểu hiện hạn chế, tiêu cực trong tính cách người Quảng Trị đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển:

1. Những phẩm chất truyền thống tốt đẹp. Trong quá trình nghiên cứu để xác định những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị, chúng tôi thấy rằng: Nước Việt Nam là một đất nước thống nhất. Dân tộc Việt Nam là đại gia đình thống nhất. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã hình thành nên những phẩm chất của con người Việt Nam, đó là: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc vì chủ nghĩa xã hội; có ý thức vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu; đoàn kết với Nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc làm chủ và tiến bộ xã hội; Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân gia đình, tập thể và xã hội và thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực [2]. Quảng Trị là một phần của đất nước Việt Nam; Con người Quảng Trị là một bộ phận của đại gia đình Việt Nam. Cho nên, những phẩm chất của con người Việt Nam không thể không của người Quảng Trị. Tuy nhiên với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, sinh tồn và nhất là những biến động của lịch sử đã hình thành một số phẩm chất, tính cách con người Quảng Trị tuy tên gọi không có gì khác với những phẩm chất chung của người Việt nhưng nội hàm, bản sắc thì riêng có.

Sau khi nghiên cứu, cân nhắc Ban Nghiên cứu đề tài bước đầu thống nhất lựa chọn 6 tố chất sau là những phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng nhất của người Quảng Trị (1) Yêu nước, có tính thần dũng cảm, quật cường(2) Sống có nghĩa, có tình, thủy chung và đôn hậu; (3) Cần cù, chịu khó, chịu khổ, luôn lạc quan, có tố chất nghệ sĩ; (4) Thông minh, tài trí,  hiếu học và có khát vọng vươn cao; (5) Bộc trực, ngay thẳng khí khái, tôn trọng lẽ phải; và (6) có ham muốn hòa đồng, có tình cảm quốc tế trong sáng .

2. Và những hạn chế cần khắc phục. Khi nghiên cứu vấn đề này, điều cần khẳng định: Những hạn chế, mặt tiêu cực đa phần là căn tính con người cho nên không chỉ có ở người Quảng Trị mà chung cho cả người Việt cũng như của các dân tộc trên thế giới. Những mặt tiêu cực xét trên khia cạnh nào đó thực chất cũng là một mặt của những phẩm chất tiêu biểu, được nhìn nhận theo thời gian và hoàn cảnh lịch sử. Tùy vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có khi khía cạnh tích cực trước kia lại biến thành tiêu cực theo quan điểm và đòi hỏi của hiện tại. Trên cơ sở nhận thức đó, Ban Nghiên cứu khái quát một số biểu hiện hạn chế, tiêu cực trong tính cách Người Quảng Trị; đó là: (1) Tư tưởng an phận, cam chịu, nặng tâm lí cầu may; (2) Ít có tầm nhìn xa trong mưu sinh; (3) Sự cố kết trong phạm vi cộng đồng lớn còn mức độ: và (4) cuối cùng là ý thức tôn trọng pháp luật chưa cao. Trên cơ sở phân tích những mặt “được” và “chưa được” của con người Quảng Trị, Ban Nghiên cứu đề tài bước đầu đã xác định 3 tính cách, phẩm chất cần có trong thời kỳ hội nhập đó là: (1) Khát vọng ước mơ hoài bảo; (2) Năng lực, khả năng thích nghi môi trường hợp tác và cạnh tranh; và (3) Chịu khó tư duy để nắm bắt cơ hội.

  Cùng với những phẩm chất, tính cách chung đó, chúng tôi cũng đã mạnh dạn đề xuất một số tính cách, phẩm chất cần có của một số đối tượng như: lãnh đạo quản lý; thanh niên, nông dân, phụ nữ, giáo viên…. 

3. Về hệ thống giải pháp để phát huy, bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị; khắc phục những biểu hiện hạn chế, tiêu cực trong tính cách người Quảng Trị đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển; Ban Nghiên cứu đề tài đề xuất 5 hệ thống giải pháp; đó là: (1) Giải pháp về sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của hệ thống chính trị; (2) giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; (3) giải pháp về xây dựng môi trường văn hoá; (4) giải pháp về tạo động lực phát triển, về cơ chế chính sách, điều kiện thực hiện; và (5) tạo lập, liên kết phát huy tiềm lực con người Quảng Trị ở các tỉnh, thành trong nước, người Quảng Trị ở nước ngoài để đóng góp xây dựng quê hương.

Trong khuôn khổ bài viết xin được nêu một số nội dung chủ yếu về giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cho rằng: Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất để phát huy, bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp [3] của con người Quảng Trị cũng như khắc phục cho được những hạn chế tiêu cực [4] trong tính cách Người Quảng Trị đó chính là làm tốt công tác tuyên truyền.

Điều cần khẳng định là công tác tuyên truyền về văn hoá nói chung, trong đó có việc tuyên truyền những giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của mảnh đất và con người Quảng Trị trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức, cấp độ và sức lan tỏa. Tuy vậy, để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu được căn nguyên những phẩm chất tốt đẹp; đặc biệt là nhận diện những hạn chế về tính cách của con người Quảng Trị nhằm từng bước khắc phục, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập và phát triển thì vẫn còn khoảng cách. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho công tác tuyên truyền trong thời gian tới đó là: Thứ nhất, là tuyên truyền để khẳng định, vun đắp niềm tự hào về truyền thống văn hóa và con người Quảng Trị; Thứ hai, là tiếp tục khẳng định, phát huy các phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển; đồng thời khắc phục hiệu quả các  hạn chế trong tính cách của con người Quảng Trị.

Nhiệm vụ đặt ra cho công tác tuyên truyền trong thời gian tới là dù tuyên truyền về những phẩm chất tốt đẹp hay những khía cạnh tính cách còn chưa “đẹp” thì vấn đề cốt lõi vẫn phải là truyền lửa để mỗi người dân Quảng Trị nâng cao lòng tự hào, khát vọng vươn lên sống có ước mơ hoài bảo; phải thường xuyên rèn đức, luyện tài, luyện rèn sức khỏe, nâng cao năng lực, khả năng thích nghi môi trường hợp tác và cạnh tranh; và chịu khó tư duy để nắm bắt cơ hội.

Về hình thức tuyên truyền, chủ yếu qua 4 kênh: (1) Thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình; các trang Web, cổng thông tin điện tử của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương, mạng xã hội (zalo, facebook ...) tạo các diễn đàn để người dân Quảng Trị hiến kế;  (2) Từ các hội nghị xúc tiến đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, các buổi giao lưu... để quảng bá, phát huy sức mạnh, huy động nguồn lực người Quảng Trị xa quê; người nước ngoài sống và làm việc tại Quảng Trị; (3) Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; nhất là những phẩm chất cần có của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập cho thế hệ trẻ. Và (4) Tổ chức cung cấp thông tin, tình hình của tỉnh cho bà con xa quê qua các kênh, nhất là qua các hội  đồng hương Quảng Trị ở các tỉnh thành trong và ngoài nước.

Nguyễn Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


      [1] Theo Nguyễn Minh “Sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế”

[2] Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

        [3] Yêu nước, yêu quê hương làng xóm sâu sắc, có tính thần dũng cảm, quật cường, sẵn sàng xả thân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; Sống có nghĩa, có tình, thủy chung và đôn hậu; Cần cù, chịu khó, chịu khổ, luôn lạc quan, có tố chất nghệ sĩ; Thông minh, tài trí, có truyền thống hiếu học và có khát vọng vươn cao; Bộc trực, ngay thẳng khí khái, tôn trọng lẽ phải; Có ham muốn hòa đồng, có tình cảm quốc tế trong sáng.

       [4]  Tư tưởng an phận, cam chịu, nặng tâm lí cầu may; Ít có tính mưu lược, tầm nhìn xa trong mưu sinh;  Sự cố kết trong phạm vi cộng đồng còn mức độ và cuối cùng là ý thức chấp hành pháp luật chưa cao

5185 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 542
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 542
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87214351