Để làm rõ vấn đề này, xin được nêu ý kiến của Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phí Ngọc Tuyển tại hội thảo góp ý cho bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN ở địa phương năm 2018, sau 2 năm thực hiện “chấm điểm” công tác PCTN ở cấp tỉnh, ông phát hiện có sự chênh lệch lớn trong đánh giá giữa địa phương và Trung ương.
Theo ông Phí Ngọc Tuyển, phương pháp đánh giá được triển khai thí điểm 2 năm qua là các địa phương tự chấm điểm, sau đó Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát lại để đưa ra kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, ông Phí Ngọc Tuyển cho biết, vào năm đầu tiên, có địa phương tự chấm tới 98/100 điểm nhưng đến khi rà soát lại thì địa phương đạt điểm cao nhất chỉ hơn 77/100 điểm, thấp hơn mức tự đánh giá của địa phương tới 21 điểm.
Một thông tin liên quan đáng lưu ý khác cũng được ông Phí Ngọc Tuyển đưa ra là trong 4 nội dung được đưa ra đánh giá gồm: quản lý nhà nước về PCTN; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện hành vi tham nhũng và xử lý các hành vi tham nhũng thì số điểm của nội dung quản lý nhà nước với các chỉ tiêu ban hành văn bản luôn cao hơn nội dung phát hiện và xử lý tham nhũng.
Những con số nêu trên làm dư luận rất băn khoăn, có thể đặt câu hỏi là các địa phương đã tự kiểm điểm đánh giá nghiêm túc chưa? hay “dĩ hòa vi quí”, làm cho có, qua loa chiếu lệ. Tinh thần tự phê bình và phê bình, nêu gương của cán bộ, đảng viên đang ở đâu? Có thờ ơ vô cảm trước những biểu hiện tiêu cực, sai trái, suy thoái về đạo đức, lối sống, biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hay không?…
Phải chăng những nội dung trên minh chứng cho một nhận định được nói mãi, nói hoài từ lâu nay mỗi khi nói tới công tác PCTN: “trên nóng mà dưới chưa nóng”. Nhắc đến tình trạng này để nói rằng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác PCTN nhằm khắc phục triệt để tình trạng này, song phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn là khâu yếu trong công tác PCTN ở các địa phương.
Nói về vấn đề này xin được dẫn lời của hai Bí thư tại hai địa phương:
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã khái quát như sau, tình trạng cấp trên “đốt lửa to”, nhưng cấp dưới chậm đốt lửa hoặc “đốt lửa nhỏ”, trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Cùng quan điểm đó, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải cho rằng, cần thực hiện phải mạnh hơn, quyết liệt hơn chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát. “Vừa rồi Trung ương làm rất mạnh nhưng mới chỉ dừng lại ở Uỷ ban Kiểm tra TW còn dưới chưa mạnh lắm, các địa phương tới đây phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn việc kiểm tra, giám sát, thanh tra”, đồng chí Bùi Văn Hải đề nghị.
Thử hỏi nếu địa phương và các ngành không tích cực, tự giác, tự thân tham gia vào đấu tranh PCTN thì Trung ương có thể thể bao quát hết được từng ngóc ngách của 63 tỉnh, thành và các ngành hay không, câu trả lời sẽ là không.
Thực tế cho thấy, hầu hết những đại án tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua đều bắt nguồn từ kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra từ Trung ương Thậm chí, có những vụ việc địa phương báo cáo “không có dấu hiệu vi phạm”, xử lý vi phạm như kiểu “tặng quà” nặng về kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc hay khiển trách, hạ bậc lương, điều động sang làm công việc khác chức vụ tương đương thậm chí còn cao hơn...Tuy nhiên khi các cơ quan chức năng của Trung ương vào cuộc thì kết quả không như vậy mà sai phạm là nghiêm trọng, thậm chí là rất nghiêm trọng.
Trả lời câu hỏi của nhiều cử tri về việc vì sao rất nhiều hành vi vi phạm tại các địa phương xảy ra cách đây cả chục năm nhưng tới nay mới xử lý được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, chính các cấp ủy ở địa phương, cơ sở còn yếu; chính khâu kiểm tra, giám sát nội bộ ở các địa phương còn hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “trên nóng mà dưới chưa nóng” này. Trung ương thì “sôi sùng sục”, hành động quyết liệt, trong khi đó địa phương cơ sở chậm chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng nhất là cuộc đấu tranh PCTN nhũng hiện nay.
Vai trò của cấp ủy ở địa phương, khâu kiểm tra, giám sát nội bộ mới chính là cơ sở để nhóm lên ngọn lửa chống tham nhũng ở địa phương. Thật khó có thể “chuyển lửa” chống tham nhũng về các địa phương nếu như chính các địa phương không biết cách để tự nhóm lấy lửa.
Có lẽ đã đến lúc các địa phương phải nhận thức rõ ràng rằng, chống tham nhũng không thể là việc ở trên “thiên đình”. Đó trước hết phải là công việc tự thân của mỗi địa phương. Đây chính là phương thuốc hữu hiệu trị căn bệnh “trên nóng mà dưới chưa nóng” của hệ thống chính trị hiện nay./.
Nguyễn Minh