Ảnh minh họa: CPV
Sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã thông tin về những kết quả thực hiện 8 nhiệm vụ giảm nghèo trong giai đoạn 2017 - 2018, làm rõ nguyên nhân của một số hạn chế, tồn tại.
Trong đó, một trong những nhiệm vụ được đề cập là bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.
Nhận thức về chính sách BHYT còn hạn chế
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thực hiện nhiệm vụ về tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến BHYT, chỉ đạo thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân; ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bổ sung một số nhóm đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT.
Tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp được đưa ra trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013; Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020.
Về bố trí kinh phí đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng do NSNN đảm bảo, trong 02 năm, NSNN đã chi khoảng 61.530 tỷ đồng (trong đó: Năm 2016 là 28.450 tỷ đồng (chi từ sự nghiệp y tế khoảng 20.000 tỷ đồng), năm 2017 là 33.080 tỷ đồng (chi từ sự nghiệp y tế khoảng 21.000 tỷ đồng).
Với những nỗ lực trên, năm 2016, cả nước có 75,91 triệu người tham gia BHYT, bằng 81,9% dân số (tăng 6,25 triệu người so với năm 2015); năm 2017 ước có khoảng 79,3 triệu người tham gia BHYT, bằng 84,9% dân số. Trong tổng số đối tượng tham gia BHYT, nhóm đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ mức đóng bằng khoảng 65%.
Như vậy, với kết quả phát triển đối tượng tham gia BHYT đến năm 2016 đạt mục tiêu trước 4 năm so với mục tiêu phát triển BHYT.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Đó là một bộ phận người sử dụng lao động còn trốn đóng BHYT cho người lao động, nhận thức của một bộ phận người lao động về BHYT còn hạn chế, chấp nhận ký hợp đồng lao động kể cả không được tham gia BHYT, BHXH, BHTN để nhằm giải quyết nhu cầu có việc làm.
Nhận thức của nhiều hộ gia đình về chính sách BHYT còn hạn chế, có tư tưởng lựa chọn ngược, chỉ khi nào ốm đau mới tham gia BHYT; còn khoảng 40% người thuộc hộ gia đình chưa tham gia BHYT, trong đó có khoảng 10 - 20% người có thu nhập cao chưa sẵn sàng tham gia mà lựa chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là tại y tế tuyến cơ sở, người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục trong KCB, trong chuyển tuyến, trong thanh toán BHYT...
Gần 60% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã
Đối với nhiệm vụ "Đến năm 2020, hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp.
Đáng chú ý, về huy động nguồn lực, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đầu tư các trạm y tế xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Thời gian vừa qua, các địa phương đã tích cực huy động các nguồn vốn để đầu tư cho các trạm y tế xã, Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế triển khai một số dự án ODA để hỗ trợ đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn như: Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 vay vốn ADB đầu tư xây dựng mới, sửa chữa 58 trạm y tế xã cho 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắc Nông, Kon Tum).
Dự án hỗ trợ hệ thống y tế do Quỹ toàn cầu viện trợ không hoàn lại, trong đó có trang thiết bị cho các trạm y tế xã 15 tỉnh miền núi phía Bắc, tỉnh nghèo, tỉnh có tỷ lệ mắc lao, HIV/AIDS cao; Bộ Y tế đã dành một phần ngân sách của Chương trình hỗ trợ ngân sách ngành giai đoạn I do EU viện trợ không hoàn lại để xây dựng mới 87 trạm y tế xã khó khăn (khoảng 345 tỷ đồng); được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương sử dụng khoảng 1.050 tỷ đồng giai đoạn 2 để đầu tư xây dựng 288 trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Tuy vậy, theo thống kê, cả nước mới có khoảng gần 60% số trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã nhưng nhiều trạm vẫn phải cải tạo, nâng cấp, nên còn khoảng 40% số trạm y tế xã cần phải đầu tư, nâng cấp. Nhu cầu đầu tư là rất lớn, hàng năm, Bộ Y tế đều xây dựng dự toán ngân sách trung ương để hỗ trợ ngân sách địa phương đầu tư cho trạm y tế xã nhưng do ngân sách khó khăn nên không bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện. Do đó, từ năm 1993 đến nay, với việc thực hiện các giải pháp, các dự án ODA nêu trên ước tính mới đầu tư được khoảng 20% số trạm y tế xã, vẫn còn trên 20% số xã cần phải đầu tư chủ yếu là xã ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhiều trạm y tế xã còn chưa có nhà trạm, phải đi mượn cơ sở khác, xã có trạm nhưng bị hư hỏng nặng, xuống cấp, chưa được đầu tư.
Theo Chính phủ, việc đầu tư cho các trạm y tế xã theo Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội khó khăn nhất là nguồn vốn đầu tư (ước tính khoảng 3.000 xã, tổng mức đầu tư khoảng 12.000 - 13.000 tỷ đồng). Các trạm y tế xã khó khăn, đặc biệt khó khăn lại chủ yếu ở các tỉnh miền núi, tỉnh nghèo, ngân sách trung ương phải hỗ trợ.
Thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 76 đến năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ về y tế, thực hiện mục tiêu bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo./.
Tú Giang