Vẫn còn ý kiến khác nhau về đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước 

(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ, có ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề tên gọi Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Sáng 28/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến, thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Hai loại ý kiến về tên gọi luật

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới  

Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi hiện còn 02 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước và cho rằng việc sử dụng tên gọi này có ưu điểm là thể hiện bao quát, đầy đủ các chính sách được đề xuất khi đề nghị bổ sung dự án Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thể hiện đúng bản chất của công tác quản lý căn cước; không tác động đến vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân; không tác động đến các luật khác.

Tuy nhiên, hạn chế là tác động đến tâm lý một bộ phận người dân, lo ngại sẽ phải thay đổi thẻ căn cước công dân, thay đổi các thủ tục hành chính sử dụng thẻ căn cước công dân, không bảo đảm sự ổn định của chính sách; tác động đến đại đa số công dân Việt Nam hiện đang được cấp và sử dụng thẻ căn cước công dân.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Bởi ưu điểm là tên gọi này đã sử dụng ổn định, góp phần giữ ổn định các quy định của pháp luật hiện hành, các loại giấy tờ, thủ tục hành chính, dân sự; phù hợp với tên gọi trong Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 ngày 17/3/2023 của UBTVQH. Tên gọi Luật Căn cước công dân gắn với tên gọi thẻ căn cước công dân thể hiện địa vị pháp lý là công dân Việt Nam với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Tuy nhiên, tên gọi này thể hiện không đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này, chưa phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, Thường trực UBQPAN nhất trí với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau, Thường trực UBQPAN đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về tên gọi của Luật.

Dù phương án nào cũng phải quy định cấp một loại giấy tờ phù hợp cho người gốc Việt chưa có quốc tịch

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) 
Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhất trí với phương án đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước. 

Theo đại biểu, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc. 

Đại biểu cho rằng, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, nhưng đang hiện hữu, sinh sống, là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa… Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội. 

Đại biểu nhấn mạnh, việc mở rộng cấp căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn tỉnh Tây Ninh) cũng bày tỏ tán thành với việc đổi tên dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành dự án Luật Căn cước. Bởi thẻ căn cước mang tính chất định danh và thẻ căn cước công dân chủ yếu xác định vấn đề quốc tịch, chủ yếu là về mặt hình thức, còn vấn đề quan trọng nhất là dữ liệu gốc- cơ sở dữ liệu quốc gia mà chúng ta lưu trữ. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết, chúng ta đang hướng tới tiến đến một giai đoạn mà không cần phải thể hiện quá nhiều dữ liệu trên thẻ, mà quan trọng nhất là dữ liệu gốc. Do đó, việc đổi tên thành Luật Căn cước, theo đại biểu cũng không có ảnh hưởng gì. 

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn tỉnh Quảng Nam) đồng tình với tên gọi là Luật Căn cước công dân. Đại biểu cho rằng, Luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam, và trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ “công dân”. Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác.

Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi của Luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ vào trong Luật này hay không, cần xem xét có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác hay không?.

Phát biểu làm rõ môt số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cảm ơn sự đóng góp trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc hoàn thiện dự thảo luật; ban soạn thảo đã tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý từ kỳ họp thứ 5. Đến nay, dự thảo cơ bản thỏa mãn các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quán triệt, thể chế hóa chủ trương của Đảng nhất là chủ trương chuyển đổi số, công dân số; bám sát các chính sách lớn, đánh giá đầy đủ đối tượng tác động; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, dự thảo luật còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó về tên gọi của luật. Đa số ý kiến cho rằng tên gọi Luật Căn cước đảm bảo tính khoa học, tính phổ biến, phù hợp với thông lệ quốc tế, mang tính bao trùm, toàn diện, phù hợp với sự thay đổi phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật. Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, giải trình thấu đáo các vấn đề đại biểu nêu chưa đồng tình với tên gọi Luật Căn cước, đảm bảo các điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật trình Hội nghị. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo luật, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu đối với dự thảo luật trong hồ sơ kèm theo. Các đại biểu cũng cho nhiều ý kiến, bày tỏ quan điểm về nội dung, tên gọi của dự thảo luật. Dù lựa chọn phương án nào cũng cần thiết kế quy định việc cấp một loại giấy tờ phù hợp thực tiễn đối với người gốc Việt nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để tiếp thu đầy đủ, có ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề tên gọi Luật, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6./.

 
 
TG
99 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 713
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 713
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77416772