LẶNG THẦM CÔNG VIệC
Qua câu chuyện của ông Hoàng Văn Minh, Phó trưởng Ban quản lý Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị thì Nghĩa trang LSQG Trường Sơn được xây dựng trên khu vực có 7 quả đồi liên tiếp, rộng gần 40 ha, mỗi quả đồi một chức năng khác nhau. Ở đồi trung tâm là nơi đặt tượng đài và sân hành lễ, 6 quả đồi còn lại lượn theo thế hình vòng cung hướng về phía Tây dành để bố trí các khu mộ liệt sĩ an táng theo từng địa phương tỉnh, thành phố.
Toàn bộ nghĩa trang được chia thành 24 khu mộ, bố trí theo địa hình cao thấp khác nhau hài hòa, tĩnh lặng. Công việc hàng ngày của các nhân viên Đội quản trang Nghĩa trang LSQG Trường Sơn là đón khách, quét dọn vệ sinh và dâng hương đều khắp trên từng nấm mộ liệt sĩ. Để hoàn thành công việc, bình quân mỗi anh, chị ở đây mỗi ngày phải đi bộ ít nhất một vạn bước chân.
Cán bộ ở Nghĩa trang LSQG Trường Sơn chăm sóc các phần mộ liệt sĩ
Ông Minh bảo, cứ vào tháng Bảy này, du khách đến viếng nghĩa trang hầu hết các thời gian trong ngày nên các anh chị liên tục phục vụ đốt nhang, đặt lễ, vòng hoa viếng, tổ chức lễ tưởng niệm cho các đoàn, dẫn khách đến viếng các khu mộ của các địa phương theo yêu cầu… Mỗi ngày có đến 60 đoàn khách, gần 2.000 người đến hương khói các anh hùng, liệt sĩ. Lắm bữa, công việc phục vụ bận rộn xuyên trưa, vừa không có thời gian rảnh, vừa mệt bởi đã quá bữa, các anh chị đành bỏ bữa trưa và nhịn đến chiều.
Có những ngày du khách làm lễ cầu siêu cho vong linh các anh hùng, liệt sĩ thì các anh, chị phải trực cho đến khi xong lễ, khoảng 11-12 giờ đêm. Nhưng 5 giờ sáng hôm sau mọi người đều phải bắt đầu công việc của mình tại nghĩa trang rồi. Song sự hài lòng của du khách, của gia đình, thân nhân các anh hùng, liệt sĩ mỗi lần đến thăm viếng là niềm vui và động lực để anh, chị làm tốt hơn nữa phần việc của mình.
Viếng Nghĩa trang LSQG Trường Sơn
Anh Hoàng Văn Thương, nhân viên Ban quản lý Nghĩa trang LSQG Trường Sơn kể rằng, có nhiều bữa, chiều trước quét sạch lá cây trong khuôn viên thì chỉ sau một đêm lá rụng đầy như cũ. Mùa nắng thì sợ thắp nhang nhỡ sơ suất gây cháy, mùa mưa thì sợ lá cây ẩm mục làm bẩn phần mộ.
Công việc lặp đi lặp lại hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm mà nếu không có sự thành tâm và bền bỉ khó mà hoàn thành được. Gắn bó với công việc, anh Thương gần như thuộc tên các liệt sĩ trên từng bia mộ. Có lúc anh vừa làm việc vừa trò chuyện tỉ tê với các liệt sĩ như để được tiếp thêm sức mạnh và nguồn động viên trong cuộc sống. Nhiều hôm đang làm vệ sinh các khu mộ, bắt gặp các cựu chiến binh đến thắp nhang, tâm sự, hát ru cho đồng đội của mình trong lòng đất, các anh phải dừng công việc…
XIN CẢM ƠN CÁC ANH CÁC CHỊ!
Hiện đội ngũ quản trang ở Nghĩa trang LSQG Trường Sơn có 25 người để chăm sóc hương khói cho hơn 10.000 phần mộ liệt sĩ. Công việc vất vả nhưng anh chị em ở đây vẫn hoàn thành tốt bằng tất cả tấm lòng cống hiến của mình. Và cũng chính vì công việc bằng cả tấm lòng ấy, suốt mấy năm qua, Đảng và Nhà nước, thân nhân liệt sĩ, đồng đội liệt sĩ và nhân dân cả nước có dịp đến viếng Nghĩa trang Trường Sơn đều chung cảm xúc yên lòng bởi các phần mộ liệt sĩ yên nghỉ tại đây được quan tâm chăm sóc tận tình, chu đáo.
“Hằng năm, tôi và các đồng đội đều trở về Trường Sơn. Về đây, chúng tôi được sống lại những năm tháng hào hùng thời kỳ binh lửa. Những năm tháng không thể nào quên. Và mỗi lần đến Nghĩa trang Trường Sơn, cầm nén nhang thắp lên cho đồng đội ký ức ùa về và nước mắt quện với khói hương”, bà Vũ Thị Thúy Lành, nguyên thuộc Đoàn văn công Sư đoàn 968 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào
Lẫn giữa dòng người viếng thăm, hình ảnh tất bật của những người làm công việc quản trang vẫn âm thầm, lặng lẽ như chính tấm lòng tri ân của họ là cố gắng đến mức cao nhất các phần mộ đều thanh sạch, tinh tươm. Mỗi cây hương, ngọn nến hay bao bì mà khách viếng thăm vô ý để lại đều được những người quản trang dọn dẹp sạch sẽ từng ngày. Giữa cái nắng hè gay gắt của đất lửa Quảng Trị tôi gặp bà Nguyễn Thị Tuyến, cựu binh ở quận Long Biên, TP Hà Nội.
Bà Tuyến bảo: “Lúc mới bước chân tới đây tôi đã có cảm giác yên lòng, tôi đã nói với cả đoàn cùng đi rằng, nghĩa trang thật đẹp và sạch sẽ, chắc phải có sự chăm sóc đặc biệt và chu đáo. Những chiến sĩ hy sinh cho đất nước sẽ thấy yên lòng khi được nằm tại nghĩa trang này. Vô cùng cảm ơn các anh, các chị quản trang ở đây!”.
Ông Lê Văn Thanh, cựu chiến binh quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội xúc động: “Mỗi năm mỗi khác, năm ngoái chúng tôi vào thấy hoa khác, năm nay thay đổi một loạt hoa mới như thế này thì chúng tôi rất vui. Cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ, cảm ơn anh chị em ban quản lý nghĩa trang đã quan tâm chăm sóc các anh hùng liệt sĩ nằm đây. Gia đình chúng tôi vô cùng hoan hỉ”.
Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Quang Mạo - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, bảo: “Tôi chỉ thay mặt đồng đội nói một lời cảm ơn những người quản lý nghĩa trang này. Mỗi lần vào đây tôi đều thấy sự đổi mới... Và đồng đội ở đây đã chắp cách cho chúng tôi, nuôi dưỡng tinh thần những người đang đứng ở đây với một cuộc sống tươi đẹp và rất cảm ơn những người quản lý nghĩa trang này”.
Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Thúy Mỵ nguyên Đoàn văn công quân đội thuộc Tổng cục Chính trị “Năm nào cũng vậy, chúng tôi đều về đây để cất tiếng hát cho các anh, cho những người đồng đội chúng tôi năm xưa mãi mãi vẫn là tuổi 20 cho nên chúng tôi rất hạnh phúc. Tôi rất cám ơn đồng đội đã cho chúng tôi sống đến ngày hôm nay và đến đây để thắp nén tâm nhang cho các anh chị. Những người quản trang Nghĩa trang LSQG Trường Sơn họ cũng là những chiến sĩ tiếp bước quân hành cho quê hương đất nước này”.
(Còn nữa)
HỮU THÀNH