Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham gia đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại đầu cầu tỉnh Hậu Giang, chị Trần Thị Tuyết Thương đặt câu hỏi về việc giải quyết các vấn đề của phụ nữ di cư trở về địa phương, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp lý của phụ nữ, trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài; tạo điều kiện để họ tiếp cận đầy đủ, dễ dàng chính sách hỗ trợ và tái hòa nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, việc phụ nữ di cư trở về Việt Nam và trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài phát sinh rất nhiều trong thời gian qua. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo với các địa phương rà soát và đánh giá các vấn đề liên quan đến hộ tịch, quốc tịch của trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài.
Qua khảo sát của các bộ, ngành, địa phương, đa phần trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam đều đã được khai sinh, xác định quốc tịch. Còn một nhóm nhỏ là con của công dân Việt Nam lấy chồng nước ngoài trở về nước, hiện giờ vẫn chưa xác định được quốc tịch và chưa đăng ký khai sinh vì cả mẹ và con đều không có giấy tờ tuỳ thân.
Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những giải pháp để tạo điều kiện, kể cả khi trẻ em chưa xác định được quốc tịch hay không có giấy tờ khai sinh vẫn được đến trường.
Đặt câu hỏi trực tuyến, chị Vi Thị Hợi, Hội viên phụ nữ xã Tả Phời, tỉnh Lào Cai đề cập: "Ở Việt Nam, hiện có đến trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi vẫn chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chủ yếu là nông dân và người lao động trong khu vực phi chính thức–những người có thu nhập thấp, đồng nghĩa với việc họ chưa được hưởng các chế độ thai sản của Nhà nước. Xin Thủ tướng cho biết, Chính phủ có giải pháp cụ thể nào để tăng số lượng người lao động được hưởng chế độ thai sản, trong đó có lao động nữ".
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Thị Hà đưa ra 3 giải pháp để tăng số lượng người lao động được hưởng chế độ thai sản. Đó là, rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc với các hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành các hợp tác xã…
Thứ hai, phải mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi từ bảo hiểm xã hội tự nguyện sang bắt buộc hướng tới chính sách phủ bảo hiểm xã hội cho toàn thể người lao động có việc làm.
Thứ ba, cần nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm ngắn hạn, linh hoạt với các mức đóng, phương thức giao dịch phù hợp cho nhiều đối tượng. Đồng thời, tăng cường liên kết hỗ trợ chính sách bảo hiểm xã hội với các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện, trên cơ sở có nhiều đối tượng tham gia lựa chọn và thụ hưởng.
Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã nghiên cứu và đề xuất giải pháp bổ sung chế độ bảo hiểm trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều này được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Bộ LĐTB&XH đang tích cực làm việc với các bộ, ngành để xây dựng dự thảo luật sửa đổi này.
Trung tá Phạm Thu Hường, Trợ lý phụ nữ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trung tá Phạm Thu Hường, Trợ lý phụ nữ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ một nội dung: "Giáo dục làm cha mẹ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có một chương trình giáo dục làm cha mẹ tổng thể mà các nội dung đang nằm ở một số chương trình, đề án, chiến lược. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục làm cha mẹ tổng thể cấp quốc gia, trong đó, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan theo giai đoạn phát triển của trẻ em".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục ý thức được tầm quan trọng về giáo dục kiến thức, kỹ năng để làm cha mẹ. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục thể chất, tinh thần, đạo đức, nhân cách cho trẻ em. Hiện nay, đúng là chưa có chương trình đào tạo nào riêng cho việc này ở nước ta.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để làm cha mẹ tốt là công việc cả đời chứ không chỉ là một khoá học có thể giải quyết được, cha mẹ cần có những hiểu biết về dinh dưỡng, về chăm sóc cho trẻ… đồng thời là tấm gương, là giáo viên rất quan trọng đối với trẻ em. Vì vậy, lớp học làm cha mẹ là lớp học cả cuộc đời.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Hội Liên hiệp phụ nữ có thể thiết kế những lớp học linh hoạt, thậm chí là tổ chức online, để tiếp cận, chia sẻ cho các hội viên của mình các kiến thức để làm người mẹ tốt.
Nhân dịp này, tư lệnh ngành giáo dục xin gửi tới toàn thể hội viên hội phụ nữ nói chung và các giáo viên nữ lời chúc mừng và bày tỏ sự ghi nhận những đóng góp vô cùng to lớn, quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà. Trong số 1,6 triệu giáo viên, có tới 1,1 triệu giáo viên nữ đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trên khắp cả nước.
Phương Liên